Làng nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh
22/10/2023 lúc 14:00 (GMT)

Làng nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh

 

Hàng năm, cứ đến cuối tháng 10 âm lịch, người dân thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bắt đầu nhận đơn làm mứt gừng để khách hàng xuất đi nhiều thị trường trên cả nước, thậm chí ra nước ngoài.

Hải Lăng là huyện nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Trị, nơi vùng đồi núi chiếm tới 55% diện tích. Nổi tiếng từ xa xưa, làng mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng không chỉ là một món ăn đặc trưng mà còn mang cả nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Với vị thơm, cay nồng và màu sắc tự nhiên đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng mứt gừng Mỹ Chánh.

mút gừng

 

Trải qua bao thế hệ, thăng trầm theo dòng lịch sử, người dân làng nghề làm mứt gừng  Mỹ Chánh vẫn gắn bó, phát triển nghề. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về thì làng nghề mứt gừng truyền thống của xã Hải Chánh lại vào vụ.

Mứt gừng Mỹ Chánh không sử dụng chất bảo quản, nguyên liệu được các cơ sở chọn lọc, thu mua kỹ lưỡng, tạo ra sản phẩm có hương vị thơm ngon đặc biệt. Để làm mứt gừng Mỹ Chánh có hương vị riêng biệt, gừng nguyên liệu được lựa chọn làm mứt phải là củ gừng tươi, nhiều nhánh, thơm.

mứt gừng

 

Gừng được chọn làm mứt không được quá cay, không được quá già và cũng không được quá non. Bởi gừng già sẽ có xơ, vị đắng chát nhiều hơn mà non quá khi rim mứt sẽ khó và không đạt độ cay, thơm nhất định. Làm mứt gừng tuy không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ để một lát mứt gừng phải bao trọn đủ vị ngọt, thơm, cay nồng nhưng không quá gắt.

Cách làm mứt gừng được làm thủ công, qua nhiều công đoạn từ rửa, gọt vỏ, bào thành lát gừng, rửa, luộc gừng với nước chanh và xả lại bằng nước sạch, ướp gừng với đường, rim gừng,... Muốn mứt gừng ngon, cay, màu vàng, sáng đẹp phải có bí quyết, quan trọng nhất là phải luộc gừng với nước chanh.

mứt gừng 1
mứt gừng 2
mứt gừng 3
mứt gừng 4

Trong các công đoạn làm mứt gừng thì công đoạn rim gừng cho đến khi cô đặc đặc biệt khó, phải là người có tay nghề cao, kinh nghiệm mới được đảm nhiệm. Bí quyết giữ mức lửa như thế nào cho hợp lý để gừng chín tới, không cháy là điều khó khăn.

Ở mỗi giai đoạn, xoong rim gừng sẽ được chuyển bếp một lần (mỗi bếp lửa có một nhiệt độ khác nhau). Trộn đều gừng với đường theo tỷ lệ hợp lý để mứt gừng có vị cay nồng nhẹ, thơm đặc trưng là bí quyết của người Mỹ Chánh.

mut gung

 

 

Đối với người dân Mỹ Chánh nói riêng và người Quảng Trị nói chung, Tết mà không có lát mứt gừng thì không còn là Tết.

 

tit 2

Nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống từ lâu đời, ban đầu chủ yếu phục vụ trong gia đình vào dịp Tết. Sau đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hộ đã thu mua nguyên liệu làm mứt gừng để bán vào dịp cuối năm. Dần dần, cả làng Mỹ Chánh học hỏi nhau cùng sản xuất và trở thành một làng nghề. Mứt gừng Mỹ Chánh cứ thế xuất hiện khắp các huyện trong tỉnh rồi có mặt tại nhiều tỉnh và được khách hàng rất ưa chuộng.

Theo UBND xã Hải Chánh, hiện nay, cả thôn Mỹ Chánh có trên 20 hộ dân sản xuất mứt gừng lâu năm với tổng sản lượng ước đạt từ 60-70 tấn mứt được bán ra khắp các thị trường trong và ngoài nước cung cấp chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán.

mứt gừng 5
mứt 6

Nhờ vậy, nghề làm mứt gừng đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, có thêm điều kiện gia tăng thu nhập trang trải cuộc sống, đón Tết sung túc, đầm ấm hơn. Mỗi vụ mứt, làng mứt gừng Mỹ Chánh xuất ra thị trường hàng chục tấn đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho bà con nơi đây.

Để gìn giữ và phát triển thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh, làng nghề mứt gừng đã có hương ước. Theo đó, các hộ sản xuất mứt gừng phải tuân thủ chế biến mứt theo đúng quy trình thủ công truyền thống, để giữ nguyên hương vị đặc trưng của mứt gừng Mỹ Chánh. Trong quá trình sản xuất các hộ tuyệt đối không sử dụng hóa chất và cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của hộ khác…

mut gung

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà mứt gừng Mỹ Chánh còn được xuất đến các tỉnh, thành phố trong cả nước nhưThừa Thiên Huế và Quảng Bình mà nay còn có mặt tại Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

          

Tháng 12/2012, sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận thương hiệu và cấp giấy chứng nhận, bao bì, nhãn mác

          

 

đỏ lửa

Cứ vào dịp cuối năm, ai đi qua khu vực xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị như bị níu bước chân bởi mùi thơm từ một loại mứt được người dân nơi đây chế biến phục vụ ngày Tết. Bếp lửa nhà nhà lại đỏ rực nhộn nhịp sản xuất những mẻ mứt gừng nồng cay, nóng hổi cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.

Mặc dù nghề làm mứt gừng chỉ là nghề phụ và làm thời vụ chưa đầy 1 tháng, bắt đầu vào đầu tháng 11 Âm lịch và kéo dài đến khoảng ngày 27 Tết thì kết thúc, nhưng đem lại nguồn thu nhập tương đối cho người dân nơi đây.

Để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất mứt Tết, tất cả các hộ dân đã hợp đồng trước với các chủ vựa thu mua nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên và ở thị trấn Lao Bảo trong tỉnh để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

mut gung

Vào thời điểm trước, bếp lửa của các hộ ở thôn Mỹ Chánh đỏ lửa ngày đêm làm mứt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hộ làm mứt gừng Mỹ Chánh đã chuyển sang quy mô hơn, có cơ sở sản xuất gần 1 tấn mứt gừng/ngày. 

Từ sản xuất thô sơ, nhiều công đoạn đã sử dụng máy móc và quan trọng hơn cả việc chọn lựa nguyên liệu, sản xuất mứt sạch (không ngâm tẩm chất tẩy trắng), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thực hiện. Nghề làm mứt gừng truyền thống đã tạo nên nguồn thu nhập khá cho các cơ sở sản xuất, góp phần giải quyết lao động lúc nông nhà cho địa phương.

bf tam

Bà Võ Thị Tâm, Chủ cơ sở Mứt gừng Tuấn Tâm cho biết, từ năm 1972, bố mẹ của bà đã làm mứt gừng. Sau đó, bà nối gót làm món ăn truyền thống này đến nay đã hơn 30 năm.

Bà Tâm cho biết, hàng năm, cứ đến tháng 11 âm lịch, người dân thôn Mỹ Chánh bắt đầu nhận đơn làm mứt gừng để khách hàng xuất đi nhiều thị trường trên cả nước, thậm chí ra nước ngoài. Tuy nhiên, đến 25 tháng 12 âm lịch họ không nhận đơn đặt hàng nữa, tránh quá tải đơn hàng. Vụ Tết năm 2023, cơ sở của Bà Tâm đã sản xuất 40 tấn mứt gừng cho các đơn đặt hàng từ Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

đóng gói mứt gừng

Cơ sở mứt gừng Mỹ Chánh của bà Tâm hiện có 50 người làm việc. Khi cao điểm, nhân lực tăng lên 70 - 80 người, làm cả đêm để phục vụ khách hàng. Thu nhập của công nhân làm mứt gừng từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng/ngày/người.

 

          

Những ngày giáp Tết, từ những căn bếp đỏ lửa, mùi thơm ngát của mứt gừng lẫn vào mùi khói bếp lan tỏa khắp làng như xua tan cái lạnh của những ngày Đông giá buốt, báo hiệu một mùa Xuân mới sắp về.

          

 

Hiện nay, cả thôn Mỹ Chánh có trên 20 hộ dân sản xuất mứt gừng lâu năm với tổng sản lượng ước đạt từ 60-70 tấn mứt được bán ra khắp các thị trường trong và ngoài nước cung cấp chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán.

Để phát triển làng nghề truyền thống này, UBND xã Hải Chánh đã xây dựng Đề án về phát triển các ngành nghề tiểu thủ nông nghiệp trên địa bàn và được Hội đồng nhân dân xã thông qua.

mứt gừng 9

Địa phương đã có các chủ trương khuyến khích cũng như những chính sách hỗ trợ các hộ dân, cơ sở sản xuất đăng kí các nhãn hiệu, thương hiệu tham gia các hội chợ triển lãm. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương vận động các hộ bán hàng theo công nghệ hiện đại 4.0 trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, webside...

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân xã đang tập trung chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đăng kí sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương với thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh.

 

          

Bài: Gia Hân
Trình bày: An Vũ

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí