Trong thông báo vừa được đưa ra, các quốc gia thành viên khối G7 và Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã đạt được thoả thuận áp mức trần giá 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp từ dầu Nga như dầu diesel, và trần giá 45 USD/thùng đối với các sản phẩm khác từ dầu Nga như dầu mazut. Mức trần giá này không thay đổi so với đề xuất ban đầu được đưa ra trước đây.

Biện pháp áp trần giá này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 5/2. Với các lô sản phẩm từ dầu Nga vận chuyển bằng đường biển, được mua trước ngày 5/12, thời gian chuyển tiếp sẽ là 55 ngày. Các công ty bảo hiểm, vận tải phương Tây sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi chúng được mua bằng hoặc dưới giá trần.

Trước đó, khối G7 và EU đã áp trần giá 60 USD một thùng với dầu Nga, bắt đầu từ ngày 5/12/2022. Ba Lan và các nước Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia đang thúc giục G7 và EU xem xét áp mức trần giá thấp hơn nữa đối với các sản phẩm năng lượng từ Nga thay vì chờ đến giữa tháng 3 để đánh giá định kỳ. Với dầu thô, đánh giá định kỳ sẽ thiết lập giá trần tối thiểu thấp hơn 5% so với giá thị trường. Giá dầu Nga hiện đã rơi xuống dưới 60 USD một thùng.

Khai thác dầu thô tại Nga
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu có thể nghiêm trọng hơn trong năm nay khi phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu Nga. (Ảnh: Reuters)

Phương Tây đang tìm cách hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga, mà không gây xáo trộn thị trường năng lượng thế giới. Trong khi đó, liên minh OPEC+ vừa tái khẳng định sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng khai thác 2 triệu thùng/ngày như hiện nay. Mức cắt giảm này tương đương khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.

Biện pháp cắt giảm sản lượng khai thác vốn được OPEC+ triển khai kể từ tháng 11/2022 - thời điểm giá dầu thô lao dốc xuống dưới 80 USD/thùng. Dự kiến biện pháp cắt giảm sản lượng này sẽ được OPEC+ duy trì cho đến hết năm nay. Liên minh OPEC+ bao gồm 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu. Liên minh OPEC+ hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay có thể đạt kỷ lục mới 101,7 triệu thùng ngày, vượt mức trước năm 2019, nếu như quá trình tái mở cửa của Trung Quốc diễn ra thuận lợi. IEA cũng cảnh báo nguồn cung dầu thô trên toàn cầu sẽ trở nên căng thẳng hơn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào dầu thô của Nga bắt đầu có tác dụng.

Hiện một số tổ chức tài chính nhận định giá dầu thô có thể đạt 100 USD – 110 USD/thùng vào nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.