Gạo Ba Chăm - Hạt ngọc trời của người Bahnar
08/10/2023 lúc 17:00 (GMT)

Gạo Ba Chăm - Hạt ngọc trời của người Bahnar

 

Từ hạt gạo bản địa, đã bao đời nuôi lớn nhiều thế hệ người Bahnar, những nông dân huyện Mang Yang hôm nay đang từng bước nâng cao chất lượng để gạo Ba Chăm trở thành nông sản thế mạnh của địa phương.

 Sản phẩm gạo Ba Chăm luôn được gọi là "hạt ngọc trời" vì đây là giống lúa đặc sản có từ rất lâu đời ở một số vùng đồng bào dân tộc Bahnar của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Theo người bản địa, “ba” tiếng Bahnar có nghĩa là “lúa”, còn Chăm là dân tộc Chăm. Ba Chăm có nghĩa là giống lúa của người Chăm.

lua ba cham

Lúa Ba Chăm được bà con người Bahnar trồng trên những sườn đồi, men theo thung lũng Đăk Trôi, Đak Tơ Mal. Không ai nhớ cây lúa Ba Chăm có từ khi nào nhưng hạt gạo Ba Chăm đã nuôi sống bà con người Bahnar ở vùng Đăk Trôl từ nhiều đời nay. Giống lúa này không hề được bón phân, phun thuốc mà sống nhờ nước trời và dòng phù sa màu mỡ chảy xuống từ rừng.

Giống lúa bản địa Ba Chăm có thân to, cao, sức đề kháng tốt, được đồng bào Bahnar canh tác theo phương thức truyền thống (chọc, trỉa). Ngay sau lần bừa đất cuối cùng kết thúc, người dân dùng cọc tre/gỗ có đầu nhọn để chọc lỗ hoặc dùng cuốc để cuốc hố. Chọc lỗ hoặc cuốc hố đến đâu sẽ thả hạt giống khô (không qua ngâm ủ) xuống đó, lấp một lớp đất mỏng lên miệng lỗ (hố). Độ ẩm trong đất cao sẽ giúp hạt giống khô nảy mầm, sinh trưởng phát triển ngay tại đó cho đến khi thu hoạch. Phương pháp canh tác đặc thù này được người dân tại khu vực địa lý gọi là phương pháp chọc, trỉa.

lua ba cham

Toàn xã Đăk Trôi hiện nay có khoảng 350 ha lúa, toàn bộ đều là giống lúa Ba Chăm. Ngoài ra, người dân các xã lân cận như Đê Ar, Lơ Pang, Kon Chiêng, Kon Thụp… cũng đang trồng giống lúa này. Tuy nhiên, lúa Ba Chăm trồng ở Đăk Trôi là cho ra chất lượng gạo ngon nhất.

Gạo Ba Chăm có đặc điểm thuôn tròn, màu trắng đục với mùi thơm nhẹ đặc trưng, khi nấu cơm rất dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao. Khu vực trồng lúa Ba Chăm là vùng cánh đồng trũng phân bố ở độ cao từ 700 m đến 1.000 m so với mực nước biển, biên độ dao động nhiệt ngày đêm vào các tháng cây lúa trổ bông và đóng hạt (tháng 9 - tháng 10) là 9-10 độ C, độ ẩm không khí trên 80% trong suốt mùa vụ canh tác (tháng 4 đến tháng 11). Điều kiện tự nhiên và mùa vụ canh tác dài ngày đã giúp cây lúa nơi đây có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, tạo ra hạt gạo thơm ngon.

gaoo 1
gao 2

Lúa Ba Chăm chỉ trồng mỗi năm một vụ. Khác với những giống lúa thông thường sau 5 tháng có thể thu hoạch thì giống lúa Ba Chăm phải mất hơn 8 tháng. Người Bahnar xuống giống lúa vào những ngày cuối mùa khô, thường vào tầm tháng 3-4. Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống hạt giống mới nứt mầm vươn lên.

Trải qua 3 tháng mùa mưa Tây Nguyên, cây lúa Ba Chăm sinh trưởng, phát triển nhờ vào nước trời và dưỡng chất tích tụ trong đất. Khi những cơn mưa vơi dần thì hạt lúa Ba Chăm cũng thành hình. Đến tháng 11, cả ruộng bậc thang được nhuộm vàng cũng báo hiệu thời gian thu hoạch đã đến. Sau vụ thu hoạch cho đến tháng 4 năm sau, người Bahnar lại phơi ruộng, cho đất nghỉ ngơi chờ mùa gieo sạ mới.

lua ba cham
thuong hieu gao

Từ hạt gạo bản địa, bao thế kỷ nuôi lớn nhiều thế hệ người Bahnar, những nông dân huyện Mang Yang hôm nay đang từng bước cải tạo nâng cao chất lượng gạo Ba Chăm trở thành đặc sản, trở thành nông sản thế mạnh của địa phương.

Trước kia, theo phong tục, tập quán cũ, bà con trồng theo hình thức thủ công, chọc trỉa nên chỉ thu được 1,5-1,8 tấn lúa/ha/năm. Nhưng hiện nay, nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ kiến thức, hướng dẫn các phương thức canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất trồng lúa Ba Chăm ngày càng được nâng lên. Một số diện tích đất được tận dụng làm cánh đồng ruộng bậc thang giữ nước nên năng suất tăng lên 3,2 tấn/ha.

Giờ đây người Bahnar ở xã Đăk Trôi không chỉ canh tác để phục vụ cho nhu cầu gia đình mà đã mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác, phát triển kinh tế. Hiện huyện Mang Yang đang trồng và chăm sóc khoảng 2.032ha lúa Ba Chăm, sản lượng hơn 6.900 tấn. Mỗi vụ một hộ cũng thu hoạch được khoảng 10 - 15 bao. Mỗi làng có trên 100 hộ thì nhà nào cũng trồng lúa, ít thì 5 - 7 sào, nhà nhiều thì 2 - 4 ha.

gao 5

Nhận thấy giống lúa Ba Chăm có những tiềm năng để trở thành một loại sản vật địa phương, các cấp, chính quyền huyện Mang Yang đã tập trung mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ và khai thác cánh đồng thung lũng Đăk Trôi và các xã nằm trong khu vực chỉ dẫn địa lý. Từ năm 2017-2020, UBND huyện Mang Yang đã triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Ba Chăm với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.

Mục tiêu của dự án là khôi phục giống lúa Ba Chăm nguyên chủng, thiết lập quy trình sản xuất tối ưu cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển gạo Ba Chăm trở thành gạo đặc sản được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Toàn vùng chỉ dẫn địa lý gạo Ba Chăm Mang Yang có diện tích 1,295ha. Huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Ba Chăm Gia Lai, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện dự án phục tráng và sản xuất giống lúa Ba Chăm nguyên chủng.

Nhờ dự án này, nông dân đã thay đổi dần tập quán canh tác, nâng cao năng suất cây trồng, cho thu nhập cao từ sản xuất lúa Ba Chăm. Năng suất của lúa Ba Chăm từ 2,6 tấn/ha đã tăng lên 3,2 tấn/ha.

gao ba cham 4
gạo ba cham 5

Năm 2018 sản phẩm gạo Ba Chăm ở Đăk Trôi đã được Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2019 gạo Ba Chăm được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Các xã thuộc khu vực chỉ dẫn địa lý trồng lúa Ba Chăm như Đắk Trôi, xã Đê Ar, xã Kon Chiêng, xã Kon Thụp, xã Lơ Pang đã thành lập Hợp tác xã xay xát để phục vụ việc thu mua lúa ngay tại thôn làng cho bà con nông dân.

Cuối năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm; khu vực địa lý gồm: xã Đak Trôi, Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar (huyện Mang Yang).

gao ba cham 9

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho gạo Ba Chăm không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của hàng hóa mà còn đóng vai trò tích cực trong việc liên hệ đến chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó giúp người dân nhận biết, quản lý và phát triển sản phẩm hiệu quả, bền vững.

          

Với việc được cấp chỉ dẫn địa lý, gạo Ba Chăm đã xây dựng được thương hiệu độc quyền, hạt gạo sinh ra từ đại ngàn của Tây Nguyên

          
gao ba cham

Ngay sau khi giống lúa Ba Chăm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý, Huyện đã thành lập HTX Nông lâm nghiệp - Dịch vụ tại xã Đăk Trôi nhằm tạo liên kết giữa người dân với doanh nghiệp. Hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn để xây dựng vùng nguyên liệu gạo hữu cơ.

Vì được sản xuất toàn bộ từ hữu cơ, không bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên gạo Ba Chăm đã đạt được những chỉ số về chất lượng, độ dinh dưỡng vượt trội. Từ khi huyện Mang Yang thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Ba Chăm, diện tích trồng lúa theo phương thức hữu cơ liên tục được mở rộng. Có gia đình sở hữu gần 5ha lúa Ba Chăm, mỗi năm thu về từ 150 - 200 triệu đồng.

gao ba cham 8
gao ba cham 9

Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng bao tiêu đầu ra với sản lượng khoảng 400 tấn/năm và đưa hạt gạo Ba Chăm đến với các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…

Tháng 11/2022, huyện Mang Yang đã tổng kết Dự án liên kết với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Đak Trôi để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao công nghệ lúa Ba Chăm. Dự án đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 17 ha với 30 hộ dân tại làng Tơ Bla tham gia.

ba cham 5

Kết quả cho thấy, sau khi dự án được triển khai đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chất lượng gạo đặc sản. Đồng thời, trong quá trình triển khai, dự án đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất cho 30 hộ nông dân trong và ngoài vùng dự án; Hỗ trợ phân bón, xây dựng các mô hình trình diễn với năng suất, chất lượng lúa đạt cao, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Khi tham gia mô hình các hộ dân được hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định nên lợi nhuận thu được là 9.950.000 đồng/ha, cao hơn ruộng lúa đối chứng là 1,9 triệu đồng/ha.

Những con số trên đã cho thấy hiệu quả thiết thực từ dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm canh tác.

hat ngoc troi
          

Bài: Hà Đan
Trình bày: An Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí