Đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng các sản phẩm mây tre, Xí nghiệp đã đăng ýký tham gia dự án sản xuất sạch hơn do Bộ Công Thương chủ trì, với sự tài trợ của tổ chức DANIDA (Thuy Điển) để giảm các chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động và giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất tới môi trường. 

Hiện trạng môi trường 

Hàng năm trong quá trình sản xuất, Xí nghiệp thải ra một lượng nước thải là 3.000 m3/năm có chứa các hoá chất từ các quá trình luộc và tẩy gồm: H2O2, NaOH, SiO2, dầu diesel mà chưa qua khâu xử lý nào. Mặc dù Xí nghiệp đã xây dựng bể xử lý quy mô nhỏ ở cuối khuôn viên của cơ sở sản xuất nhưng cũng không xử lýý được hết các hoá chất độc hại trong nguồn nước thải. 

Bên cạnh đó, hàng năm, Xí nghiệp cũng thải ra các loại chất thải rắn chủ yếu là lượng mây thải, vỏ mây với khối lượng khoảng 80 tấn/năm. Để xử lí chất thải rắn này, Xí nghiệp mới chỉ áp dụng cách đốt gia nhiệt cho quá trình luộc, nhưng cũng chỉ xử lí được một số lượng rất ít. Số mây thải còn lại tương đối lớn ước chừng khoảng 75 tấn/năm chưa được tận dụng mà đốt bỏ. 

Trong quá trình sản xuất cũng sinh ra lượng khí thải phát sinh chủ yếu từ quá trình luộc mây và đốt chất thải. Ngoài ra còn một lượng khí thải nữa trong quá trình hoàn thiện sản phẩm đó là dung môi toluen hoà tan trong sơn PU quét lên bề mặt sản phẩm để tạo độ bóng và bảo vệ bề mặt mây. 

Bụi thải phát sinh chủ yếu ở khâu chẻ, tuốt mây tập trung trong một xưởng. Ngoài ra, còn có lượng bụi phát sinh trong quá trình bào gỗ tạo khung cho các chi tiết. Tất cả các loại bụi này phát tán trong phân xưởng, ảnh hưởng đến sức khoẻ công nhân lao động và năng suất sản xuất. 

áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn 

Dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam, Đội Sản xuất sạch hơn của Xí nghiệp với thành phần là Giám đốc, Phó giám đốc và các cộng sự ở các bộ phận sản xuất của Xí nghiệp đã tiến hành phân tích các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp SXSH để thực hiện. Sau khi phân tích và đề xuất các giải pháp, Đội đã sàng lọc các giải pháp SXSH, phân loại các giải pháp để áp dụng đối với từng trường hợp khác nhau. 

Giải pháp thay thế hệ tẩy mây cũ bằng hệ mới có gia nhiệt 

Trước đây để tẩy mây, Xí nghiệp sử dụng 7 bể tẩy (gồm cả tẩy mây xám và mây trắng). Tuy nhên sau một thời gian sử dụng không hiêụ quả, Xí nghiệp đã tính toán và nghiên cứu giải pháp mới, thay thế các bể cũ bằng lắp đặt các bể tẩy mới được làm bằng inox sẽ kéo dài tuổi thọ của bể và quan trọng hơn là do có gia nhiệt nên hiệu quả tẩy tăng lên, giảm lượng hoá chất và thời gian tẩy đi đáng kể. Các bể này được đặt trên bệ xây bằng xi măng, gạch có cửa đốt để làm sao khi dùng mây thừa đốt thì lửa tiếp xúc tốt với đáy bể. Bể làm bằng inox có độ dày 5 mm, các mối hàn được mạ để đảm bảo không bị rỉ, có độ dốc để dễ dàng tháo cặn và nước thải ra qua vòi, có nắp đậy để tránh bay hơi khi gia nhiệt và dễ dàng mở để lấy mây đã tẩy ra. 

Công nghệ mới này không những không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà còn làm cho mây trắng hơn, làm tăng công suất tẩy, diện tích thay thế bể cũ cũng nhỏ đi nên không phải ngừng sản xuất, giảm bớt nhân công, vận hành dễ dàng và đảm bảo sức khoẻ cho công nhân vận hành. Ngoài ra, sử dụng công nghệ này còn tiết kiệm được chi phí mua hoá chất 70.000.000 đồng/năm, chi phí vận hành không thay đổi, chỉ 5 -7 năm là hoàn trả vốn. 

Giải pháp xây dựng hệ thống xử lý nước thải 

Để giải quyết lượng nước thải của quá trình tẩy mây với khối lượng khoảng 10 m3/ngày có hàm lượng BOD, COD cao vẫn chưa được xử lý mà thải thẳng ra bên ngoài. Các chuyên gia và Đội Sản xuất sạch hơn cũng đã nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Theo đó, nước thải qua hố gas và thanh chắn rác để loại bỏ các chất thải rắn, đất đá sẽ theo mương nước đi vào bể điều hòa. Thời gian lưu tại bể điều hòa là 4 giờ đảm bảo độ đồng nhất cho nước thải. Nước tại bể điều hòa sẽ được bơm lên bể phản ứng kết hợp lắng. Tiếp đó, hệ thống khuấy trộn sẽ trộn nước thải với phèn, kiềm hoặc axit để điều chỉnh pH và chất trợ keo. Sau khoảng 6 - 10 phút, nước thải sẽ chuyển sang ngăn kế tiếp để lắng các bông cặn. Bông cặn được đi qua bể chứa bùn và định kỳ tháo bùn chuyển sang máy ép bùn. Phần nước trong sẽ tự động chảy qua bể lọc cát, rồi được thải ra ngoài. Phần nước tại bể bùn và nước tạo ra trong quá trình ép bùn sẽ được quay trở lại bể điều hòa. 

Hệ thống xử lý nước thải yêu cầu diện tích mặt bằng 200m2. Xí nghiệp đã dành riêng một khu đất gần 250 m2 cho mục đích này từ trước. Tổng công suất điện của hệ thống là 15kw, công suất tiêu thụ trung bình là 10 kw/giờ. Sau khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động đã giải quyết triệt để tình trạng nước thải bị ô nhiễm thải thẳng ra môi trường. Điều này giúp Xí nghiệp đảm bảo sự phát triển bề vững và yên tâm sản xuất. 

Giải pháp xây dựng hệ thống sấy mây 

Để khắc phục việc phải thường xuyên dùng than để sấy sản phẩm trong những tháng mùa mưa, tránh gây ẩm mốc làm hỏng sản phẩm, nhiên liệu cũng như gây ô nhiễm môi trường, Xí nghệp đã xây dựng một hệ thống lò đốt cấp khí nóng cho quá trình sấy mây. 

Không khí được cấp vào lò đốt. Lò đốt có thể dùng mây thải để đốt hoặc có thể dùng than, bên trong lò là các ống dẫn không khí đi qua được tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa. Thời gia nhiệt tuỳ thuộc vào số lượng mây cần sấy cũng như hàm lượng ẩm có trong mây cũng như thời tiết. Không khí nóng được các ống dẫn khí cấp vào nhà chứa được làm kín có chứa các giá treo để đựng mây. Không khí ẩm sau đó được hút ra bằng quạt hút và thải ra ngoài. 

Hệ thống sấy đi vào hoạt động giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ra nó còn tận dụng lại một lượng lớn mây thải hiện nay đang bị đốt bỏ để làm nhiên liệu gia nhiệt. Chính vì vậy tính khả thi về môi trường của giải pháp là rất cao và có ý nghĩa lớn. 

Với việc áp dụng 3 giải pháp SXSH trong quá trình sản xuất, hiệu quả sản xuất của Xí nghiệp đã được nâng cao rõ rệt, đồng thời các tác động về môi trường cũng giảm thiểu hẳn, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn. Để duy trì việc thực hiện SXSH liên tục, Xí nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng phân xưởng, giao trách nhiệm rõ ràng cho phụ trách các bộ phận để tổ chức sản xuất tốt nhất; Thực hiện tiêu chuẩn hoá các định mức chi phí sản xuất; Luôn giám sát chặt chẽ các chi phí sản xuất phải nằm trong định mức cho phép; Luôn cập nhật các chi phí phục vụ sản xuất: nguyên liệu, hoá chất, điện, nước. Xác định các chi phí bất thường để tìm ra nguyên nhân gây tổn thất và khắc phục ngay; Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cán bộ quản lý sản xuất. Hàng tuần, hàng tháng có hội ý để xem xét điều chỉnh hợp lý. 

Đối với một doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu như Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ thì việc tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thực hiện các giải pháp SXSH sẽ luôn được quan tâm, để Xí nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng với xu thế hội nhập hiện nay.