Liên minh OPEC+ vừa tái khẳng định sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng khai thác như hiện nay trong bối cảnh triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc đang dần được cải thiện. Đồng thời, liên minh này kêu gọi 23 quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ thoả thuận định mức khai thác. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, hiện kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu trên toàn cầu.

Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu toàn cầu, kể từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ cân bằng cung - cầu trên thị trường năng lượng thế giới.

Tuy nhiên, đầu tháng 1/2023, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố sẽ dỡ bỏ toàn bộ các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 vốn được áp dụng nghiêm ngặt trong 3 năm qua và tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Điều này được nhận định sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Diễn biến giá dầu thô Brent
Diễn biến giá dầu thô Brent trong 6 tháng gần nhất. (Nguồn: tradingeconomics.com)

Giá dầu thô hiện đạt 83 USD/thùng, tăng 8% so với mức giá hồi đầu tháng 12/2022. Một số tập đoàn tài chính lớn trên thế giới nhận định giá dầu thô sẽ tăng lên trong thời gian tới dưới hiệu ứng Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế, thậm chí giá dầu thô Brent có thể đạt 110 USD/thùng vào quý 3/2023.

Triển vọng tăng giá dầu còn được củng cố nhờ các diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế toàn cầu. Vào ngày 31/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)  đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 lên 2,9%, so với mức dự báo 2,7% được đưa ra trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vòng một năm trở lại đây.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas – Giám đốc Nghiên cứu tại IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu đang “ở cách xa bất kỳ chỉ dấu suy thoái nào”. Tuy nhiên, IMF cũng nhấn mạnh các nền kinh tế trên thế giới còn đối mặt nhiều thách thức và phải nỗ lực hơn nữa để phục hồi hoàn toàn.

Nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm nay được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt 101,7 triệu thùng, chủ yếu nhờ sự phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc. Con số này cao hơn đáng kể so với mức tiêu thụ 100,6 triệu thùng/ngày  trong năm 2019. IEA nhận định nhu cầu sử dụng dầu sẽ tăng thêm 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023, gần một nửa số này là đến từ việc gia tăng nhu cầu tại Trung Quốc.

Thị trường hiện đang tập trung đánh giá tác động của các biện pháp cấm vận từ phương Tây nhắm vào dầu thô của Nga đến tình hình cung - cầu dầu trên thị trường thế giới. Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô của Nga kể từ ngày 5/2 tới đây. EU cũng đang gấp rút nhóm họp để thống nhất mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga.