Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 cho biết, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới một cách triệt để về phương thức và nội dung. Hệ thống các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài (hệ thống Cơ quan thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại), các cơ quan đại diện ngoại giao hoạt động ngày càng hiệu quả trong việc hỗ trợ, cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài để sản phẩm Việt tiếp cận sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Đồng bộ giải pháp, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương phục hồi sau đại dịch
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2024.

Thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các đối tác quốc tế tổ chức các hội nghị cấp cao, triển lãm, hội chợ quốc tế; các diễn đàn xúc tiến xuất khẩu; các khóa tập huấn, đào tạo cung cấp thông tin; công tác giao ban giữa Bộ với các thương vụ ở nước ngoài với sự tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội… được xây dựng và duy trì đều đặn hàng tháng để cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu.

Gần 1.000 đề án xúc tiến thương mại với kinh phí hơn 800 tỷ đồng đã được các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan xúc tiến thương mại trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn, các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam; các thị trường mới, thị trường tiềm năng… hơn 30 bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực xúc tiến thương mại với các đối tác, cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài (Nga, Australia, Pháp, Trung Quốc, Slovenia, Malaysia,…) đã được ký kết nhằm tăng cường thiết lập quan hệ hợp tác song phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế hiệu quả.

Trong bối cảnh gia tăng xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số như nền tảng giao thương ảo, số hóa hồ sơ thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại dựa trên nền tảng số để dự đoán xu hướng thị trường, tích hợp blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu, xuất khẩu xanh… Theo đó, đã hỗ trợ gần 50.000 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp, tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương đạt trên 350 triệu USD; tổng giá trị hợp đồng phân phối, doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Đồng bộ giải pháp, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương phục hồi sau đại dịch
Giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam xếp hạng 32 toàn cầu năm 2024, tăng 5 bậc so với hạng 37 năm 2020, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Thái Lan)

Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, ngành hàng, sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được chú trọng, góp phần khẳng định vị thế hàng hóa trên thị trường toàn cầu.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã công nhận khoảng 1.000 sản phẩm của gần 500 doanh nghiệp là sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế quy mô lớn ở trong nước và nước ngoài (như Triển lãm Thế giới Expo 2020 Dubai, Expo 2025 Osaka; Triển lãm Vietnam Foodexpo; Hội chợ Vietnam Expo,…); truyền thông, quảng bá các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý Việt Nam (gạo, hạt điều, hạt tiêu, dừa, trà, xoài, cà phê) tại các sự kiện xúc tiến thương mại, kinh tế, ngoại giao và văn hóa chính trị thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức và quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế…

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển, tăng cường nhận diện Thương hiệu Quốc gia, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước và nước ngoài. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam xếp hạng 32 toàn cầu năm 2024, tăng 5 bậc so với hạng 37 năm 2020, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Thái Lan). Việt Nam cũng khẳng định được vị trí cạnh tranh về thương hiệu xuất khẩu đối với nhiều ngành hàng, mặt hàng như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…