Khơi sức bật tiêu sẻ Lệ Chí
26/09/2023 lúc 14:00 (GMT)

Khơi sức bật tiêu sẻ Lệ Chí

 

Lệ Chí là tên gọi cũ của xã vùng núi Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai ngày nay. Nơi đây được biết đến là một vùng trồng tiêu nổi tiếng của Gia lai.

Những vườn cây xanh tốt đã tạo nên diện mạo trù phú cho vùng đất này. Cây hồ tiêu được những di dân từ miền Trung lên Tây Nguyên trồng trên vùng đất Lệ Chí vào những năm 1957 - 1959 của thế kỷ trước.

Theo cách phân biệt của bà con, giống hồ tiêu lâu nay trồng tại Lệ Chí là tiêu sẻ, có đặc điểm là lá nhỏ, thân nhỏ, ra nhiều chuỗi và đậu đều trái, hạt to tròn đều, chắc, vị cay và thơm hơn giống hồ tiêu khác. Ngoài ra, giống hồ tiêu này dễ trồng, dễ chăm sóc và có khả năng kháng bệnh tốt, tỷ lệ tái sinh cao trong môi trường tự nhiên.

tieru do
tieu sach
tieu sẻ

Từ chỗ mỗi nhà chỉ trồng vài trụ, đến những năm 1987 - 1988, người dân Nam Yang bắt đầu nhân rộng diện tích hồ tiêu bằng chính nguồn giống tại chỗ. So với giống hồ tiêu vùng khác, hồ tiêu sẻ Lệ Chí cho sản lượng ổn định mà không đòi hỏi nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí chăm sóc thấp. Nhược điểm duy nhất của giống hồ tiêu này là dễ bị rụng trái, cháy lá khi vào mùa sương mai hoặc chín muộn.

tieu hữu co
tieu 4

Những năm 2000, xã Nam Yang rộ lên phong trào trồng hồ tiêu, đâu đâu cũng thấy hồ tiêu, nhà ít vài chục trụ, nhà nhiều vài trăm trụ. Những năm hồ tiêu có giá đến 200 ngàn đồng/kg, người dân ồ ạt trồng. Có thời điểm, diện tích hồ tiêu của xã lên đến hơn 350 ha.

Rồi người dân bắt đầu phá bỏ phần lớn diện tích tiêu sẻ để chạy theo thị trường trồng các giống hồ tiêu mới cho năng suất cao. Trồng hồ tiêu giống địa phương phải 3 năm mới cho trái, còn trồng hồ tiêu giống Vĩnh Linh thì chỉ cần 1 năm bà con đã thu lợi nhuận từ việc cắt hom bán giống nên một thời gian dài, người dân Nam Yang dường như bỏ mặc giống tiêu sẻ địa phương. Từ đó, giống tiêu sẻ Lệ Chí dần mai một.

tieu sẻ lệ chí
tieu se 3

Trước nguy cơ mất đi giống cây quý, nhiều người dân ở xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã nuôi ý định khôi phục, mở rộng diện tích tiêu sẻ địa phương và áp dụng quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhằm nâng cao giá trị loại cây trồng này.

Năm 2014, anh Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Nam Yang) quyết định áp dụng quy trình canh tác hữu cơ trên 2.500 trụ hồ tiêu của gia đình. Sau 4 năm theo đuổi mô hình này, anh Sơn nhận thấy chi phí đầu tư thấp hơn hẳn so với cách làm cũ, tuổi thọ vườn cây lại tăng, sản lượng ổn định và sản phẩm được đối tác thu mua với giá cao hơn.

tieu se 1
tieu se 2

Từ khi theo đuổi quy trình canh tác hữu cơ, anh nhận thấy giống tiêu sẻ địa phương có những ưu điểm cực kỳ phù hợp với mô hình này. Nếu khôi phục trồng giống tiêu sẻ địa phương, kết hợp với sự hiểu biết của người nông dân với mô hình canh tác hữu cơ sẽ mang lại lợi ích thiết thực.

Từ năm 2016, anh Ngô Văn Tiên (thôn 1, xã Nam Yang) đã xây dựng thương hiệu sản phẩm hồ tiêu ngay trên chính vườn nhà mình. Hơn 12.000 trụ hồ tiêu kinh doanh và 2.000 trụ tái canh đã được anh mạnh dạn chuyển ra hướng chăm sóc hữu cơ. Năm 2018, hồ tiêu của anh được công nhận là “Sản phẩm dịch vụ chất lượng cao ASEAN”, nhờ đó bán được với giá 100.000 đồng/kg, trong khi hồ tiêu bình thường chỉ 50.000 đồng/kg. Vườn tiêu của gia đình anh trừ chi phí cho thu nhập mỗi năm từ 1 - 2 tỷ đồng.

anh tien

Trước hiệu quả của việc canh tác hữu cơ mang lại, những năm gần đây, huyện Đak Đoa luôn quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, góp phần phát triển ổn định diện tích và nâng cao giá trị sản phẩm.

Sau 2 năm triển khai, từ năm 2020-2022, mô hình “Xây dựng và phát triển thâm canh hồ tiêu bền vững” tại xã Nam Yang và Hải Yang huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã giúp người dân thay đổi phương thức canh tác, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để vườn cây phát triển bền vững.

Với tổng diện tích 14 ha, có 70 hộ dân tham gia (0,2 ha/hộ), tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại người dân đối ứng). Các hộ dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ 60-70% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bước đầu, mô hình đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người trồng hồ tiêu.

tiêu hữu cơ
lien ket tieu se

Trước hiệu quả của việc canh tác hữu cơ mang lại, huyện Đăk Đoa đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên và HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang triển khai Dự án “Hồ tiêu cảnh quan” tại xã Nam Yang. Dự án nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của người trồng hồ tiêu về canh tác bền vững, góp phần gia tăng sản lượng đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang là một trong những đơn vị đi đầu của xã Nam Yang, Gia Lai đã liên kết hợp tác với bà con nông dân thực hiện mô hình canh tác hướng đến một nền nông sản sạch đó là trồng hữu cơ. Hiện HTX Nam Yang đã liên kết sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 70ha với hơn 50 hộ tham gia.

nam yang
tieu le chi

Qua nghiên cứu, học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, canh tác, bà con xã viên đã nâng cao được chất lượng và sản lượng hồ tiêu. Hàng năm đã cung cấp cho Hợp tác xã một nguồn nguyên liệu ổn định để chế biến ra các sản phẩm hồ tiêu có chất lượng cao và được thị trường trong nước và nước ngoài đón nhận.

Mùa thu hái hồ tiêu năm nay, vườn hồ tiêu của ông Huỳnh Mau (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đạt năng suất khá cao, trung bình mỗi trụ thu khoảng 3 kg tiêu khô. Gia đình ông có khoảng 5ha (tương đương 10.000 trụ) hồ tiêu liên kết với Hợp tác xã  Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang sản xuất theo hướng hữu cơ. Canh tác theo hướng này giúp vườn cây phát triển bền vững, giá bán cao hơn hồ tiêu thường từ 20 - 22 ngàn đồng/kg.

Có thể nói chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn sạch không chỉ góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân mà còn nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu trên thị trường. Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia mở rộng chuỗi liên kết để nâng cao thu nhập.

ho tieu do

 

tieu se

Tiêu đỏ Lệ Chí là sản phẩm được trồng kết hợp từ giống tiêu sẻ của vùng đất Nam Yang (Gia Lai), được nghiên cứu và ứng dụng trồng theo mô hình mới, canh tác hữu cơ nên cho sản phẩm tiêu đỏ chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu đỏ có hương vị rất đặc biệt, một chút cay nồng xen lẫn ngọt thanh, vì là tiêu đã chín nên mùi thơm hơn so với tiêu đen. Tiêu đỏ có giá trị kinh tế cao nên giá bán tiêu đỏ cao gấp 3 - 4 lần so với tiêu đen.

Hiện ở xã Nam Yang có hai đơn vị tiêu biểu đã thành công trong sản xuất tiêu đỏ, mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành một trong những sản phẩm OCOP của huyện Đak Đoa. Đó là sản phẩm tiêu đỏ sấy bằng công nghệ hồng ngoại Trần Sơn (cơ sở Trần Sơn, xã Nam Yang) đạt 3 sao và sản phẩm Tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, xã Nam Yang đạt 4 sao.

tieu do 1
tieu do 2
tieu do 3
say ho tieu
tran quang son

Tháng 8/2018, anh Trần Quang Sơn (xã Nam Yang) bắt tay xây dựng Tổ liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững xã Nam Yang với sự tham gia hơn 60 thành viên trên diện tích hơn 100 ha. Nếu như năm 2017, sản lượng tiêu đỏ Trần Sơn làm ra khoảng 2-3 tạ, chủ yếu phân phối bán lẻ trên thị trường nội địa, thì đến năm 2018, sản lượng tiêu đỏ đã tăng lên 2 tấn. Trong đó, riêng doanh nghiệp đối tác đặt hàng thu mua 1,5 tấn, số ít còn lại bán lẻ với mức giá 350.000 đồng/kg cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đồng thời, cũng trong năm này, sản phẩm mang thương hiệu “Tiêu đỏ Trần Sơn” đã xuất khẩu sang Pháp qua một công ty trung gian.

Bước sang năm 2019, sản lượng tiêu đỏ do các nông dân trong Tổ liên kết sản xuất đạt khoảng 10 tấn. Đầu ra cho tiêu đỏ cũng rộng mở khi đã có doanh nghiệp trong tỉnh ký kết hợp tác, đưa sản phẩm này lên sàn giao dịch điện tử. Đến năm 2021, anh thành lập Công ty Tiêu đỏ sấy hồng ngoại Trần Sơn và hiện sản phẩm tiêu đỏ của Công ty đã xuất khẩu trực tiếp sang Canada.

tieu nam yang
che bien
che bien ho tieu
tieu le chi 8

Cũng thành công với dòng sản phẩm tiêu đỏ, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang đã xây dựng thương hiệu tiêu Lệ Chí với các sản phẩm chế biến sâu đạt chất lượng cao, trong đó đáng chú ý là sản phẩm Tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí.

Để sản xuất ra sản phẩm Tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt trong cả quá trình canh tác. Khi thu hoạch cũng cần thực hiện tỉ mỉ từng bước, hái thủ công những quả tiêu chín đỏ trước, sau đó bóc vỏ, bỏ cọng, loại bỏ tạp chất. Nếu tuân thủ đúng quy trình thu hoạch và chế biến thì tiêu đỏ có giá trị kinh tế cao hơn tiêu đen rất nhiều.

Bình quân cứ 3kg tiêu xanh thì cho ra 1kg tiêu đen và nếu để chín thì 2,5kg tiêu xanh sẽ cho ra được 1kg tiêu đỏ và bán ra thị trường có giá trị cao hơn tiêu xanh và tiêu đen.

Nhờ mạnh dạn làm tiêu hữu cơ và các tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm tiêu đỏ của HTX Nam Yang là 1 trong 3 sản phẩm (cùng hồ tiêu sọ, hồ tiêu đen Lệ Chí) đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Khu vực năm 2020.

          

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí