Sáng ngày 27/5/2025, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) - eComDX phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tập huấn “Tăng cường kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và chiến lược livestream hiệu quả”.
Hội nghị nhằm trang bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tại Gia Lai kiến thức, kỹ năng về phát triển thương hiệu cá nhân qua nền tảng TikTok và cải thiện kỹ năng livestream. Bên cạnh đó, mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm Gia Lai tiếp cận khách hàng tiềm năng qua các nền tảng thương mại điện tử.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, chỉ số thương mại điện tử cấp tỉnh (EBI) của Gia Lai năm 2025 đã tăng 9 bậc so với năm 2024, vươn lên xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bà Đào Thị Thu Nguyệt cũng chia sẻ, chuyển đổi số và thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực mới đối với nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là ở các khu vực miền núi và vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, việc tổ chức chương trình tập huấn là hết sức cần thiết, nhằm trang bị cho các doanh nghiệp và cá nhân tại địa phương những kỹ năng thực tiễn về livestream và kinh doanh online, giúp họ nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Chương trình không chỉ giúp các học viên nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến mà còn mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm Gia Lai tiếp cận khách hàng tiềm năng qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là Livestream và TikTok
Chương trình tập huấn chú trọng vào việc xây dựng nền tảng nội dung video, chiến lược livestream và các kỹ thuật để tạo ra video ngắn thu hút, lồng ghép thông điệp bán hàng một cách tự nhiên, gần gũi, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả hơn với khách hàng.
Chuyên đề đầu tiên của buổi tập huấn giới thiệu về những kiến thức quan trọng về chuẩn bị nền tảng nội dung và video phục vụ cho livestream. Các học viên được hướng dẫn cách xây dựng kịch bản livestream hợp lý, cách chọn lựa không gian và thiết bị phù hợp để mang lại chất lượng video tốt nhất. Chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc phân tích hành vi người xem sẽ giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược của mình để thu hút sự chú ý và giữ chân khách hàng lâu dài.
Chuyên đề thứ hai tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng TikTok. Các chuyên gia chia sẻ về cách định hình phong cách cá nhân, giọng nói, hình ảnh và nội dung nhất quán, qua đó tạo dựng sự tin tưởng và thu hút người theo dõi. Các học viên được hướng dẫn cách tối ưu hồ sơ cá nhân để tăng độ tin cậy, đồng thời sử dụng thương hiệu cá nhân để hỗ trợ hoạt động livestream.
Chuyên đề thứ ba bàn về việc xây dựng video ngắn và cách tạo ra chuyển đổi bán hàng hiệu quả. Các học viên đã được học cách cấu trúc nội dung video ngắn sao cho vừa sáng tạo, vừa có khả năng thúc đẩy hành động của khách hàng, đồng thời biết cách lồng ghép thông điệp bán hàng vào trong video để tăng tỷ lệ chốt đơn. Các kỹ thuật để kết nối video ngắn với phiên livestream cũng được chia sẻ, nhằm tối ưu hóa tương tác và thu hút người xem.
Ngoài các phần lý thuyết, các học viên được tham gia vào các buổi trao đổi và thảo luận. Tại phiên này, đại diện các đơn vị đã chia sẻ những khó khăn, những giải pháp thực tế đang áp dụng trong kinh doanh.
Trong thời gian tới, eComDX sẽ thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo đa dạng nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thiện các kỹ năng cần thiết trong thương mại điện tử. Các khóa học này sẽ đặc biệt chú trọng vào những nội dung quan trọng như bán hàng hiệu quả qua livestream, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh, cùng với các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, góp phần kết nối sản phẩm địa phương với ngành du lịch trải nghiệm, thúc đẩy sự phát triển bền vững và phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử mạnh mẽ tại địa phương.