FTA Index - “Phong vũ biểu” đánh giá thực thi các FTA sẽ hoạt động như thế nào?
07/11/2023 lúc 17:00 (GMT)

FTA Index - “Phong vũ biểu” đánh giá thực thi các FTA sẽ hoạt động như thế nào?

 

Theo Kế hoạch, Lễ công bố kết quả khảo sát FTA Index lần đầu tiên sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vào cuối năm 2023 nhằm cung cấp những kết quả thực thi các FTA và việc hỗ trợ tận dụng cơ hội từ các FTA tại các địa phương, những vướng mắc, khó khăn gặp phải.

Kết quả khảo sát sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực thi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA của các địa phương trên cả nước, từ đó góp phần hỗ trợ khai thác hiệu quả hơn các FTA trong thời gian tới.

Việc tham gia các FTA mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực trong thời gian qua như: thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư từ các đối tác có FTA với Việt Nam, tạo động lực đổi mới. nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam... Tuy nhiên, việc tham gia các FTA thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn.

Từ thực tiễn thực thi các FTA, với mục tiêu đánh giá chính xác, khách quan và liên tục các kết quả thực hiện FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi để từ đó làm cơ sở tin cậy cho việc điều chỉnh và xây dựng các chính sách hỗ trợ hợp lý, giúp cho người dân nâng cao nhận thức và các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ, để từ đó tận dụng tốt thời cơ và các cơ hội mà các Hiệp định FTA thế hệ mới mang lại, việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các FTA của các địa phương (FTA Index) là rất cần thiết.

 

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khai thác được tối đa cơ hội từ các FTA, bên cạnh sự chủ động của tỉnh, cần thêm rất nhiều sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Trung ương, ví dụ như từ Bộ Công Thương, VCCI trong việc hỗ trợ các chuyên gia hướng dẫn thực thi các FTA thế hệ mới, trong công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu và thông tin kịp thời về thị trường của các nước FTA cũng như triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại các nước.

Ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Thương mại,

Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu

chỉ số FTA 1

Việc nghiên cứu triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các FTA của các địa phương đã được Bộ Công Thương đề xuất tại Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP của các Bộ, ngành và địa phương năm 2019 tại công văn 696/BCT-ĐB ngày 05 tháng 2 năm 2020. Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai tại công văn số 1153/VPCP-QHQT ngày 15 tháng 2 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định CPTPP hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả trong việc thực thi Hiệp định”.

Ngày 30 tháng 8 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index) với thời gian trình Thủ tướng Chính phủ vào Quý II/2022.

Ngoài ra, việc xây dựng FTA Index phù hợp với chủ trương tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA của Đảng được nêu cụ thể tại Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Chỉ thị số 25/CT-TW ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

xuất khẩu gỗ
nông sản
thủy sản
da giày

Việc xây dựng FTA Index nhằm thực hiện các mục tiêu quan trọng.

Với người dân và doanh nghiệp, FTA Index phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với các nhà đầu tư, FTA Index là thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA.

Với Chính phủ và Quốc hội, FTA Index là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại các địa phương.

Với các cơ quan trung ương, FTA Index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ các FTA.

Với các cơ quan địa phương, FTA Index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương.

FTA Index giúp tạo động lực tăng cường quan tâm của các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp đối với việc khai thác và tận dụng các FTA cũng như công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

          
Anh Khanh

FTA Index hướng tới mục tiêu giúp các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tận dụng FTA.

Nếu tất cả 63 tỉnh, thành đều quan tâm đến việc thực hiện các FTA và làm thế nào để giúp cho các doanh nghiệp tận dụng các FTA tốt hơn nữa thì FTA Index sẽ là một công cụ giúp các tỉnh, thành tận dụng FTA hiệu quả hơn và từ đó tổng thể cả đất nước chúng ta tận dụng được các FTA tốt hơn.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

          

 

chỉ số FTA 2

Phương pháp luận của việc xây dựng FTA Index là việc tập trung lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá gắn với Kế hoạch thực thi các FTA mà Chính phủ đã ban hành, từ đó đưa ra các đánh giá về mức độ thực thi các FTA của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc trung ương, trong đó xem xét cả các yếu tố khách quan và chủ quan tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để loại bỏ các thông tin thiếu chính xác thu thập được trong quá trình nghiên cứu.

Phương pháp thực hiện: Việc xây dựng FTA Index sẽ được thực hiện bởi Bộ Công Thương thông qua các hoạt động: (i) khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, doanh nghiệp tại khu vực kinh tế Nhà nước tại địa phương (ii) thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn thông tin dáng tin cậy từ trong và ngoài nước, (iii) phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán Bộ chỉ số, (iv) đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi các FTA tại từng địa phương thông qua Bộ chỉ số của địa phương đó, (iv) ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý dữ liệu, đặc biệt trực tuyến.

Mục tiêu của phương pháp thực hiện tập trung nhận diện hiện trạng tiếp cận thông tin, mức độ thụ hưởng các chương trình hỗ trợ tận dụng cơ hội từ các FTA, cũng như thu thập thông tin về các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Kết quả khảo sát sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực thi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các FTA trong thời gian tới. Khảo sát cũng thử nghiệm thu thập dữ liệu cho việc xây dựng FTA Index tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam (Chỉ số Hội nhập FTA), nhằm cung cấp một bộ công cụ để theo dõi và thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam nâng cao hiệu quả các chương trình hội nhập FTA.

Cách thức chọn mẫu: Điều tra tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng dựa trên danh sách doanh nghiệp có phát sinh hoạt động thuế tại mỗi tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Việc chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng nhằm đảm bảo tính đại diện cho tổng thể doanh nghiệp tại mỗi địa phương. Theo đó, danh sách tổng thể doanh nghiệp tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổng hợp và phân nhóm theo loại hình pháp lý (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần), ngành nghề sản xuất kinh doanh chính (công nghiệp, xây dựng, thương mại/dịch vụ, nông/lâm/ngư nghiệp) và số năm hoạt động của doanh nghiệp (dưới 5 năm, từ 5-15 năm, trên 15 năm). Phần mềm máy tính sẽ tự động lựa chọn ngẫu nhiên các doanh nghiệp nằm trong diện khảo sát theo tỷ lệ của từng nhóm nói trên tại từng địa phương.

Cách thức điều tra: Từ danh sách chọn mẫu, nhóm nghiên cứu xác minh địa chỉ và số điện thoại, sau đó tiến hành gửi phiếu khảo sát tới các doanh nghiệp. Để cải thiện tỷ lệ phản hồi, nhóm nghiên cứu triển khai tập huấn kỹ lưỡng cho các liên lạc viên về nội dung khảo sát và kỹ năng liên lạc với doanh nghiệp. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu chú ý tới việc thiết kế bộ phiếu khảo sát chuyên nghiệp, cung cấp bản mềm phiếu khảo sát đồng thời với việc in ấn bộ phiếu khảo sát và gửi tới doanh nghiệp với thư mời khảo sát cung cấp đầy đủ thông tin về mục tiêu khảo sát cũng như cơ quan thực hiện để củng cố mức độ tin cậy đối với các doanh nghiệp.

Nội dung khảo sát: Phiếu khảo sát bao gồm các nội dung chính: (1) Tiếp cận thông tin về các FTA; (2) Thực hiện quy định pháp luật (đánh giá các vướng mắc trong quá trình tuân thủ pháp luật thực hiện các FTA); (3) Việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA (đánh giá của doanh nghiệp về một số chương trình hỗ trợ tận dụng cơ hội của các FTA); (4) Thực hiện các cam kết về phát triển bền vững.

chỉ số FTA 3

Năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai việc nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số FTA Index thông qua việc tổ chức khảo sát thực tế đối với 1.650 doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố để có cơ sở dữ liệu nhằm đánh giá mức độ khả thi của việc xây dựng Bộ chỉ số. Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Bảng hỏi, thực hiện điều tra khảo sát trên lượng mẫu nhỏ để dễ dàng đánh giá hơn với lượng dữ liệu thu thập được. Bằng dữ liệu thu thập được, Bộ Công Thương đã đưa ra các mô hình để đánh giá dữ liệu, từ đó tìm cách tính toán đối với Bộ chỉ số FTA Index.

Trong năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng dự thảo Đề án FTA Index lấy ý kiến của các Bộ, ngành, và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index) được phê duyệt tại Văn bản số 5678/VPCP-QHQT ngày 31 tháng 8 năm 2022. Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.

Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch cho năm 2023 trong đó tiếp thu các ý kiến đã nhận được từ các Bộ, ngành, các địa phương và các chuyên gia. Bộ Công Thương cũng mở rộng phạm vi điều tra và đưa ra các điều chỉnh phù hợp dựa vào các phản biện đã nhận được trong giai đoạn khởi tạo. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tính toán Bộ chỉ số FTA Index cho việc thực thi của các địa phương trong năm 2023.

Theo kế hoạch, từ năm 2023 trở đi, việc điều tra để thu thập dữ liệu sơ cấp làm cơ sở để đánh giá và tính toán Bộ chỉ số FTA Index sẽ được tiến hành hàng năm, trong đó, mỗi năm, Bộ Công Thương sẽ đánh giá, điều chỉnh các kết quả đã đạt được trong năm trước đó cùng với các phản hồi của các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương, các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực để đưa ra và thí điểm những điều chỉnh cần thiết nhằm hoàn thiện hơn Bộ chỉ số này.

Hàng năm, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu mở rộng và kết hợp với các nguồn số liệu sơ cấp, thứ cấp có uy tín khác hoặc kết hợp tổ chức điều tra với các đơn vị có cùng chung tiêu chí chọn mẫu để lượng dữ liệu thu thập được ngày một đa dạng và chính xác hơn.

FTA Index

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và  Thiết kế: Duy Kiên - Hoàng Phương


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí