Trước bức xúc của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhận một phần trách nhiệm và ông cho rằng, việc điều hành xuất khẩu gạo là vấn đề phức tạp, phạm vi rộng, có thể có nhiều quan điểm khác nhau nên phần trả lời bằng văn bản có thể chưa thỏa đáng với bà con nông dân, cho dù Bộ đã cố gắng giải thích kỹ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, thừa nhận trách nhiệm cá nhân khi dự báo sai sản lượng lúa gạo và sẵn sàng "nhận kỷ luật của Quốc hội"

 

Nếu chúng ta có điều kiện tổng kết thì không biết bao nhiêu quy hoạch, dự báo về tất cả các lĩnh vực đều mắc sai sót, không chính xác và gây hậu quả không nhỏ. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, cây công nghiệp…thì các cơ quan quản lý nhà nước “đẻ” nhiều chính sách, chủ trương phong trào không chính xác, không hợp lý không sát thực tế dẫn đến việc không những phá sản mà còn để lại hậu quả lâu dài. Cụ thể như, phong trào nuôi ốc bươu vàng; cá trê phi; nuôi chuột nước (hải ly); cánh đồng “50 triệu”; trồng mơ để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao; cà phê chè phía bắc, hồ tiêu, cao su, dừa, điều lúc trồng ồ ạt, lúc lại chặt phá…Việc dự báo nhu cầu thép và tìm nơi sản xuất cũng vướng mắc, kéo dài thời gian cân nhắc!

 

Khâu dự báo của chúng ta yếu, nên chính người đứng đầu Chính phủ thừa nhận "Trong lãnh đạo điều hành, công tác dự báo kém sẽ gây lúng túng. Chính phủ nhận thức được điều này và qua khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, Chính phủ yêu cầu các bộ tăng cường công tác dự báo".Trong mọi thời đại, mọi thể chế, mọi nền kinh tế, mọi lĩnh vực và từng các nhân, tổ chức nói riêng thì dự báo chiến lược là quan trọng nhất. Nếu dự báo sai thì coi như thất bại, người thắng là người biết dự báo đúng.

 

Nhiều người cho rằng, những ý tưởng được hình thành từ các “nhạc công” đó là các chuyên gia, chuyên viên cao cấp và người chọn lựa và quyết định đó là những “nhạc trưởng”. Về lý thuyết, muốn có quyết định đúng thì phải có “nhạc công” giỏi và “nhạc trưởng” cũng phải giỏi để biết “nghe” “nhạc công” nào chơi hay trong dàn nhạc... Cụ thể, Thủ tướng đã lý giải: “Lúc họp bàn về vấn đề này tôi rất trầm ngâm, không chuyên gia nào dám nói với tôi là vụ đông xuân sẽ được mùa hay mất mùa, rất khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo”. Đúng là việc dự báo rất khó khăn, chúng ta đâu có thiếu các cơ quan tham mưu chỉ có điều không hiểu những chuyên gia, chuyên viên cao cấp về từng vấn đề cụ thể khi cần họ “ở đâu, làm gì ?”.

 

Số liệu về lượng lúa gạo tồn kho trong dân, doanh nghiệp, dự trữ quốc gia tại thời điểm cần quyết định, cùng với số liệu về diện tích trồng lúa tăng thêm, giống lúa và  thời điểm thu hoạch và sản lượng cũng không tỏ nên việc dự báo có thể không chắc chắn đành theo kiểu “bốc thuốc, nửa được nửa thua”, diễn biến giá gạo thế giới rất nhanh, tháng 5/2008 dấu hiệu sụt giá đã rõ. Tuy nhiên nếu ai đó tính mức thiệt hại về giá là 1,5 triệu tấn x (600 USD/tấn giảm giá) = 900 triệu USD, cũng chỉ là tính toán. Do vậy, dự báo cần thông tin tin cậy, cần kịch bản “được mất” rõ ràng: ai nhập, ai xuất, giá và phương thức thanh toán; ai được phần giá tăng khi xuất khẩu; giá gạo trong nước tăng ai phải gánh chịu hậu quả; cách xử lý tình huống,...?

 

Các ĐBQH bức xúc là đúng, Chính phủ trả lời cũng không sai, vấn đề an ninh lương thực vẫn luôn đặt lên hàng đầu. Cơ chế thị trường cần sự năng động của hệ thống (gồm người sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan nhà nước, tư vấn độc lập) thông tin kịp thời, dự báo chính xác, kiến nghị kiên quyết và điều hành nhạy bén.

  

 Tài liệu đã đăng: Văn bản điều hành xuất khẩu gạo năm 2008