Báo cáo hàng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục mới 101,7 triệu thùng/ngày trong năm nay khi Trung Quốc gấp rút mở cửa lại nền kinh tế nước này sau gần 3 năm đóng cửa biên giới. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
IEA nhấn mạnh “Gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc ngay cả khi cách thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này vẫn chưa rõ ràng.”
Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách phong toả Zero Covid của nước này kể từ tháng 12/2022 và bất ngờ tuyên bố sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp kiểm dịch COVID-19 và mở cửa biên giới hoàn toàn kể từ ngày 8/1/2023, mở đường cho việc phục hồi toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hầu hết giới phân tích nhận định quá trình tái mở cửa của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay nhưng càng về sau, quá trình này sẽ càng suôn sẻ và tăng tốc.
IEA cũng cảnh báo việc nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc phục hồi có thể khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trưởng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào dầu thô của Nga bắt đầu có tác dụng. Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm dầu tinh chế của Nga kể từ đầu tháng 2/2023.
Một số dự báo ban đầu nhận định giá dầu thô có thể tăng mạnh từ mức 80 USD/thùng như hiện nay lên 100 USD/thùng trong quý 2/2023 nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ. Một số dự báo chỉ ra rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể giúp nhiều nền kinh tế tránh được một cuộc suy thoái mạnh, qua đó củng cố hơn nữa cho nhu cầu sử dụng dầu thô thời gian tới.
Theo IEA, xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 12/2022 đã giảm trung bình 200.000 thùng/ngày so với hồi tháng 11/2022 sau khi EU cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ đầu tháng 12 và các quốc gia thuộc khối G7 áp đặt trần giá đối với dầu thô từ Nga.
IEA cho biết có “mức độ không chắc chắn cao” về triển vọng giá dầu thô trong thời gian tới trong bối cảnh còn nhiều ẩn số chi phối diễn giá giá mặt hàng năng lượng này. Trong năm 2022, giá dầu thô Brent đã tăng lên tới 139 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 14 năm, vào đầu tháng 3 khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine leo thang. Giá dầu thô sau đó sụt giảm mạnh khi nhiều quốc gia xả bán kho dự trữ dầu thô chiến lược cũng như thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, giá dầu thô bắt đầu phục hồi trở lại trong những tuần gần đây.