Đưa sầu riêng Đắk Lắk ra
08/09/2023 lúc 17:00 (GMT)

Đưa sầu riêng Đắk Lắk ra "biển lớn"

Những năm gần đây, cây sầu riêng được mệnh danh là loại trái cây "nữ hoàng" của các loại trái cây, không chỉ chinh phục thị hiếu của khách hàng trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. 

Những ngày đầu tháng 9, tại khắp các huyện của tỉnh Đắk Lắk luôn trong tình trạng nhộn nhịp cảnh thu hái, mua bán, chế biến sầu riêng. Địa phương này hiện có hơn 15.000ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước.

Nông dân phấn khởi vì giá sầu riêng cao kỷ lục

 

Được biết, giá loại quả này đầu vụ thu hoạch tại Đắk Lắk đang cao gấp rưỡi so với năm ngoái. Với năng suất tốt, giá bán cao, vụ sầu riêng năm nay hứa hẹn cho nông dân Đắk Lắk một mùa bội thu với mức giá kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay.

Ghi nhận tại huyện Krông Búk, giá sầu riêng đang được thương lái, doanh nghiệp đặt cọc, thu mua tại vườn dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái mua từ 95.000-100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá đầu vụ năm 2022.

Sầu riêng
Sầu riêng
Sầu riêng
Sầu riêng
Sầu riêng

Với mức giá như hiện nay, người trồng sầu riêng rất phấn khởi vì trừ đi chi phí sản xuất, cây nông sản này mang lại lợi nhuận khoảng 35.000 đến 45.000 đồng/kg, số tiền lãi thu được từ một kg sầu riêng là khá cao.

Sở hữu hơn 1ha sầu riêng, gia đình chị Trần Thị Lan (huyện Krông Búk) có hơn 100 cây sầu riền đang cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 140 kg/cây, năm nay thương lái vào tận vườn thu mua với giá 75.000 đến 85.000 đồng/kg.

“Những ngày qua, thương lái đến liên hệ để "bao tiêu" vườn sầu riêng của gia đình, dân buôn đua nhau tăng giá. Năm nay, ước tính gia đình thu về được hơn 1,1 tỷ từ 14 tấn sầu riêng, gia đình rất mừng”, chị Lan cho biết.

Bắt nhịp với xu thế chung của thị trường hiện nay, nông dân huyện Krông Búk cũng không ngừng đổi mới, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chú trọng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao, cải thiện thu nhập và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo ông Phan Tự Bình, Tổ dân phố 13 (thị trấn Pơng Drang) “So với năm ngoái, năm nay giá mặt hàng sầu riêng đã tăng gấp đôi, không những vậy vụ mùa năm nay sản lượng cũng tăng khoảng từ 100 đến 130kg/cây, năm nay giá sầu riêng đầu vụ cao, nông dân lãi lớn nên rất phấn khởi, không chỉ được mùa mà còn được cả giá nên người trồng sầu riêng có thêm động lực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất.

Sầu riêng
Sầu riêng

Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, người dân đã trồng thành công nhiều giống sầu riêng có chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay địa phương có gần 2.000 ha sầu riêng. Kể từ khi lô sầu riêng được xuất chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9/2022, đến nay, diện tích sầu riêng trồng mới của huyện Krông Búk đã tăng gần 300 ha. Tổng sản lượng năm nay ước tính đạt khoảng 5.980 tấn, đây là con số được ngành nông nghiệp chú ý.

sầu riêng
Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk

Cũng theo ông Cường, huyện Krông Búk xác định nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế cho huyện; đã cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao.

"Với mục tiêu phát triển hơn nữa cả về chất lượng và sản lượng sầu riêng, thời gian tới, huyện Krông Búk sẽ tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật; thực hiện sản xuất theo các chứng nhận của một số thị trường tiềm năng, đăng ký các mã vùng trồng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp có kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu cây ăn quả đầu tư tại địa bàn huyện. Trên thực tế, lợi nhuận từ cây sầu riêng ở Đắk Lắk đã tạo ra sức hút lớn. Việc đầu tư mở rộng diện tích loại cây này để gia tăng thu nhập là nhu cầu chính đáng của nông dân. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, người dân nên tuân thủ định hướng từ cơ quan chức năng, các chuyên gia nông nghiệp cũng như quy luật thị trường. Có như vậy, niềm vui từ những vụ sầu riêng sẽ được duy trì bền vững" ông Cường chia sẻ.

 

Có thể nói, cây sầu riêng đã giúp bà con nông dân thoát nghèo hiệu quả và bền vững, bởi đầu tư vào sầu riêng không lớn như các loại trái cây khác. 1ha sầu riêng chỉ đầu tư khoảng 150 triệu đồng, thu nhập lên tới 700 - 800 triệu đồng. Với con đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang rộng mở như hiện nay, ngành hàng sầu riêng chắc chắn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng phát triển, đời sống nhà vườn ngày càng nâng cao.

 

Tậu nhà mới nhờ trồng sầu riêng

Nói về gương điển hình với xuất phát điểm hơn 130 cây sầu riêng trồng xen canh trong rẫy cà phê, tiêu với diện tích 1,5ha, gia đình chị Lan (xã Chư Kpô) đã có nguồn thu nhập ổn định, vườn sầu riêng đã được chị trồng khoảng 8 năm nay, cây được chăm sóc kỹ lưỡng nên cho quả đều, đẹp, năm ngoái thương lái mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm.

"So với các loại nông sản khác, tôi thấy sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, việc thu hoạch dễ dàng, nhanh chóng không tốn nhiều công lao động, với nguồn thu nhập tốt dự định sắp tới sẽ xây dựng lại nhà cửa và cho con cái ít vốn làm ăn", chị Lan nói.

Vườn sầu riêng của gia đình chị Lan là gương điển hình tiêu biểu cho người nông dân đi lên từ hai bàn tay trắng đến nay đã có cơ ngơi nhà cao cửa rộng.

sầu riêng
sầu riêng

Nói về cơ hội đổi đời chị Lan cho biết, đi lên từ hai bàn tay trắng năm 2017, dốc hết vốn liếng, tài sản của gia đình mạnh dạn đầu tư trồng 1,5ha sầu riêng đến nay, nhờ giá thu mua cao, ổn định kinh tế gia đình đã không còn phải lo đến việc ăn bửa nay lo bửa mai hay là lo về các khoản học phí của con cái như trước kia.

Bên cạnh đó, chị Lan còn mạnh dạn mở rộng diện tích, trồng xen canh cây sầu riêng với cây cà phê và cây tiêu mỗi năm giúp gia đình chị thu về khoảng 1,3 tỷ đồng.

Ngoài thời gian tập trung canh tác, chị còn đi thăm quan, học hỏi và chắt lọc từ các mô hình kinh tế ở một số nơi, nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, phù hợp trồng cây ăn trái, nhiều gia đình mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây sầu riêng chuyên canh với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh

tế cao hơn.

Nhờ đầu tư chăm bón vườn cây đúng kỹ thuật, áp dụng kỷ thuật nên vườn sầu riêng khỏe mạnh phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao, mang về tiền tỷ mỗi vụ mùa.

Đưa sầu riêng Đắk Lắk ra "biển lớn"

Đắk Lắk hiện đã vươn lên là tỉnh đứng thứ 2 về diện tích sầu riêng trong cả nước. Đây là lợi thế của Đắk Lắk khi thị trường Trung Quốc bắt đầu mở cửa chính ngạch cho loại trái cây này.

Là người đặt nhiều tâm huyết và kỳ vọng rất nhiều vào cây sầu riêng, mong muốn được đổi đời như anh Bình, chị Lan, chị Huệ cũng như nhiều hộ trồng loại cây đặc sản này đều vui mừng khi nhận được thông tin Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam.

Việc sầu riêng được xuất khẩu là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính” mà đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Sầu riêng

Khi những container sầu riêng đầu tiên từ Đắk Lắk lên đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, người dân và doanh nghiệp đã đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới này. Đây là niềm tự hào không chỉ của người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk mà còn là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Bởi việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới hiện nay, là cơ hội để người nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường lớn, thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Sầu riêng

Bắt đầu từ mùa vụ 2022, Đắk Lắk sẽ là một trong những địa phương trực tiếp xuất khẩu nông sản sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, trực tiếp phân phối sầu riêng đến các địa phương có nhu cầu tiêu thụ cao của nước bạn. Trong lộ trình tiếp theo, Đắk Lắk tiếp tục vận động để nhân rộng vùng canh tác kỹ thuật, đảm bảo những tiêu chí xuất khẩu và cải thiện không ngừng chất lượng quả sầu riêng bản địa, với mục tiêu phát triển hiệu quả diện tích 15 nghìn hecta sầu riêng với sản lượng phấn đấu đạt 300 ngàn tấn đến năm 2025. 

Theo thống kê, hiện nay các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại buổi Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: “Cơ hội chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt quy trình, chuẩn bị từ đối tác. Phải tổ chức lại sản suất, chuẩn hóa quy trình sản xuất, bảo đảm quản lý chất lượng từ gốc để tạo dựng và giữ gìn một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm với người tiêu dùng”.

          

Trả lời báo chí mới đây, ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho rằng, các Hiệp định thương mại như Hiệp định thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (RTA); Hiệp định thương mại khu vực ASEAN… có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng tiếp cận thị trường lớn.

          

 

Việc tăng cường ngoại giao tìm đường cho nông sản xuất ngoại, trong đó có mặt hàng sầu riêng Đắk Lắk đã cấp mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được các cấp chính quyền địa phương chú trọng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, Đắk Lắk đã phối hợp với Tham tán thương mại ở các nước, cung cấp thông tin thị trường nông sản trên thế giới cho các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt thông tin, tìm hiểu thị trường, tập trung thông tin một số thị trường truyền thống của hàng hóa nông sản chủ lực địa phương.

Đồng thời, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh biên giới cập nhập thông tin tình hình biên giới, cung cấp cho các địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh chủ động nguồn hàng. Tăng cường công tác xúc tiến thương mai, kết nối giao thương mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, ông Lưu Văn Khôi cho rằng, đối với bài toán xây dựng thương hiệu trái cây cho Đắk Lắk, đây là thế mạnh mà ngành Công Thương tỉnh xác định phải đầu tư nguồn lực để tiếp cận được thị trường thế giới. Cụ thể, tỉnh phải định danh được nông sản nào là đặc sản; tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý, tổ chức sản xuất đảm bảo dây chuyền hiện đại, bảo quản sau thu hoạch; xây dựng chuẩn sản phẩm đạt chứng nhận an toàn có thể tham gia sàn giao dịch; truyền thông xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; lựa chọn tổ chức chuyên nghiệp để phát triển thị trường. Lời giải ''bài toán'' đầu ra cho nông sản Đắk Lắk nói chung và tạo dựng thương hiệu cho trái cây Đắk Lắk “lên ngôi” sẽ cần thêm sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và một số đơn vị liên quan khác. Tuy vậy, Sở Công Thương vẫn đóng vai trò then chốt để giải quyết vấn đề này.

Bài: Minh Vượng - Đông Sơn
Ảnh: CTV
Ảnh bìa: Thanh Hải


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí