Trong kết luận này, DOC cho rằng việc dỡ bỏ mức thuế chống bán phá giá sẽ dẫn đến khả năng sản phẩm tiếp tục hoặc tái diễn bán phá giá. Do đó, DOC đề nghị gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mức thuế áp dụng cho các nước bị điều tra từ 76,11% đến 122,88%, trong đó mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là 76,11%.

DOC khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với túi nhựa PE nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2009 và áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ năm 2010 với thời gian áp thuế là 5 năm (mức thuế chống bán phá giá toàn quốc đối với Việt Nam là 76,11%). Biện pháp đã được gia hạn một lần vào năm 2016.  

Tuy nhiên, kết luận của DOC mới chỉ đưa ra biên độ bán phá giá và đề nghị mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Tới đây, trên cơ sở kết luận của DOC, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa bán phá giá và thiệt hại. Trong trường hợp xác định có thiệt hại nêu trên, lệnh áp thuế chống bán phá giá sẽ được DOC ban hành. 

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương lưu ý, các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế chống bán phá giá riêng, nếu không sẽ phải chịu thuế toàn quốc. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ kịp thời.