Hiện nay, nguồn năng lượng phục vụ cho con người chủ yếu lấy từ các nguồn năng lượng hoá thạch như than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên. Người ta cũng đã tranh luận rất nhiều xung quanh vấn đề nguyên liệu hoá thạch còn tồn tại được bao lâu? Có một điều chắc chắn là nguồn năng lượng hoá thạch cũng chỉ có hạn. Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng quốc tế thì than đá, mặc dù có trữ lượng tương đối phong phú, nhưng cũng chỉ khai thác được trong vòng 230 năm là cạn kiệt, còn dầu mỏ là 43 năm và khí thiên nhiên là 62 năm. Mặt khác, nguyên liệu hoá thạch lại tập trung chủ yếu ở khu vực Trung Đông, nơi không ổn định về chính trị. Trong khi đó, nhiên liệu Uran nếu tái xử lý có thể sử dụng hàng ngàn năm, chưa kể Thori cũng có thể dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân.
Vấn đề sử dụng các dạng năng lượng mới như gió, mặt trời, thuỷ triều, điện nhiệt... cũng đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ tới, các nguồn năng lượng này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Theo dự báo của Tổ chức Năng lượng thế giới, cho đến năm 2020, các nguồn năng lượng mới chỉ có thể đáp ứng được từ 2% - 5% tổng nhu cầu năng lượng của thế giới. Đối với Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp hơn. Ngoài ra, cần phải lưu ý là nguồn năng lượng mới có giá thành khá cao và thiếu tính ổn định, nên không thể coi đây là nguồn năng lượng chính, mà chỉ có thể là nguồn năng lượng đóng vai trò hỗ trợ. Hiện nay, tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới rất khác nhau giữa các nước và khu vực, chủ yếu là do sự khác nhau về nhu cầu và khả năng cung cấp năng lượng. Các thông tin mới nhất trên thế giới đã cho thấy một tương lai tốt đẹp cho ngành Công nghiệp hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, thế giới có 441 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, với tổng công suất 358.661MW, sản xuất ra 2.254,17 TWh (năm 2002) chiếm tỷ trọng 16%. 32 nhà máy đang chuẩn bị đi vào vận hành từ nay đến năm 2010, trong đó có: 7 nhà máy của ấn Độ, 4 của Trung Quốc, 3 của Nga... Ngoài ra còn có 33 dự án nhà máy điện hạt nhân có thể sẽ được khởi công xây dựng trong những năm tới, trong đó có 12 dự án của Nhật Bản, 8 của Hàn Quốc, 1 của Nam Phi...
Các chính sách về năng lượng của Mỹ, Phần Lan, Nam Phi gần đây đã cho thấy khả năng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở những nước này trong một tương lai không xa. Trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ riêng việc gia tăng thời gian vận hành của 104 nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ đã đã tạo ra sản phẩm điện tương đương 23 nhà máy điện hạt nhân mới. Ngoài ra, Mỹ vừa cho phép tăng tuổi thọ từ 40 năm lên 60 năm đối với 15 nhà máy điện hạt nhân sắp phải đóng cửa vì quá thời hạn sử dụng. Tháng 5 năm 2001, Tổng thống mỹ G. Bush đã khẳng định, mục tiêu của Mỹ là mở rộng việc sử dụng năng lượng nguyên tử như một phần của chính sách năng lượng quốc gia. Điều này đã được khẳng định trong chiến lược vision 2020 về năng lượng của DOE. Theo đó, Mỹ sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước (dự kiến sẽ tăng thêm 50.000 MW điện hạt nhân đến năm 2020). Bang Califonia, nơi có truyền thống phản đối hạt nhân, thì hiện nay đang phải chịu sức ép rất lớn về thiếu năng lượng. Hiện Bang đã có một kế hoạch ngắn hạn xây một nhà máy điện hạt nhân mới. Đầu tháng 5 năm 2002, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua đề nghị chọn một vùng đất hoang vu trong dãy núi Yuka, bang Nevada làm nơi chôn giữ chất thải phóng xạ. Các công ty điện lực đang bắt đầu tìm địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Ngày 21-5-2001, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở Kamihoseki thuộc Công ty Điện lực Chugoku. Việc xây dựng nhà máy bắt đầu khởi công vào năm 2007 với 2 tổ máy 1370 Mwe và dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2012 - 2015.
Đối với Pháp, đa số những người được hỏi ý kiến đều cho rằng, điện hạt nhân là quan trọng đối với sự độc lập về năng lượng của Pháp. Việc phát triển các thế hệ nhà máy điện hạt nhân mới ở Pháp sẽ có thể được bắt đầu từ năm 2015.
Cộng đồng Châu Âu đã đồng ý tài trợ cho việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân ở Ucraina. Các nước Thuỵ Điển, Đức, vì lý do chính trị đã đề nghị đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, nhưng trên thực tế, các giấy phép hoạt động của các nhà máy này luôn được kéo dài. Tháng 3 năm 2002, Thuỵ Điển đã có kế hoạch đóng cửa nhà máy điện hạt nhân dự kiến khởi động vào năm 2010, nay được chuyển sang năm 2050. Kế hoạch tương tự cũng được quyết định tại Bỉ. 7 năm trước, Anh quốc đã từ bỏ ý định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, thì nay họ lại quay lại với kế hoạch này do quá thiếu hụt năng lượng. Phần Lan đã đồng thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 5 ở nước này công suất 1.600 MW vào tháng 10/2003. Các quốc gia châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh chương trình phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế- xã hội, vì khu vực này không được thiên nhiên ưu đãi nguồn năng lượng tự nhiên .
Việt Nam phát triển nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện hiện nay là tương đối thuận lợi với xu thế trên thế giới. Vấn đề mà công chúng Việt Nam lo ngại mà cũng là vấn đề được các nước khác quan tâm, đó là đảm bảo an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.
Về nguyên tắc, bất cứ hoạt động nào của con người cũng tiềm ẩn những rủi ro và sự cố. Công nghiệp hạt nhân cũng như bất kỳ một ngành công nghiệp nào khác, không nằm ngoài quy luật chung. Tuy nhiên, do tính nhạy cảm và công khai của ngành công nghiệp hạt nhân, nên một sự cố dù nhỏ thế nào cũng gây sự quan tâm rất lớn của công chúng, trong khi đó, những tai nạn rất lớn của các ngành khác (như vụ vỡ đập thuỷ điện ở Trung Quốc năm 1979, làm chết hàng chục nghìn người) cũng không được công luận biết đến.
Các sự cố hoặc tai nạn hạt nhân xảy ra là do các nguyên nhân sau:
-  Về kỹ thuật: Lỗi thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt.
-  Về luật lệ: Không tuân thủ đúng quy phạm vận hành, bảo dưỡng, thanh tra,
cấp phép.
-  Về con người: Trình độ kỹ thuật, kỷ luật trong xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng còn yếu kém.
Tai nạn Chernobyl là do những sai sót ngay trong bản thiết kế và sự vi phạm quy chế của con người. Thiết kế của lò Chernobyl không có vỏ bọc bằng bêtông cốt thép, nên khi xảy ra sự cố, một lượng lớn chất phóng xạ thoát ra môi trường, gây nhiễm bẩn phóng xạ trên một vùng rộng lớn. Hiện nay, các loại lò thương mại trên thế giới đều có vỏ bọc bêtông cốt thép; nếu xảy ra sự cố, các chất phóng xạ sẽ được giữ lại trong vỏ bọc này. Ngoài ra, các vỏ bọc này còn có khả năng chống được cả các sự cố máy bay đâm vào nhà lò do khủng bố hoặc máy bay rơi mà không làm ảnh hưởng tới tâm lò, nơi có phản ứng hạt nhân. Các chuyên gia về điện hạt nhân đã khẳng định rằng sẽ không xảy ra tai nạn hạt nhân nào kiểu như Chernobyl nữa. Hơn thế nữa, trong thiết kế các lò phản ứng hiện nay, đã chứa đựng các yếu tố đảm bảo an toàn nội tại, cũng như giảm thiểu hậu quả của các sự cố nếu xảy ra. Theo đánh giá của các chuyên gia kỹ thuật, các lò phản ứng thương mại hiện nay đã đạt đến độ an toàn rất cao (xác suất xảy ra sự cố nghiêm trọng là khoảng một phần triệu) và công nghệ lò phản ứng ngày càng được cải tiến, đảm bảo an toàn hơn, thời gian xây dựng được rút ngắn, thải ít hơn và tăng khả năng cạnh tranh kinh tế.
Xét cho cùng thì lỗi của con người vẫn là quan trọng nhất. Tai nạn Chernobyl là do con người không tuân thủ quy phạm khi tiến hành thí nghiệm trên lò phản ứng. Sự cố xảy ra ở cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân Tokai của Nhật Bản cũng do sự vi phạm các quy định và sự yếu kém trong hệ thống thanh tra cấp phép. Việc đảm bảo an toàn hoạt động các cơ sở hạt nhân trong đó có nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có kỷ luật và hệ thống luật lệ đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong 20 năm qua đã khẳng định trình độ của đội ngũ cán bộ Việt Nam trong quản lý, vận hành và bảo dưỡng lò phản ứng hạt nhân, một mô hình thu nhỏ của nhà máy điện hạt nhân. Từ nay đến khi có nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, chúng ta còn khoảng trên 15 năm cho việc đào tạo và học hỏi kinh nghiệm từ những bài học thành công và thất bại trên thế giới. Ngoài ra, vấn đề an toàn hạt nhân là mang tính toàn cầu, không chỉ trong phạm vi của một quốc gia. Bên cạnh ta là Trung Quốc đang phát triển rất mạnh chương trình điện hạt nhân với nhiều nhà máy sẽ được xây dựng rất gần Việt Nam và phạm vi ảnh hưởng đến Việt Nam là không tránh khỏi nếu xảy ra tai nạn (Theo cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Trung Quốc, nước này sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất 6.000 MW tại Quảng Châu).Tuy nhiên, họ cũng phải tuân thủ các quy định chung về an toàn hạt nhân của quốc tế. Theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này, việc chuyển giao công nghệ nhà máy điện hạt nhân sẽ phải được sự phê chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và nhiều tổ chức hữu quan khác, trong đó vấn đề luật an toàn hạt nhân, các quy phạm vận hành nhà máy điện hạt nhân, cũng như tính đảm bảo an toàn của nhà máy phải được xác nhận và phê chuẩn là một trong những điều kiện tiên quyết cho phát triển điện hạt nhân. Trong quá trình nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình, chúng ta đã và sẽ tiếp tục ký kết các hiệp định, công ước quốc tế liên quan đến vấn đề an toàn hạt nhân, kiểm soát nhiên liệu hạt nhân, trách nhiệm dân sự về tai nạn hạt nhân...
Tóm lại, an toàn là tiền đề lớn đầu tiên trong quá trình nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử, mức độ quan trọng của nó dù nhấn mạnh bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng vẫn không thừa. Vấn đề an toàn không chỉ giới hạn từ khâu đầu tiên là tinh chế nhiên liệu Uran, mà còn phải đảm bảo tới khâu cuối cùng xử lý chất thải của toàn bộ chu trình nhiên liệu hạt nhân, cũng như trong các hoạt động ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và bức xạ. Vì vậy, phải phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, luật pháp và nhân lực đảm bảo thực hiện tốt công tác an toàn bức xạ và hạt nhân trong mọi hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử. Hơn nữa, cùng với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật, còn cần phải nuôi dưỡng một nền văn hoá an toàn.
Bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật là điều kiện cần, nhưng vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Việc nhân dân cảm thấy yên tâm đối với năng lượng nguyên tử dựa trên cơ sở tích luỹ tạo dựng các yếu tố an toàn là vô cùng quan trọng. Cảm giác an tâm mang tính chủ quan nên rất khó đánh giá. Vấn đề là làm thế nào để nhân dân thấy yên tâm, xét cho cùng, việc công khai rộng rãi thông tin cho nhân dân để mọi người hiểu được một cách đúng đắn là rất quan trọng. Đó chính là phương châm hành động của ngành Hạt nhân.