Hơn 10 năm làm việc tại Công ty May Việt Tiến, ông đã chứng minh được khả năng tháo vát cũng như năng lực quản lý của mình để trở thành vị Tổng Giám đốc có tên tuổi trong ngành Dệt May Việt Nam. Khó mà hình dung nổi Việt Tiến trước đây chỉ chuyên may gia công cho các bạn hàng nước ngoài, nay đã tự thiết kế mẫu mã. Từ hai loại sản phẩm năm 1975 là áo sơ mi và quần âu, sản phẩm của Việt Tiến đã ngày càng phát triển đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường. Điều đó thể hiện ở những con số tăng trưởng thật ấn tượng của Công ty. Năm 2003 doanh thu đạt trên 1.260 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2002, trong đó, doanh thu sản xuất công nghiệp đạt gần 700 tỷ đồng và là doanh nghiệp có giá trị hàng xuất khẩu lớn nhất ngành Dệt May Việt Nam, đạt 120 triệu USD.
Cũng trong năm 2003, ông đã vực dậy Công ty Cơ khí Dệt may Thủ Đức, đơn vị thuộc Tổng công ty Dệt May Việt Nam, do nhiều năm sản xuất kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ bị phá sản, được giao cho Công ty May Việt Tiến quản lý. Dưới sự điều hành của ông, chỉ sau một thời gian ngắn, Công ty đã đi vào sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Với cương vị Tổng Giám đốc, ông luôn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Đã bao đêm ông trăn trở với bài toán tìm lối ra cho phát triển thương hiệu. Ông tâm sự: “Điều khó nhất là phải làm sao cho người tiêu dùng có cách nhìn mới về ăn mặc, tin tưởng và quen khi sử dụng hàng may trong nước”. Ông đã đi học hỏi kinh nghiệm, công nghệ may ở các nước tiên tiến, tìm hiểu kỹ thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước... Khởi đầu bằng việc mua thương hiệu Pierre Cardin, chi phí phải trả cho thương hiệu này trong năm đầu tiên lên tới 45.000 USD. Khi đó, một chiếc áo bán được 40 USD thì tiền mua thương hiệu là 10 USD, nên đã không đem lại hiệu quả cho Công ty. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trải qua cả thành công và thất bại, nhãn hiệu Việt Tiến dần dần chinh phục người tiêu dùng và khẳng định tên tuổi của mình bên cạnh những sản phẩm may mặc trong nước cũng như nước ngoài. Hiện nay, Việt Tiến là đơn vị đi đầu trong việc sử dụng nhãn hiệu mang tên công ty để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường nội địa. Phương châm sử dụng nhãn hiệu Việt Tiến trên thị trường nội địa nhằm khuyến khích “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã được Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Trường quan tâm đặc biệt và thực tế đã khẳng định điều đó. Việt Tiến hiện có 200 cửa hàng đại lý ở khắp các tỉnh thành trong toàn quốc, là nhà sản xuất may mặc có doanh số bán hàng tại thị trường nội địa lớn nhất của ngành May Việt Nam. Năm 2003, Công ty có doanh thu tại thị trường nội địa là 100 tỷ đồng.
Để đáp ứng đủ điều kiện vào thị trường Mỹ sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết, năm 2002, Ban lãnh đạo Công ty quyết định dành hơn 2,7 triệu USD để đầu tư máy móc, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại phục vụ cho sản xuất, như công nghệ sản xuất áo veston (Mỹ), hệ thống vi tính ráp áo sơ mi tự động, thiết kế mẫu (Pháp). Riêng việc để được chứng nhận đủ tiêu chuẩn SA 8000, Việt Tiến đã đầu tư 20 tỷ đồng, đăng ký thương hiệu tại Mỹ hết 12.000 USD và tiếp tục đăng ký thương hiệu ở 6 nước ASEAN. Ông cho rằng, sự đầu tư này là lâu dài, Việt Tiến phải có những bước đi thích hợp với cam kết gia nhập WTO của Chính phủ Việt Nam và tự vận động để rút ngắn khoảng cách với các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. Từ những hoạch định đúng trong sản xuất, kinh doanh nên Công ty đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường của 51 quốc gia trên thế giới. Năm 2003, Công ty đã xuất khẩu tới 30% sản lượng sang thị trường Mỹ. Mặc dù tỷ lệ này chưa cao, nhưng thương hiệu và uy tín của Công ty đã được khẳng định trên thị trường này. Thành công đó của Việt Tiến đã cho thấy sự năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm của Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Trường trong kinh doanh.
Hiện nay, Công ty có 21 xí nghiệp may thành viên trực thuộc và 12 xí nghiệp liên doanh trong và ngoài nước với tổng số lao động hơn 16.000 người, hơn 5.500 máy, thiết bị các loại thuộc thế hệ mới hiện đại, có năng lực sản xuất 45 triệu sản phẩm/năm. Chỉ vào bản đồ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trường đã giới thiệu cho chúng tôi các công ty con đang góp phần tạo nên thương hiệu may Việt Tiến. Nhờ mạnh dạn liên doanh với các địa phương, khai thác có hiệu quả các nhà xưởng hiện có và nguồn lao động tại chỗ, Công ty góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Trong kinh doanh, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Trường rất coi trọng việc hợp tác với những công ty khác, để học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý cũng như kỹ thuật mới nơi đối tác. Ông cho rằng, muốn phát triển kinh doanh ở trong nước thì phải phát huy hết tiềm năng trong nước, không phải cái gì cũng nhập khẩu, thế mới là kế sách lâu dài. Chính vì vậy, trong những năm qua, Việt Tiến còn là đơn vị đi đầu trong hợp tác liên doanh nhằm đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng lĩnh vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành may, Việt Tiến đã liên doanh với 4 công ty nước ngoài để sản xuất nút áo, xơ gòn, mex dựng các loại. Việt Tiến còn là đơn vị đứng đầu cung cấp máy móc, thiết bị cho ngành May cả nước. Các đối tác nước ngoài khi liên doanh với Việt Tiến đều có đánh giá rất cao về sự điều hành và phương thức làm việc hiệu quả của Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Trường.
Hơn 10 năm gắn bó với Việt Tiến, trong thành công của Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Trường có sự hậu thuẫn rất lớn của CBCNV Công ty, họ đã gắn kết với nhau trong một tập thể thống nhất để đưa Việt Tiến trở nên lớn mạnh và có uy tín như ngày hôm nay. Với Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Trường, sau những cống hiến to lớn trong nhiều năm qua cho sự phát triển của Công ty May Việt Tiến, ông đã được Bộ Công nghiệp tặng Bằng khen Giám đốc giỏi của ngành Công nghiệp vào trung tuần tháng 5 vừa qua.
Ý chí làm nên thành công của Tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến
Trước khi đến với nghề may, tôi là một người lính”, ông Nguyễn Đình Trường - Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến đã bắt đầu câu chuyện về sự nghiệp của mình bằng câu nói thật và khiêm tốn như vậy. Năm