Phát triển xanh -
30/08/2023 lúc 15:30 (GMT)

Phát triển xanh - "chìa khoá" để xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam bền vững

 

Đầu tư vào phát triển xanh là cơ hội cho các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trở nên nổi bật và tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách xanh hơnbền vững hơn trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào tiến trình toàn cầu hoá.  

Nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc “xanh hoá” trong xây dựng thương hiệu. Thực tế cho thấy, phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp các doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hoá.

Phát triển xanh được coi là "mấu chốt" để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Mặt khác, phát triển xanh, tuần hoàn, tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, do đó việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp tiên phong hướng đến sản xuất xanh, phát triển xanh hầu hết là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu. Những doanh nghiệp này nhanh chóng nắm bắt được các xu thế, yêu cầu mới để “đón đầu” đi trước so với các doanh nghiệp khác.

Với đặc điểm gần 98% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực để có những đầu tư để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ dừng lại ở mức cân nhắc, chưa có những bước triển khai đầu tiên các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay dù có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững song vẫn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được

Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn nhất, được 70% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đưa ra là chưa được trang bị đủ kiến thức. 83% doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, 57% đã thấy sự cần thiết thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, có không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn coi phát triển xanh là gánh nặng, chưa coi đây là lộ trình tất yếu trong hoạt động kinh tế toàn cầu hoá.

Do vậy, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp hiện nay là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi nhận thức một cách có hệ thống nhằm hướng tới chuyển đổi xanh, lộ trình xanh.

Chuyển đổi tư duy không đơn giản là chuyển từ nền kinh tế màu nâu sang màu xanh, mà để làm được điều đó, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần tư duy đúng về phát triển bền vững, đặc biệt doanh nghiệp nên tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, đáp ứng một số tiêu chí mà các FTA cũng như thị trường quốc tế đặt ra.

Đồng thời, do chi phí đầu tư cho phát triển xanh và bền vững rất cao, chỉ mang lại lợi ích trong dài hạn nên phần lớn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sử dụng công nghệ và vật liệu giá rẻ để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn và là doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán triển khai các hoạt động phát triển bền vững theo bộ tiêu chí ESG.

Mặt khác, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu quản lý không tốt do còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng. Trong khi đó, một số chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu của doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hoá nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển. Hơn nữa, đảm bảo doanh nghiệp phát triển một các bền vững thì việc quản trị doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và tạo ra lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường.

Xây dựng và duy trì văn hoá doanh nghiệp, chiến lược công ty, duy trì sự phát triển bền vững nhờ truyền được cảm hứng cho nhân viên và đồng nhất giá trị doanh nghiệp. Đồng thời, chính văn hoá doanh nghiệp cũng là yếu tố giúp nâng cao năng suất và chất lượng công việc.

Chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới. Hình thành chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát triển xanh, phát triển bền vững đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hoá. Với những thách thức về môi trường và xã hội ngày vàng gia tăng, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu quốc gia có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Là một trong số những doanh nghiệp tiên phong, quan tâm tới việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững từ cách đây 12 năm, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chậm hơn so với thế giới. Các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng quốc tế của FPT hiện nay đều đã yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phát triển bền vững, phát triển xanh.

Xu hướng “xanh hoá” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, để cạnh tranh trên thị trường, có rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”. 

Theo đó, việc thúc đẩy các doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia Việt Nam hướng tới phát triển xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước thì vai trò của nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan trọng.

Ảnh: Tạp chí Công Thương

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tham gia rất sâu rộng vào kinh tế thế giới và xu hướng tiêu dùng chuyển dịch dần sang những sản phẩm thân thiện với môi trường nên sản xuất xanh là một trong những yếu tố lợi thế để giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, thu hút thêm người tiêu dùng và đồng thời sản xuất xanh cũng chính là yêu cầu kiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới như: CPTPP, UKVFTA, EVFTA,...

Những Hiệp định thương mại tự do này đều có những yêu cầu khắt khe về tiêu chí môi trường, vì vậy nếu doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia Việt Nam có thể thực hiện tốt sản xuất xanh thì đây là một cơ hội lớn để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để đáp ứng sâu hơn, xa hơn đến các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản.

Ảnh: Tạp chí Công Thương

Ảnh: Tạp chí Công Thương

Bài: Huyền My
Thiết kế: Duy Kiên, An Chi


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí