Ngày 9/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021-2022 nhằm hướng dẫn phổ biến chính sách mới, cũng như triển khai thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Hội nghị đề cập một số chính sách mới, phổ biến hướng dẫn triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới với mục tiêu góp phần hỗ trợ, định hướng các trường chủ động ứng phó với thách thức, khó khăn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cách mạng công nghệ 4.0 để nắm bắt và biến thách thức thành cơ hội, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương nói riêng và cả nước nói chung, trong điều kiện tiếp tục ứng phó với dịch bệnh và hoàn thành mục tiêu kép.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021-2022 của Bộ Công Thương
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021-2022 của Bộ Công Thương

Bức tranh năm học 2020-2021 nhiều điểm sáng 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm học 2020-2021 các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương đã rất chủ động trong việc vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa thay đổi phương pháp giảng dạy để thích nghi với tình trạng giãn cách xã hội, đồng thời cố gắng áp dụng nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch đã đề ra. 

Nhờ vậy, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, các Trường thuộc Bộ Công Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực trong năm học vừa qua. Tổng số tuyển sinh đạt 91,8% kế hoạch tuyển sinh tự đề ra, trong đó riêng truyền sinh Đại học tăng 16,3% so với năm học 2019-2020. Quy mô đào tạo năm học 2020-2021 tăng 6,8%; với hầu hết các Trường mở nhiều ngành mới trong năm 2021 để đáp ứng nhu cầu xã hội, được coi là những mũi nhọn trong thời đại công nghệ 4.0 như: Robot và hệ thống điều khiển thông minh, quản lý đô thị thông minh và bền vững; kỹ thuật hóa phân tích; kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng,…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong năm học 2020-2021, tổng số chương trình được xây dựng mới, chỉnh sửa giảm 44% so với năm học 2019-2020. Đáng chú ý, tổng số chương trình dạy online, kết hợp cả dạy online và trực tiếp chiếm 72,5% tổng số chương trình. Tổng số giáo trình được biên soạn mới, mua mới và chỉnh sửa tăng gấp 05 lần so với năm học 2019-2020 (trong đó tổng số giáo trình online, kết hợp cả online và trực tiếp chiếm trên 37% tổng số). Việc tăng tỷ lệ chương trình, giáo trình online, kết hợp cả online và trực tiếp thể hiện việc các Trường thuộc Bộ đã linh hoạt, chủ động trong việc chuyển đổi hình thức giảng dạy, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, các trường đã đầu tư mua mới 414 giáo trình của nước ngoài và đang thúc đẩy công tác kiểm định trường, kiểm định chương trình, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định trong và ngoài nước.

Về nghiên cứu khoa học, tổng sản phẩm nghiên cứu - ứng dụng đã được giảng viên, sinh viên các Trường thực hiện trong năm học 2020-2021 là 44.067 sản phẩm, với số lượng các bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài, công bố quốc tế thuộc danh mục SCI, SCIE và Scopus… tăng 14,3% so với năm trước. Trong đó, sự tham gia của sinh viên vào nghiên cứu, sáng tạo ngày càng tích cực với hơn 547 sản phẩm do sinh viên tự thực hiện và 482 sản phẩm nghiên cứu khoa học do giáo viên và sinh viên cùng thực hiện. 

Nội dung và chất lượng các Đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao hơn. 13 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, được thương mại hóa với giá trị ước đạt khoảng 2,7 tỷ đồng. Đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ, thể hiện sự quan tâm của các Trường đối với công tác nghiên cứu khoa học, gắn kết học tập với nghiên cứu, triển khai ứng dụng trong thực tế. 

Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương

Mặt khác, 100% các Trường trực thuộc Bộ Công Thương có báo cáo về hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong những năm gần đây với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới hơn 5.000 đơn vị trên cả nước, nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng đầu ra sinh viên gắn với thực tế việc làm.

“Đó là những điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành Công Thương, là công sức, nỗ lực của các thầy cô trong 1 năm dịch bệnh diễn biến bất ngờ vừa qua”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân vui mừng chia sẻ, đồng thời thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận và chúc mừng các cơ sở đào tạo đạt thành tích năm học 2020-2021.

Sẵn sàng thích ứng với bối cảnh bình thường mới

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động giáo dục đào tạo ngành Công Thương hiện vẫn còn một số hạn chế về tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,…

Đặc biệt, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo nhu cầu nhân lực, sàn giao dịch tuyển dụng và đào tạo, kênh thông tin kết nối 3 chiều: doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên để minh bạch, thông suốt thông tin đa chiều, mang lại biến chuyển tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Công Thương nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương đóng góp tham luận về nhân lực ngành Công Thương trong bối cảnh mới
Đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương đóng góp tham luận về nhân lực ngành Công Thương trong bối cảnh mới
Đại diện các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Công Thương chia sẻ ý kiến tại Hội nghị
Đại diện các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Công Thương chia sẻ ý kiến tại Hội nghị

Theo ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), trước sức ép của số hóa và toàn cầu hóa, đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động và việc làm. 

Trong khoảng 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc của con người và máy móc sẽ bằng nhau. Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ biến đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và AI... Khoảng cách ngày càng tăng giữa các kỹ năng của lao động hiện tại và kỹ năng mà các doanh nghiệp cần có thể khiến 6% GDP của thế giới, tương đương 5.000 tỷ USD, bị mất mỗi năm.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có thị trường lao động, việc làm, giáo dục đào tạo.

Báo cáo tình hình lao động việc làm Quý III/2021 của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Do vậy, ông Vũ Xuân Hùng cho rằng, trong ngắn hạn, cần tập trung vào việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, góp phần nhanh chóng phục hồi thị trường lao động. Trong dài hạn, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề cho thanh niên và người lao động.

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp
Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Riêng đối với ngành Công Thương, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định các cơ sở giáo dục đào tạo cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến đáp ứng những chuẩn mực quốc tế cao hơn, trong đó ưu tiên đào tạo các ngành mũi nhọn, then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá. Xác định khoa học công nghệ là nòng cốt để đổi mới, xây dựng cơ chế tự chủ toàn diện, có kế hoạch kiểm định đánh giá ngoài để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. 

Việc đổi mới và thích ứng là cần thiết để tổ chức các hoạt động đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch; ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đạo đức đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để thực hiện hiệu quả những phương hướng này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đặt ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu cho hoạt động giáo dục đào tạo ngành Công Thương trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 song song với đảm bảo hoạt động đào tạo với các biện pháp chủ động, tích cực hơn; xây dựng mô hình, giáo trình, tài liệu cho học trực tuyến một cách bài bản và củng cố hạ tầng kỹ thuật cho việc quản lý, dạy và học online.

Thứ hai, đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình. 

Thứ ba, sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo và tổ chức Nhà trường, gắn với tái cơ cấu, tái cấu trúc hoạt động. 

Thứ tư, cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý bằng nhiều biện pháp như: xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc; kết quả nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp, thực hành tại doanh nghiệp nên là một trong số các chỉ tiêu xếp loại giảng viên; thông qua hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế để học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, công nghệ thông tin,.. cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giảng viên chương trình chất lượng cao nâng cao.

Thứ năm, xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như: đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao năng lực quản lý đào tạo; đổi mới chương trình giáo trình; kiểm định chất lượng; gắn kết doanh nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu trong mọi hoạt động; chủ động nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động trình độ cao, sự phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo để xác định ngành nghề đào tạo phù hợp, phát triển chương trình đào tạo mới, đổi mới công nghệ trong đào tạo các ngành kỹ thuật của trường, hình thành các ngành thế mạnh truyền thống; hình thành kênh thông tin 3 chiều giữa người đào tạo - người học - người tuyển dụng.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các nhà giáo
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các trường có thành tích xuất sắc trong năm học 2020-2021
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trao cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các trường có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Dạy tốt, học tốt năm học 2020-2021

Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ: Xây dựng Chiến lược KHCN phù hợp Chiến lược tổng thể của quốc gia, của ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; từng bước hình thành các nhóm nghiên cứu và định hướng nghiên cứu phù hợp với quy mô, năng lực, thế mạnh của từng Trường, kết hợp giữa Trường - Viện - Doanh nghiệp. 

Thứ bảy, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc củng cố các kỹ năng ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên, nhân viên và cán bộ quản lý; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế; đầu tư kiểm định chương trình bởi các tổ chức quốc tế có uy tín,…

Thứ tám, tăng cường nguồn lực đầu tư và sử dụng có hiệu quả, huy động vốn của cá nhân, tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế, của chính phủ, phi chính phủ hoặc các công ty, tập đoàn kinh tế nước ngoài... thông qua nhiều hình thức.

Thứ chín, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ưu tiên công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo.

Thứ mười, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp: Từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu sinh viên, giảng viên thành các mô hình, dự án khởi nghiệp có giá trị cao cho doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội; đẩy mạnh thông tin, truyền thông và hỗ trợ đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ vốn cho dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021-2022, Bộ Công Thương cũng tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2020-2021 và Hội nghị Tập huấn công tác tổ chức cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ năm 2021 của Bộ Công Thương vào 2 ngày 9-10/12/2021.