Theo số liệu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2003, sản lượng than xuất khẩu đạt 6,524 triệu tấn giá trị xuất khẩu đạt 163,726 triệu USD; Tương tự, năm 2004 là 10,644 triệu tấn và 322 triệu USD; đặc biệt, năm 2005 tăng lên 14,74 triệu tấn và giá trị xuất khẩu đạt 595 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2006, than xuất khẩu đạt 2,967 triệu tấn, bằng 20% kế hoạch năm, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2005. Dự kiến cả năm 2006, TKV xuất khẩu khoảng 14,5 triệu tấn. Những kết quả về xuất khẩu trên đây rất đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế đang trở thành vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Than, cũng như dầu mỏ, là những nguồn năng lượng sơ cấp không thể tái tạo được, đang có nguy cơ cạn kiệt, trong khi việc tìm ra nguồn năng lượng mới và tái tạo để thay thế còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, một số văn bản chính sách và tài liệu nghiên cứu của các cơ quan quản lý nhà nước đã bắt đầu đề cập nhiều đến việc hạn chế xuất khẩu than. Đó là:

- Thông báo số 67/TB–VPCP ngày 05/4/2004 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: “Không khuyến khích xuất khẩu than”.

- Báo cáo phương án sử dụng đất, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản và bảo vệ môi trường vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Hội nghị của Ban chỉ đạo tổ chức điều phối, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ ngày 16/5/ 2005 cũng chỉ rõ: “xuất khẩu than hạn chế ở mức có ngoại tệ để đổi mới công nghệ thiết bị khai thác than”.

- Tờ trình số 3375/TTr-NLDK ngày 27/6/2005 của Bộ Công nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách Năng lượng quốc gia” đã dự báo: khoảng năm 2016– 2020, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng, trong đó có việc nhập khẩu than và kiến nghị “không khuyến khích xuất khẩu than, trước mắt để tạo tiềm lực tài chính cho đầu tư phát triển ngành Than, lượng than xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn/năm và sẽ giảm dần khi nhu cầu trong nước tăng lên”.

Việc “xuất khẩu than hạn chế” hay “không khuyến khích xuất khẩu than” đã trở nên rõ ràng. Vấn đề phải giải quyết ở đây là hạn chế, không khuyến khích bằng cách nào?

Cũng như những nền kinh tế thị trường khác, ở từng giai đoạn phát triển kinh tế, việc Nhà nước ta hạn chế hay khuyến khích sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu hoặc nhập khẩu sản phẩm hàng hoá nào đó để đảm bảo lợi ích quốc gia là điều bình thường và cần thiết. Nhưng hạn chế hay khuyến khích bằng cách nào, với mức độ thế nào,... là điều quan trọng, bởi vì xu hướng phổ biến hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp vào các hoạt động SX-KD bằng biện pháp hành chính mà Nhà nước phải dựa vào các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô của mình, ở đây cụ thể là dùng công cụ thuế để điều chỉnh. Điều này xuất phát từ:

Thứ nhất, Nhà nước ta đang được xây dựng theo định hướng Nhà nước pháp quyền XHCN, do đó mọi chính sách, nhất là những chính sách kinh tế của Nhà nước đều phải tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, nước ta chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và dự kiến việc hình thành thị trường than trong nước sẽ diễn ra trong năm 2006, việc xuất khẩu than chịu ảnh hưởng của thị trường cung cầu than trong nước cũng như trên thế giới, do đó, việc Nhà nước sử dụng công cụ thuế để hạn chế xuất khẩu than là cần thiết.

Hạn chế xuất khẩu than với thuế suất xuất khẩu hợp lý để ngành Than phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước và đảm bảo Chính sách Năng lượng quốc gia .

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng IX và X, TKV đã tập trung đầu tư sâu vào công nghệ khai thác, bốc xúc, vận chuyển và sàng tuyển than nên năng lực sản xuất than hiện nay có nhiều tiến bộ: sản lượng không ngừng tăng lên, chất lượng được nâng cao và đa dạng hoá chủng loại than tiêu thụ. Vì vậy, một số chủng loại than được sản xuất ra với số lượng khá lớn, với chất lượng và giá trị xuất khẩu cao, thị trường ngoài nước có nhu cầu tiêu thụ, nhưng thị trường trong nước lại không sử dụng hoặc sử dụng ít, như: than cám số 6, số 7; than cục 2C, cục 3, cục xô;...

Hơn nữa, trong nhiều năm qua, than sản xuất ra bán cho nhu cầu trong nước với giá thấp hơn giá thành. Từ năm 2004, giá dầu trên thế giới bắt đầu tăng cao đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ than ra ngoài nước, đẩy giá than xuất khẩu lên và đây là cơ hội mới mà TKV có được để đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ và nâng giá bán than xuất khẩu.

Mặt khác, trong khi hàng năm, TKV vẫn phải sản xuất, đảm bảo cho nhu cầu than trong nước (năm 2006, là 15 triệu tấn than) với giá than bán thấp hơn giá thành, thì xuất khẩu than với giá như hiện nay là cứu cánh, bù lỗ cho giá bán trong nước và là giải pháp chủ yếu để hoạt động sản xuất của TKV có hiệu quả đồng thời có tích luỹ để tái đầu tư, mở rộng sản xuất cho những năm tiếp theo. Đây cũng là một trong những lý do mà hiện nay, thuế suất xuất khẩu than đang được Nhà nước áp dụng ở mức 0%.

Với tốc độ tăng sản lượng than xuất khẩu như đã nêu ở trên, hạn chế xuất khẩu than bằng việc nâng mức thuế suất xuất khẩu than là việc làm cần thiết, nhưng nên có mức thuế suất hợp lý. Và như vậy, thuế suất xuất khẩu than cần được phân làm hai loại: mức cao áp dụng cho chủng loại than khai thác được sử dụng nhiều cho nhu cầu trong nước; mức thấp áp dụng cho chủng loại than sản xuất ra ít được sử dụng hoặc trong nước không có nhu cầu sử dụng. Dự kiến, thuế suất xuất khẩu than sẽ dao động trong khoảng từ 5 - 10%.

Việc nâng thuế suất xuất khẩu than sẽ có tác động rất lớn đối với các nhà quản lý cũng như các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.

- Đối với Nhà nước:

   + Sẽ hạn chế được việc xuất khẩu than, kéo dài thời gian chưa cần phải nhập khẩu than cho nhu cầu năng lượng trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, Nhà nước cần sớm hình thành thị trường than trong nước bằng các quy định pháp luật, đảm bảo cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam bán than cho các hộ tiêu dùng than trong nước theo giá thị trường.

  + Có được nguồn thu không nhỏ, bổ sung vào Ngân sách nhà nước, đáp ứng những nhu cầu bức thiết khác của nền kinh tế. Khi cần thiết, có thể dùng nguồn thu này đầu tư lại để phát triển ngành Than.

- Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam:

   + Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí để hạ giá thành than xuất khẩu hoặc giảm lượng than xuất khẩu.

Đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa sản phẩm trên nên sản xuất than để khi không còn than xuất khẩu, Tập đoàn vẫn đảm bảo phát triển bền vững.