[E-magazine] Hà Nội quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng - “Giấc mơ Seoul” của Việt Nam
12/07/2023 lúc 15:00 (GMT)

[E-magazine] Hà Nội quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng - “Giấc mơ Seoul” của Việt Nam

 

Sông Hồng bị ... "quay lưng"

Trước và trong thời kỳ phong kiến, sông Hồng giữ vai trò là tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Hà Nội. Lúc này, hai bên sông chưa có nhiều dân cư sinh sống. Theo thời gian, nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng, các làng xóm và khu dân cư hai bên sông Hồng dần hình thành.

Để bảo vệ các khu dân cư đô thị khỏi lũ, lụt, hệ thống đê điều hai bên tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng được xây dựng và thường xuyên gia cố. Tuy nhiên, điều này đã vô tình tạo nên sự ngăn cách giữa sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại.

Bên cạnh đó, khu vực hai bên sông Hồng tập trung nhiều công trình xây dựng tự phát, trái phép, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, tạo thành một khu vực lộn xộn không theo quy hoạch.“Sông Hồng trở thành mặt sau của các khu dân cư, nơi tập kết rác thải, nơi xả nước thải... và cả thành phố đã "quay lưng" lại với sông Hồng”, KTS Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết.

 

Đánh thức sông Hồng, bài học từ thực tiễn

Nhận thức giá trị quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của sông Hồng, đã có nhiều đồ án, dự án, đề tài nghiên cứu được triển khai nhằm mục đích cải tạo dân cư khu vực, kết nối giao thông hai bờ sông, trị thủy sông Hồng.

Mới đây nhất, Thủ tướng chính phủ đã Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, Hà Nội sẽ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Đồng thời, xây dựng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm Hòa Lạc, Xuân Mai.

Thực tế trên thế giới, nhiều thành phố có dòng sông lớn chảy qua đều lấy đây là trục chính, phát triển đô thị đồng đều hai bên sông như London với sông Thames, New York với sông Hudson và tiêu biểu là Seoul với “viên ngọc sinh thái” sông Hàn. Từ một thành phố kiệt quệ sau chiến tranh, Seoul giờ đây trở thành một đô thị phát triển, mang tầm vóc quốc tế nhờ chính sách quy hoạch.

Quy hoạch Hà Nội

Dòng sông Hàn chia đôi Thủ đô Seoul được đánh giá có tầm thế sáng đẹp. Tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng, quy hoạch thành phố bỏ quên sông Hàn đã biến dòng sông giữa lòng thành phố trở thành nơi xả thải. Cả lòng sông và hai bên bờ sông Hàn trở thành điển hình cho tình trạng ô nhiễm.

Chỉ đến khi Hàn Quốc nhận ra giá trị đích thực của sông Hàn, dòng sông mới trở lại vị thế vốn có của nó nhờ nguồn tài trợ chính phủ để làm sạch môi trường trong suốt thời gian dài sau đó. Chính quyền Seoul cũng điều chỉnh quy hoạch để hướng sự phát triển kinh tế - xã hội ven sông Hàn, trong đó có tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan như xây dựng các cầu vượt khác nhau, kết hợp sử dụng đất theo hướng xanh.

Quy hoạch Hà Nội

Đáng chú ý, trước khi sông Hàn được làm sạch, trung tâm cũ của Seoul hầu như chỉ tập trung ở phía Bắc sông Hàn được gọi là Gangbuk. Sau này, Hàn Quốc đã tập trung xây dựng khu vực phía Nam sông Hàn, chính là khu vực Gangnam nổi tiếng.

Đến nay, Gangbuk và Gangnam đã phát triển đồng đều, tạo nên bức tranh kinh cân bằng về kinh tế - văn hoá - xã hội của Thủ đô Seoul.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, Hà Nội cũng sẽ trải qua những thay đổi về cấu trúc và phân chia chức năng đô thị tương tự như Seoul. Nhiều chuyên gia cho rằng, để trở thành một đô thị xứng tầm, Hà Nội cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào khu vực trung tâm thành phố hiện tại.

Hà Nội quy hoạch thành phố hai bên sông

Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội gửi HĐND thành phố về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô.

Quy hoạch Hà Nội

Với thành phố phía Bắc, Hà Nội định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh, một số khu vực được phép phát triển cao tầng, hiện đại, xanh, kết hợp bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp…

Vị trí đề xuất trung tâm thành phố dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, rất gần trung tâm lớn như Smart City, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa… với định hướng chính là xây dựng thành phố mới, đô thị hiện đại, đô thị thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội Bài, giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam của Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.

Thành phố dự kiến khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cùng các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Quy hoạch Hà Nội
Thành phố phía Tây sông Hồng gồm hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi.

Thành phố định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo giáo dục chất lượng cao; nơi tập trung những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, với chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao, cùng doanh nghiệp đến làm việc, sinh sống.

Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ hỗ trợ giáo dục như: trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, là cộng đồng, trung tâm dịch vụ… dự kiến phát triển cả trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hoá phẩm phục vụ Hà Nội, khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Cùng với đó sẽ hình thành đô thị thông minh, thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ, công nghệ tiên tiến, tiếp thu trình độ khoa học và công nghệ quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội xây dựng dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống Ba Vì - Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia.

Xây dựng đô thị theo mô hình đô thị hiện đại, chất lượng cao, phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và các khu vực đầu mối giao thông. Xây dựng đô thị sinh thái, khu ở mới đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, phát triển gắn với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực; phát triển trung tâm thương mại, chợ đầu mối nối kết Hà Nội và các tỉnh phía Tây Bắc đất nước.

Giải quyết bài toán hạ tầng

Để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị xứng tầm, Thành phố được giao đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục tồn tại về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông.

Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia bao gồm đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt gắn với lộ trình triển khai theo từng giai đoạn. Thành phố nghiên cứu rà soát bổ sung các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông chính khác.

Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ cho thành phố phải quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm và triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn.

Ngày 13/6, tại cuộc họp Thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Quy hoạch cần đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đối với việc xây dựng, chỉnh trang, cải tạo ở các khu đô thị hiện hữu, phát triển khu đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch - kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hà Nội; xác lập vành đai khu vực nông thôn, thành thị đúng bản sắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.”

Quy hoạch Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; là động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

          

Ngọc Châm

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí