Lào Cai là tỉnh miền núi phía bắc nước ta, có diện tích 8.049 km2, dân số khoảng 560 ngàn người; tổ chức hành chính của Tỉnh gồm 01 thành phố và 8 huyện, 164 xã, phường, thị trấn, trong đó có 125 xã vùng cao, 26 xã biên giới; Tỉnh có 25 dân tộc (chiếm gần 70% dân số toàn tỉnh), chủ yếu là người Mông, Tày, Dao, Thái, Nùng, Giao, Giáy, Phù Lá, Mường, Hà Nhì.... Lào Cai có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh vùng biên giới Việt Bắc do có nhiều tiềm năng về tài nguyên, thiên nhiên, đất đai, nhân lực và điều kiện địa lý thuận lợi, đặc biệt là nguồn nhân lực dồi dào với gần 50% dân số của Tỉnh đang trong độ tuổi lao động.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm qua, bên cạnh việc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, dịch vụ, đẩy mạnh đầu tư, phát triển công nghiệp, giao thông, du lịch và kinh tế cửa khẩu... để tạo bước chuyển biến mang tính đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đưa Lào Cai sớm ra khỏi diện tỉnh nghèo, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai đã xác định: Giáo dục đào tạo đóng một vai trò quyết định, trong đó giáo dục dân tộc là nhu cầu bức thiết, nhằm nâng cao dân trí, văn hoá, đặc biệt, thông qua đào tạo nguồn nhân lực sẽ phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, góp sức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội toàn Tỉnh trong giai đoạn 2001-2010.    

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2006-2010) đã đề ra mục tiêu phát triển giáo dục của Tỉnh giai đoạn 2006-2010 là: Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; coi trọng giáo dục tư tưởng, ý thức đạo đức trong học sinh, sinh viên; dân chủ hoá nhà trường và quản lý giáo dục; đa dạng hoá các loại hình đào tạo, trường lớp, phát triển mạnh mô hình trường, lớp nội trú dân nuôi, vừa học vừa làm... phấn đấu đạt chuẩn vững chắc; mở rộng và đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng người giỏi trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh doanh, quản lý, hoạt động xã hội và lao động kỹ thuật cao... Trong đó, Tỉnh sẽ tập trung triển khai 6 dự án trọng điểm với những giai đoạn cụ thể, đồng thời, duy trì và từng bước phổ cập giáo dục tất cả các cấp học; nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, phục vụ mục tiêu nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bản sắc văn hoá dân tộc, ngăn chặn những tiêu cực trong thi cử; tích cực đầu tư xây dựng nhà trường đạt ba tiêu chuẩn: Chuẩn hoá, hiện đại hoá và kiên cố hoá, nhằm phấn đấu đến năm 2010, Lào Cai sẽ có 30% trường mầm non, 25% trường tiểu học, 20% trường trung học cơ sở và 20% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Các giải pháp thực hiện: Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh việc đầu tư ngân sách, tăng tỷ lệ chi lên hơn 20% trong tổng chi ngân sách địa phương (năm 2010), cho giáo dục - đào tạo chủ yếu ở các vùng dân tộc và khó khăn (dự kiến khoảng 725,265 tỷ đồng), Tỉnh sẽ đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tranh thủ tối đa tiềm năng và sự ủng hộ của người dân, của xã hội đầu tư cho giáo dục, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trên cơ sở đó, có cơ chế để hỗ trợ xây dựng các trường điểm của các cấp học theo hệ thống dân lập, tư thục; củng cố các hoạt động khuyến học, xây dựng quỹ bảo trợ giáo dục, động viên các em học sinh nghèo, vượt khó, gia đình hiếu học. Không chỉ phát huy nội lực, Lào Cai cũng sẽ tăng cường hợp tác, liên kết để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, từ các dự án quốc tế, các tổ chức phi chính phủ... phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo nguồn lao động cho các địa phương. Có thể  nói, đây là định hướng chiến lược góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Tỉnh trong những năm sắp tới.

(

  • Tags: