Ngành gỗ đối diện nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài
23/11/2023 lúc 14:20 (GMT)

Ngành gỗ đối diện nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài

 

Xuất khẩu gỗ gặp khó

Báo cáo Ngành gỗ Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023: Tình hình xuất nhập khẩu và cơ chế chính sách mới của Nhóm nghiên cứu của VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA, DOWA và tổ chức Forest Trends nhận định, năm 2023 là năm khó khăn của ngành gỗ Việt Nam.

Tính đến hết tháng 10/2023, ngành gỗ Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ đạt hơn 10,67 tỷ USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2022. Sau 7 tháng liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, khi mỗi tháng chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, thì tình hình xuất khẩu của ngành gỗ đã có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn khi giá trị xuất khẩu của tháng 8/2023 đã đạt gần 1,26 tỷ USD, tăng 14,3% so với tháng trước đó. Bước sang tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt mức xấp xỉ 1,26 tỷ USD.

Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 164 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU trong 10 tháng năm 2023 có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9,5 tỷ USD, chiếm 89,17% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này trong 10 tháng đều giảm từ 10% đến 35% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị phần các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 theo kim ngạch (Nguồn: TCHQ)
Thị phần các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 theo kim ngạch (Nguồn: TCHQ)

Trong khi kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính của Việt Nam giảm trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vào Ấn Độ và Indonesia tăng mạnh. Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 93,13 triệu USD, tăng 3,87 lần so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia đạt gần 77,76 triệu USD, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ 2022.

 

Liên tiếp đối diện hàng rào phòng vệ tại thị trường nước ngoài

Dù xuất khẩu ghi nhận sụt giảm trong năm 2023, trong bức tranh tổng thể, gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là mặt hàng “tâm điểm” bị điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường trường nước ngoài. Ngành gỗ liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế tại Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và đặc biệt Hoa Kỳ.

Cụ thể, năm 2015 Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam, trong khi gỗ ván MDF bị điều tra chống bán phá giá tại Ấn Độ. Năm 2019, Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá với gỗ dán. Năm 2020, Việt Nam liên tiếp bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF và Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán.

Năm 2023, ngành gỗ đối diện với hai vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra. 

Đối với mặt hàng gỗ dán, tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông báo chính thức điều tra lẩn tránh thuế đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam. Tháng 6/2020, DOC khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam.

Tháng 7/2023, sau 7 lần trì hoãn, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mặt hàng gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam.

Tại kết luận này, DOC giữ nguyên kết luận trong phán quyết sơ bộ cho 5 kịch bản sản xuất thuộc phạm vi sản phẩm điều tra.

Trong đó, hai kịch bản sản xuất mà DOC cho là lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm: Tấm mặt trước, sau và các tấm lõi riêng biệt được sản xuất ở Trung Quốc và được lắp ráp thành gỗ dán cứng tại Việt Nam; Những tấm lõi riêng lẻ được sản xuất tại Trung Quốc và chế biến thành một tấm lõi ở Việt Nam và được kết hợp với một tấm mặt trước và/hoặc sau được sản xuất ở Việt Nam và quốc gia thứ ba khác.

Tuy nhiên, DOC đã xem xét lại 3 kịch bản sản xuất lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm: Ván mặt trước và sau, có các thành phần lõi đã lắp ráp (ví dụ: các tấm ván lõi) sản xuất tại Trung Quốc và lắp ráp tại Việt Nam; Các tấm ván lõi đã lắp ráp hoàn chỉnh được sản xuất tại Trung Quốc sau đó kết hợp lớp với lớp ván mặt trước và/hoặc mặt sau được sản xuất ở Việt Nam hoặc một nước thứ ba; Tấm lõi dán nhiều lớp được sản xuất tại Trung Quốc được kết hợp ở Việt Nam để sản xuất các tấm ván lõi và được kết hợp với tấm mặt trước và/hoặc mặt sau sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam, hoặc một quốc gia thứ ba.

Tổng cộng, DOC sẽ áp mức thuế dựa vào dữ liệu thực tế bất lợi sẵn có cho 37 doanh nghiệp. Mức đặt cọc nêu trong phán quyết sơ bộ là 183,36% cho thuế chống bán phá giá và 22,98% cho thuế chống trợ cấp. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không được hưởng cơ chế tự xác nhận.

 
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, và kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng Hoa Kỳ chuyển dịch sang các thị trường khác mua hàng.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Đối với mặt hàng tủ gỗ, năm 2022, DOC đã lần lượt khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm và điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Tại kết luận sơ bộ ban hành ngày 17/3/2023, DOC cho rằng:

  • Sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam: thuộc phạm vi lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc;
  • Sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam; và sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam: chưa đủ thông tin để kết luận;
  • Ván đá chân được sản xuất tại Trung Quốc, và được kết hợp tại Việt Nam với các cấu phần cần thiết khác để tạo thành một tủ gỗ hoàn chỉnh tại Việt Nam: không thuộc phạm vi lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.

Kết luận cuối cùng trong vụ việc hiện vẫn chưa được ban hành, sau khi DOC thông báo tiếp tục gia hạn mới đây.

phòng vệ thương mại ngành gỗ
phòng vệ thương mại ngành gỗ
phòng vệ thương mại ngành gỗ
phòng vệ thương mại ngành gỗ

Xu hướng phòng vệ vẫn tiếp tục

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận định, trước Việt Nam, nhiều nền kinh tế khác cũng đã phải đối diện các vụ kiện phòng vệ đối với gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Bị áp thuế cao, nhiều nhà xuất khẩu dịch chuyển sản xuất, dịch chuyển thương mại sang quốc gia khác. Khi đó, nước nhập khẩu tiếp tục mở rộng điều tra để xem xét việc chuyển dịch này có tạo giá trị gia tăng đủ lớn ở nước khác không, hay chỉ là biện pháp lẩn tránh xuất xứ, chuyển dịch đơn giản. Nếu có cơ sở, căn cứ, nước nhập khẩu có thể tiếp tục mở rộng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với nước nhận chuyển dịch thương mại.

Tại danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại năm 2023 do Bộ Công Thương công bố, ngoài gỗ dán, các sản phẩm từ gỗ khác cũng được cảnh báo về khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ, như tủ bếp và tủ nhà tắm; ghế sofa có khung gỗ; gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Các sản phẩm này đều trong diện “báo động đỏ” tại Hoa Kỳ, bởi có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, Hoa Kỳ hiện đang áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến khả năng quốc gia này khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam là khá cao.

Thực tế cho thấy, đối với ngành gỗ, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, chủ yếu sản xuất gia công theo đơn hàng từ đối tác nước ngoài. Dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng nhìn chung kiến thức pháp luật và năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến việc không thể đáp ứng được những yêu cầu mà cơ quan điều tra đưa ra, hoặc không hợp tác trong trả lời bản câu hỏi. Thậm chí, quá trình ứng phó kéo dài cũng khiến một số doanh nghiệp bỏ cuộc, và cuối cùng phải nhận về kết quả bất lợi, giảm đáng kể khả năng cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu.

Đơn cử, trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán, tại kết luận cuối cùng, DOC đưa 2 doanh nghiệp ra khỏi danh sách 22 doanh nghiệp thất bại trong trả lời bảng hỏi, song 4 doanh nghiệp được xác định là hợp tác trong phán quyết sơ bộ đã bị liệt vào danh sách các công ty đã từ chối và không xác minh trong phán quyết cuối cùng. Việt Nam có 24 doanh nghiệp không hợp tác trong phán quyết cuối cùng và 13 doanh nghiệp thất bại trọng trả lời bảng hỏi trong phán quyết cuối cùng, dẫn đến mức thuế cuối cùng lên tới 206,34% được đưa ra đối với 37 doanh nghiệp này, và các doanh nghiệp cũng không được hưởng cơ chế tự xác nhận để giảm/miễn trừ thuế.

Để ứng phó kịp thời, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo Hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ cần theo dõi, cập nhật kịp thời thông tin về cảnh báo sớm, thông tin liên quan đến chính sách và tín hiệu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại, qua đó có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.

Khi đã xác định được nguy cơ đối với sản phẩm của mình xuất khẩu sang một thị trường nhất định, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Có sự chuẩn bị về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ,… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được.

Đặc biệt, khi nước nhập khẩu đã khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn.

Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đảm bảo chứng minh được tính minh bạch trong sản phẩm mà nhiều nền kinh tế đang đòi hỏi.

Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý, siết chặt công tác chứng nhận xuất xứ, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của một số doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, giữ vững thị trường xuất khẩu.

 
ông chu thắng trung

Thông qua đánh giá được nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh của mình sao cho cân đối, hài hòa, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Một thị trường có thể nói là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp, đem lại những lợi ích rất lớn, nhưng trong bối cảnh nhiều rủi ro xảy ra phòng vệ thương mại mà không có phương án B, phương án thay thế hoặc giải pháp nào đó thì cũng sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Về phía mình, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trang bị, nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao.

Thứ hai, đối với hệ thống cảnh báo sớm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương sẽ mở rộng đến nhiều thị trường hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường khai thác các thị trường xuất khẩu mới.

Thứ ba, tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, Hiệp hội nhằm tư vấn kỹ hơn, giải thích kỹ hơn về các bước triển khai, những vấn đề phải làm để đáp ứng đúng quy trình, thủ tục điều tra của phía nước nhập khẩu, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi quy trình và hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo quy trình, hoạt động điều tra tuân thủ đúng theo quy định pháp luật của nước sở tại và tuân thủ đúng theo các nguyên tắc và quy định của WTO.

          

Bài: Thy Thảo
Thiết kế: Duy Kiên, Khánh Chi

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí