Ngày 16/11, Tạp chí Công Thương tổ chức Toạ đàm "Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới" với sự tham gia trao đổi, thảo luận của các khách mời đại diện Cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

nâng tầm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới
Toạ đàm "Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới"

Nhiều hoạt động kết nối hàng hoá sản xuất trong nước

Trong vòng 10 năm, ngành Công Thương đã có những hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ đưa hàng hoá Việt Nam nói chung và hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng vào các hệ thống phân phối uy tín trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cũng đã lồng ghép vào các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hàng hoá sản xuất trong nước, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Công Thương đã triển khai 4 Chương trình lớn như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Không chỉ đổi mới về phương thức tiêu thụ nông sản trong bối cảnh mới, mà Bộ Công Thương còn tạo ra được những cơ sở hạ tầng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu thụ được những sản phẩm hàng hoá theo chuỗi cung ứng, hỗ trợ ổn định về giá và đưa vào các hệ thống phân phối lớn.

nâng tầm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

“Qua các Chương trình, Đề án và chính sách này, thiết lập được trên toàn quốc các quy mô điểm bán hàng Việt, triển khai đến 21 điểm bán hàng OCOP làm mẫu cho các địa phương và lan toả đến toàn quốc. Nhiều địa phương đã tự làm và nhân rộng lên hàng trăm điểm, và đặc biệt đã triển khai được mô hình gắn kết giữa du lịch với thương mại” - Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tuy nhiên,  cần phải tận dụng hơn nữa thế mạnh về tiềm năng sản phẩm, không chỉ là sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ mà còn ở giá trị quý hiếm và đặc sắc, mang đậm bản sắc, truyền thống văn hoá dân tộc và phần nào phản ánh thương hiệu của Việt Nam.

“Trên thực tế, đằng sau những câu chuyện này là sự chuyển đổi về nhận thức và tư tưởng. Phát triển bền vững không chỉ là phát triển tăng trưởng, là thu nhập cao hơn mà còn là việc lấy con người làm trung tâm và để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là khu vực yếu thế” - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với phát triển bền vững

Chia sẻ về câu chuyện thương hiệu trà Shanam của Tà Xùa được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới, bà Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc cho rằng, để phát triển thương hiệu trà của vùng dân tộc thiểu số như vậy, cần định hình được một cái tên riêng, bảo lãnh cho vùng đó và đưa được ra phẩm trà tốt nhất, chuẩn nhất. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến câu chuyện phát triển bền vững, gắn phát triển thương hiệu vào phát triển đời sống của người dân khu vực đó.

nâng tầm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Bà Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc

“Tuy nhiên, dù Cơ quan nhà nước đã có rất nhiều các Chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng đâu đó vẫn có những trở ngại đối với doanh nghiệp vùng miền núi trong việc thể tiếp cận chính sách hỗ trợ” - Bà Phạm Thị Việt Hà trăn trở.

Giai đoạn hiện nay, phát triển doanh nghiệp không còn thuần tuý là truyền thống kinh tế theo nghĩa là lợi nhuận, chi phí thông thường, doanh số năng suất, mà còn phải gắn với xu thế phát triển bền vững, phát triển xanh là bao trùm. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu phải lưu ý cả quy trình, tập trung vào thế mạnh là những truyền thống, văn hoá nhân văn, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm xã hội.

nâng tầm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Theo TS Võ Trí Thành, muốn nâng lên tầm cao mới thì các sản phẩm trong nước và ngoài nước phải đáp ứng được xu hướng sống, xu hướng tiêu dùng không chỉ là xu hướng sống xanh, an toàn và sạch sẽ, mà còn phải gắn với tư tưởng phát triển nhân văn, nhân văn trong tiêu dùng cũng như trong lối sống và để hỗ trợ cho những vùng miền còn khó khăn phát triển đời sống xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất 

Theo bà Lê Việt Nga, thời gian tới, Bộ Công Thương triển khai 2 hoạt động.

Thứ nhất, xây dựng hệ thống chợ của đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động có bản sắc, có hiệu quả kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho cuộc sống của đồng bào đủ đầy với những sản phẩm thiết yếu tiêu dùng hằng ngày;

Thứ hai, hỗ trợ kết nối tiêu tụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số về với miền xuôi cũng như đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.

“Phải có những điều chỉnh phù hợp với văn hoá của đồng bào dân tộc, để làm sao vừa kêu gọi được bà con cùng sản xuất kinh doanh, làm giàu trên mảnh đất của mình và vừa bảo tồn được bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số”. - Bà Lê Việt Nga chia sẻ.nâng tầm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của các khu vực này vào các kênh phân phối trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.