BTV Huyền My: Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình Góc nhìn chuyên gia của Tạp chí Công Thương. Tôi là Huyền My, sẽ đồng hành cùng quý vị và các bạn trong Chương trình Tọa đàm hôm nay.

hình ảnh tọa đàm về thực hiện trách nhiệm mở rộng
Tọa đàm “Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực công nghiệp”do Tạp chí Công Thương tổ chức vào sáng Thứ Sáu ngày 27 tháng 6 năm 2025.

Triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường phổ biến trên thế giới đã được thực hành ở nhiều quốc gia và được đánh giá là công cụ rất hiệu quả trong quản lý rác thải.

Theo các chuyên gia, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Việc thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Đây vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức bởi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai và thực thi một cách thông suốt và hiệu quả.

Những vấn đề này sẽ được chia sẻ sâu sắc và đa dạng hơn tại Tọa đàm của Tạp chí Công Thương với chủ đề “Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Gia tăng hiệu quả bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp"

Tới dự buổi Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời. Xin trân trọng giới thiệu:
- Ông Nguyễn Thành Yên - Phó trưởng phòng chính sách pháp chế, Cục môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường
- Ông Phạm Sinh Thành – Chuyên viên chính - Phòng Môi trường Công Thương - Cục kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương
- TS. Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển - Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Xin cảm ơn các vị khách mời đã đến với Tọa đàm của Tạp chí Công Thương ngày hôm nay. Và trước khi bắt đầu Tọa đàm, xin mời quý vị cùng theo dõi một phóng sự do Tạp chí Công Thương tổng hợp.

BTV Huyền My: Trở lại với trường quay của Tạp chí Công Thương thì câu hỏi đầu tiên tôi xin được gửi tới ông Nguyễn Thành Yên; Thưa ông, xu hướng phát triển bền vững hiện nay, đặc biệt là bối cảnh nước ta đang quyết liệt thực hiện hóa các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, giảm phát thải thì có tác động như thế nào tới thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nói riêng?

Ông Nguyễn Thành Yên Phó Trưởng phòng Pháp chế Cục Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường:

tòa đàm thực hiện
Khách mời Nguyễn Thành Yên, Phó Trưởng phòng Pháp chế Cục Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Hiện nay phát triển bền vững không còn chỉ là một khẩu hiệu mà đã trở thành một chiến lược cốt lõi trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn ESG, môi trường xã hội, quản trị cũng đang được lồng ghép vào chiến lược kinh doanh để đáp ứng yêu cầu của thị trường, của nhà đầu tư và những người tiêu dùng. Điều này khiến doanh nghiệp phải chủ động thực hiện EPR (tên viết tắt tiếng Anh của trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) như một trách nhiệm bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện nay. Đồng thời, đây cũng là một cam kết lâu dài cho việc phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và Quốc gia nói chung. Ngoài ra, việc thực hiện EPR giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn xanh, ổn định và nâng cao uy tín thương hiệu trong nước cũng như quốc tế.

BTV Huyền My: Vâng, xin ông cho biết thêm, Việt Nam đang có những quy định như thế nào liên quan tới thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng?

Ông Nguyễn Thành Yên, Phó Trưởng phòng Pháp chế Cục Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Hiện nay về EPR Luật bảo vệ môi trường 2020 có các Điều 54 và 55, để cụ thể hóa Luật thì trước đây có Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 05/2025/NĐ-CP thì cũng đã quy định khá chi tiết về việc thực hiện EPR. Ở Việt Nam trong thuật ngữ và trong quy định của pháp luật thì mình gọi là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là thuật ngữ chung nhưng mà trong Luật thì cụ thể hóa là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải, hai mảng này được gọi chung là EPR.

Cụ thể hóa hơn thì có Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 05/2025/NĐ-CP và có Thông tư 02/2022 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 07/2025 và hiện nay Bộ Tài nguyên Môi trường đang xây dựng và đã đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ cũng như gửi các đơn vị, các hiệp hội, các Bộ, ngành, địa phương để xin ý kiến về một Nghị định riêng cho EPR. Nhân dịp Tọa đàm này cũng đề nghị các quý vị khán giả truy cập cổng thông tin của Bộ Tài nguyên Môi trường đóng góp ý kiến để Bộ sớm hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ.

BTV Huyền My: Xin cảm ơn ông! Như ông Nguyễn Thành Yên vừa chia sẻ thì hiện nay chúng ta có Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các nghị định chi tiết hóa các quy định liên quan đến thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Vậy thưa ông Phạm Sinh Thành, xin ông cho biết trong quá trình thực thi Luật bảo vệ môi trường thì ngành Công Thương đã và đang có những quy định hoặc chính sách cụ thể như thế nào để thúc đẩy hiệu quả các hoạt động tái chế chất thải, nâng cao quản lý hiệu quả chất thải và giảm ô nhiễm trong lĩnh vực sản xuất?

Ông Phạm Sinh Thành – Cục Kỹ Thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương:

Ông Thành
Khách mời Phạm Sinh Thành – Cục Kỹ Thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương

Trước khi mà Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và có hiệu lực thì tiếp cận về bảo vệ môi trường, vai trò của các bộ quản lý ngành như các Bộ: Công Thương, Xây dựng (trước đây) rồi Giao thông vận tải, Nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng.

Cách tiếp cận bảo vệ môi trường trước đây thì các bộ, ngành đóng vai trò là giảm phát thải tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò là quản lý môi trường ngoài hàng rào nhà máy là chủ yếu. Sau khi Luật bảo vệ môi trường 2020 ra đời và có hiệu lực thì vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được giao cho Chính phủ và Chính phủ thống nhất đầu mối giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cho nên liên quan đến câu hỏi về xây dựng chính sách, phải khẳng định luôn không chỉ riêng Bộ Công Thương mà các bộ quản lý ngành nói chung sẽ không làm chính sách về quản lý nhà nước nói chung và chính sách quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm, mà sẽ chủ yếu là thực thi chính sách. Ban hành chính sách sẽ là Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất và các bộ, ngành khác sẽ tham gia vào quá trình xây dựng chính sách mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao duy trì.

Về triển khai chính sách, thứ nhất Bộ Công Thương cũng tham gia vào quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về EPR, Nghị định 05/2025/NĐ-CP và hiện nay Bộ đang trong quá trình tham gia cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng nghị định riêng quy định về EPR.

Đấy là trong vấn đề về xây dựng chính sách thì Bộ Công Thương nói riêng và các bộ bây giờ là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp (nay đã hợp nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường) là thứ nhất tham gia vào xây dựng chính sách.

Thế nhưng mà thực thi chính sách Bộ Công thương làm rất lâu rồi và bây giờ vẫn đang tiếp tục thực thi.Thứ nhất để kiểm soát chất thải tại nguồn, Bộ Công Thương là đầu mối triển khai Chương trình sản xuất sạch hơn.

Trong ngành công nghiệp, sản xuất sạch hơn chính là đầu tiên tiếp cận về tuần hoàn tái sử dụng chất thải; Thứ hai chương trình sản xuất sạch hơn sau này mở rộng nữa, triển khai nữa dưới hình thức khác, tức là chương trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng. Đây cũng là một trong những chính sách để thúc đẩy kiểm soát ô nhiễm và tái sử dụng.

Triển khai chính sách, Bộ Công Thương cũng đã ban hành các quyết định triển khai các hỗ trợ tài chính, ngân sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có các chương trình như thế; có các hỗ trợ, các chương trình về truyền thông, phổ biến đến các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp, về các chính sách liên quan đến tái chế, tuần hoàn, kiểm soát chất thải.

BTV Huyền My: Thưa ông, cùng với những chính sách chung và các quy định riêng thì ngành công thương đang có những hoạt động cụ thể nào để nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo các quy định trong tái chế chất thải, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất?

Ông Phạm Sinh Thành – Cục Kỹ Thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương: Ở đây nếu lấy một ví dụ cụ thể nhất mà Bộ Công Thương được giao mà các quý vị có thể nhìn thấy rõ nhất chính là tái sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón mà trong những năm 2017, 2018 là một vấn đề thách thức vô cùng lớn.

Để cụ thể hóa được việc triển khai tái chế, tái sử dụng chất thải thì Bộ Công Thương khi đó đã tham mưu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành quy định nếu như tro xỉ của nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón mà được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy thì thành hàng hóa xây dựng. Đấy là nút thắt và chính sách cụ thể chính là sau đó Bộ Xây dựng đã ban hành quy định về sản phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng nếu như được chứng nhận là hợp chuẩn, hợp quy.

Và từ tham mưu này của Bộ Công thương thì sau này được cụ thể hóa ở Nghị định 08 là đối với các chất thải công nghiệp nói chung nếu như mà được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy thì khi đó trở thành hàng hóa của vật liệu, nguyên liệu chính là cơ sở pháp lý để thúc đẩy quá trình tái chế các vật tư tái chế đấy là nguồn nguyên liệu cho các hoạt động EPR.

EPR là một chính sách khác nhưng phải có cơ sở là chất thải được trở thành nguyên liệu. Ngoài ra, như tôi vừa nói Bộ Công Thương cũng có rất nhiều quyết định thực thi từ đó giúp hỗ trợ về tài chính, ngân sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể như chương trình về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây cũng là một trong những hình thức khác của thúc đẩy tái chế tuần hoàn và tái sử dụng chất thải.

BTV Huyền My: Vâng xin cảm ơn ông và chúng ta đến với đại diện của một lĩnh vực sản xuất cụ thể. Thưa ông Lương Trí Hiếu, hoạt động tái chế của ngành giấy hiện nay ra sao và là lĩnh vực có liên quan nhiều đến tái chế thì theo ông EPR mang đến những cơ hội như thế nào đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất giấy tái chế nói riêng?

Ông Lương Chí Hiếu – Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam:

ông Hiếu
Khách mời Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển - Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Ngành giấy là một trong những ngành sản xuất có tỷ lệ tái chế rất là cao. Hiện nay khoảng 75-80% lượng giấy sản xuất tại Việt Nam là giấy tái chế và làm từ các nguồn giấy thu hồi với tổng sản lượng hơn 6.000.000 tấn giấy tái chế hằng năm; trong đó khoảng 50% nhập khẩu, còn lại 50% từ nguồn giấy thu hồi trong nước.

Việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành giấy, đặc biệt là các doanh nghiệp tái chế giấy, cụ thể như: tăng cường hoạt động thu gom, tái chế và tiêu thụ sản phẩm từ nguyên liệu tái chế, qua đó thúc đẩy đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến, cụ thể là cải thiện công suất, năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đóng góp và tạo ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao.

Tôi lấy ví dụ cụ thể trước đây doanh nghiệp hội viên của chúng tôi có công suất chỉ khoảng 2000 - 5000 đến 10.000 tấn giấy/năm, nhưng hiện nay công suất của nhiều doanh nghiệp hội viên đã lên đến trên 100.000 tấn giấy/năm.

Thứ hai là EPR tạo ra chuỗi giá trị bền vững, kết nối bên trong hệ sinh thái, từ việc thu gom, phân loại, xử lý và tái chế. Tôi lấy ví dụ như các sản phẩm khi sử dụng xong thì chúng ta phải thu gom, phân loại và tái chế, trong đó có sản phẩm giấy. Trong sản phẩm giấy thu hồi chúng tôi cũng được phân ra nhiều loại cụ thể như là giấy tạp chí cũ (OMG), giấy báo cũ (ONP), giấy văn phòng (OCC) đã qua sử dụng, giấy hỗn hợp Mixed Paper và đồng thời có một lượng lớn là thùng hộp carton cũ (OCC) rất cần cho lĩnh vực thương mại và thương mại điện tử.

Do mỗi cái loại giấy có tính chất và ứng dụng khác nhau nên là khi mà chúng tôi thu gom và phân loại thì phải rất cụ thể mới đạt được cái hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như là chất lượng sản phẩm. Ngoài ra EPR còn giúp nâng cao cho hình ảnh cho doanh nghiệp là những doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc đồng hành cùng phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời thì EPR cũng làm gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào các thị trường quốc tế, những thị trường mà có yêu cầu cao về môi trường, ví dụ như Châu Âu hay Bắc Mỹ.
Tuy nhiên cơ hội để phát huy tối đa những chính sách của EPR cũng cần phải có sự đồng hành của Nhà nước, của Chính phủ, của các bộ, ngành và cần một khung pháp lý rõ ràng.

BTV Huyền My: Thưa ông, ông có thể chia sẻ thêm về việc là thời gian qua thì các doanh nghiệp ngành giấy đã có hành động như thế nào để nhằm thực hiện tái chế, hướng tới kinh tế tuần hoàn cũng như là các giải pháp để thực hiện EPA và kết quả của các hoạt động đó đối với sản xuất cũng như là mở rộng thị trường ra sao, thưa ông?

Ông Lương Chí Hiếu – Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam: Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành giấy đã thể hiện những quyết tâm rất là mạnh mẽ trong việc chuyển dịch mô hình để hướng tới sản xuất xanh, tuần hoàn và thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường được coi là nền tảng để phát triển dài hạn.
Một số hành động cụ thể của các doanh nghiệp ngành giấy chúng tôi như là chúng tôi đầu tư các dây chuyền tái chế hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.

Tôi lấy ví dụ như trước đây để sản xuất ra một tấn giấy phải tiêu hao từ 15 - 20 m3 nước, nhưng hiện nay sau khi chúng tôi đã nâng cấp công nghệ, đầu tư các dây chuyền hiện đại thì lượng nước cần chỉ là 3 - 4 m3 trên một tấn sản phẩm và tiêu hao năng lượng cũng giảm nhiều đến 20 - 30%.Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn trong ngành giấy đã tham gia Liên minh tái chế bao bì (PRO Việt Nam) và để cùng thực hiện trách nhiệm thu gom cũng như tái chế bao bì sau khi sử dụng.

Đồng thời thì chúng tôi cũng áp dụng nhiều mô hình sản xuất sạch hơn, kiểm soát tốt chất lượng nước thải, khí thải và đẩy mạnh các hoạt động thu gom giấy đã qua sử dụng trong nước và tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này như là nguồn nguyên liệu thứ cấp rất thiết yếu cho ngành chúng tôi. Những hành động trên, những cái triển khai trên thì đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, đó là chúng tôi đã tăng được khả năng cạnh tranh, nhất là các sản phẩm có yếu tố xanh. Điển hình rất nhiều các khách hàng ở nước ngoài rất mong muốn có được những sản phẩm xanh từ chúng tôi.

Thứ hai, chúng tôi đã mở rộng thêm được các thị trường quốc tế khi mà có những sản phẩm thân thiện môi trường các sản phẩm xanh như vậy. Thứ ba, chúng tôi cũng đã ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn giá cả thị trường biến động thì nguồn nguyên liệu nội địa rất quan trọng.

BTV Huyền My: Xin cảm ơn ông và trở lại với ông Nguyễn Thành Yên, thưa ông, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì việc thực thi các quy định liên quan tới trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sẽ đem lại những cơ hội như thế nào đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp?

Ông Nguyễn Thành Yên, Phó Trưởng phòng Pháp chế Cục Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Với việc thực hiện EPR thì doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh, tín dụng xanh và các ưu đãi chính sách của quốc tế cũng như là của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam chúng ta đang hơi chậm chân một chút trong cuộc đua đối với tín dụng xanh sau Malaysia và Thái Lan, họ làm trước rồi. Nhưng tuy nhiên vẫn còn cơ hội trong việc thực hiện EPR này bởi việc thực hiện EPR cũng là một tiêu chí rất lớn, và các tổ chức tín dụng quốc tế họ rất ưu tiên các doanh nghiệp có chiến lược môi trường rõ ràng và đặc biệt phải có hồ sơ về ESG, môi trường xã hội và quản trị thì đây là một điểm rất quan trọng.

Ngoài lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp thì việc cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam thực hiện EPR sẽ giúp xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia sản xuất có trách nhiệm. Đây chính là lợi ích chung mà các cơ quan quản lý nhà nước như chúng tôi rất muốn định hướng như vậy.

hình ảnh tọa đàm

BTV Huyền My: Theo ông thì các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu và thực thi trách nhiệm này hay chưa và đâu là điểm nghẽn khiến cho quá trình thực hiện chưa đồng bộ và phổ biến rộng rãi các doanh nghiệp hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó trưởng phòng chính sách pháp chế, Cục môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Thực ra EPR thì cũng có 15 năm tuổi đời ở Việt Nam từ năm 2013 với quyết định của Thủ tướng Chính phủ như anh Thành - Bộ Công Thương đã nói việc chuẩn bị này đã thực hiện rất lâu rồi nhưng trước đây là trên nền tảng tự nguyện và từ khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì trở thành bắt buộc. Do vậy đương nhiên doanh nghiệp càng phải chuẩn bị rồi. Tuy nhiên, lộ trình hơi nhanh dẫn đến việc doanh nghiệp cũng còn đang loay hoay để tìm được cái phương án để tự thực hiện cái trách nhiệm mở rộng này.

Bên cạnh đó thì họ lại có một lựa chọn đơn giản hơn, đấy là nếu mà trường hợp chưa thực hiện được thì họ đóng tiền cho Quỹ bảo vệ môi trường. Đó cũng là một điểm làm cho doanh nghiệp người ta cũng chưa quyết tâm tự thực hiện EPR một cách quyết liệt.

Chúng tôi cũng đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để thêm một phương án thứ ba, có nghĩa là doanh nghiệp có thể vừa thực hiện EPR vừa đóng tiền thì mới có lộ trình dần dần, chứ bây giờ ốp luôn phải thực hiện EPR với một tỷ lệ tái chế bắt buộc như thế trong một thời gian ngắn như vậy thì doanh nghiệp mà người ta sợ rủi ro, đặc biệt bị sợ xử phạt, mất hình ảnh thì đương nhiên họ sẽ chọn phương án đóng tiền. Bởi vì rõ ràng làm EPR ở đấy hình ảnh mà bây giờ lại làm EPR lại mất hình ảnh thì không doanh nghiệp nào dám làm.

Tuy nhiên thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp họ rất sẵn sàng như hôm trước tại hội thảo phổ biến Nghị định EPR mới thì bên Total Energies nói luôn họ sẵn sàng chuẩn bị hai tỷ đồng để chịu phạt, nếu mà họ không thực hiện cam kết được sẵn sàng chịu phạt đấy. Cho thấy rằng có những doanh nghiệp e ngại nhưng mà cũng nhiều doanh nghiệp cũng rất quyết liệt và rất tự tin trong việc thực hiện EPR như vậy. Chúng ta cũng nên phấn khởi tin rằng dù điểm nghẽn thế nào thì cũng có thể khai thông, nhất là trong giai đoạn hiện nay không bàn lùi, chỉ bàn làm, thậm chí bây giờ không bàn, chỉ làm thôi.

BTV Huyền My: Xin cảm ơn ông và có thể thấy là quá trình triển khai các chính sách bảo vệ môi trường như là EPR hiện nay thì cũng có những thuận lợi, khó khăn. Vậy thì thưa ông Lương Trí Hiếu, những thuận lợi, khó khăn này là như thế nào và những thuận lợi, khó khăn này sẽ ảnh hưởng ra sao tới các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và ngành giấy nói riêng, thưa ông?

Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển - Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam: EPR đã được quy định rất rõ và chính là thuận lợi. Cụ thể, cơ chế EPR được quy định trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như các diễn giả cũng đã trao đổi và hai Nghị định, Nghị định 08/2022 và gần đây là Nghị định sửa đổi Nghị định 08 là Nghị định 05/2025.

Thứ hai một thuận lợi nữa chính là nhận thức về trách nhiệm về môi trường của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhân sự cấp cao cũng như cấp trung của các doanh nghiệp đều đã nắm được và có ý thức rất tốt.

Ngành giấy cũng không nằm ngoài những ngoại tệ này. Tuy nhiên để triển khai EPR thì chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể đó là chi phí ký quỹ bảo vệ môi trường khi mà nhập khẩu nguyên liệu thu hồi về làm nguyên liệu sản xuất. Cụ thể nếu như theo quy định của Nghị định 08, nếu nhập khẩu dưới 100 tấn thì ký quỹ 15% từ 100 - 500 tấn là ký quỹ 18%, trên 500 tấn là ký quỹ 20%. Chúng tôi nghĩ rằng đây là tỉ lệ ký quỹ quá cao và gây áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp. Bởi vì từ trước ngay Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng chưa nhận được một phản ánh hay một thông tin nào là đã có doanh nghiệp vi phạm trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Vậy thì có cần thiết để mức ký quỹ cao như vậy hay không?

Thứ hai là hạn mức nhập khẩu nguyên liệu bị chia đều theo từng năm và không linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Như anh chị biết đã làm doanh nghiệp thì phải tận dụng những lúc giá cả tốt để tranh thủ nhập vào phục vụ sản xuất.Tuy nhiên nếu như mà quota trong một năm đã cố định rồi thì không thể nhập thêm được nữa, chúng tôi cũng nghĩ đây cũng là khó khăn thách thức của chúng tôi.Thứ ba là hệ thống thu gom nội địa còn chưa chuyên nghiệp và manh mún, thiếu chính sách hỗ trợ cho người thu gom.

Từ những khó khăn này, chúng tôi cũng có một số đề xuất liên quan để tháo gỡ những khó khăn. Thứ nhất, thay vì mức ký quỹ 15 - 18 - 20% thì chúng tôi đề xuất nên giảm mức ký quỹ xuống 5% đối với doanh nghiệp không vi phạm. Còn nếu mà doanh nghiệp nào vi phạm thì có các chế tài nặng hơn, có thể là thu giấy phép hay cấm nhập khẩu...Thứ hai, cũng cần phải linh hoạt cho doanh nghiệp linh hoạt tỷ lệ là cộng trừ khoảng 20% hạn mức nhập khẩu (phế liệu sản xuất) trong một năm.

Thứ ba, cho doanh nghiệp nộp thuế thay cho người thu mua và người bán nhỏ lẻ giấy phế liệu, cụ thể là 1% thuế VAT và 0,5% thuế thu nhập doanh nghiệp và khoản tiền thuế này thì doanh nghiệp nộp thay và tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp hoặc là cơ quan chức năng nghiên cứu, thí điểm để tăng giá trị bảng kê có thể lên đến khoảng 1 tỷ đồng/người/năm thì mới đáp ứng được. Còn trường hợp doanh nghiệp thương mại mà mua bán nguyên liệu thu hồi mà làm sai phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.Chúng tôi cũng có một số đề xuất như vậy.

hình ảnh tọa đàm

 

BTV Huyền My: Xin cảm ơn ông và về phía Bộ Công thương thì thưa ông Phạm Sinh Thành, ông có thể chia sẻ là hiện nay việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung và một số lĩnh vực hoạt động công nghiệp do ngành Công Thương quản lý nói riêng thì là như thế nào ạ, thưa ông?

Ông Phạm Sinh Thành – Cục kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương: Thực ra trách nhiệm mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất như anh Yên vừa đề cập đã có từ Luật bảo vệ môi trường 2005 và quyết định đầu tiên về EPR là Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Quy định này đánh dấu về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất.

Ở giai đoạn đó thì việc thực thi khó bởi vì lúc đó như tôi cũng đề cập lúc đó phần lớn các quy định về quản lý chất thải để vận chuyển được các cái sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc là thu hồi sản phẩm thải bỏ, chất thải thì phải có các đơn vị có chức năng vận chuyển và lại là một mâu thuẫn giữa quản lý chất thải và vận chuyển, quản lý hàng hóa.

Đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 như anh Yên cũng đề cập bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện EPR. Chính chữ bắt buộc chúng tôi mới đánh giá rằng đã là quy định của pháp luật thì bắt buộc phải thực hiện và các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc. Đó là đánh giá của tôi.

Về quan điểm này tôi đánh giá về EPR tức là trách nhiệm của nhà sản xuất, thì tất cả các doanh nghiệp ngay khi có hiệu lực họ đều thực hiện hết, kể cả việc đóng tiền. Đấy là thực hiện trách nhiệm bằng hình thức đóng tiền chứ không phải là phải tái chế đúng không ạ? Tức là luật pháp quy định cho phép người ta thực hiện trách nhiệm mở rộng của họ dưới ba hình thức.

Hình thứ nhất thứ nhất là họ tự tái chế; Hình thức thứ hai là thuê một đơn vị mà có chức năng tái chế để tái chế; Hình thức thứ ba là đóng tiền vào quỹ thì rõ ràng là vừa rồi khi năm 2024, khi có hiệu lực về EPR là các doanh nghiệp người ta thực hiện luôn, tức là xét về góc độ là các doanh nghiệp mà phải thực hiện nghĩa vụ tái chế theo EPR thì tôi đánh giá các doanh nghiệp làm một cách nghiêm túc, bởi vì người ta không bao giờ vi phạm pháp luật khi mà người ta đã đóng tiền đấy, đấy là thứ nhất.

Nhưng đối với các doanh nghiệp mà được hưởng hỗ trợ để làm quá trình tái chế có hai mảng.
Ví dụ như là các doanh nghiệp tái chế giấy của Hiệp hội giấy và Bột giấy Việt Nam chẳng hạn mong muốn được hưởng các chính sách hỗ trợ từ quỹ EPR đó; hiện nay các doanh nghiệp đó chưa được hưởng vì quy chế chi tiêu của ngân quỹ mà đóng vào EPR chưa có.

Còn để đánh giá các doanh nghiệp người ta triển khai như thế nào thì có hai mảng: Thứ nhất là đối với các doanh nghiệp phải tái chế thực hiện nghĩa vụ tái chế, trách nhiệm mở rộng thì người ta thực hiện rồi. Còn mảng thứ hai là ban hành chính sách này ra để giúp thúc đẩy hoạt động tái chế, tức là đối với các doanh nghiệp hoạt động tái chế như giấy này nhựa này mà người ta được hỗ trợ từ ngân sách đấy thì hiện nay quỹ EPR thu tiền rồi nhưng bây giờ đang chưa có cơ chế quy định để chi tiêu. Chính vì thế nên đang dự thảo nghị định để có thể tháo gỡ các vướng mắc này như anh Yên cũng vừa đề cập.

BTV Huyền My: Được biết là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường của ngành Công Thương là thúc đẩy tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường và sử dụng hiệu quả các tài nguyên.Vậy thì để triển khai các chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp thì theo ông những hạn chế nào cần được tháo gỡ để đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế nói riêng cũng như là thúc đẩy các doanh nghiệp đảm bảo các quy định trong tái chế chất thải, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nói chung?

Ông Phạm Sinh Thành – Cục kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương: Rõ ràng trong hoạt động sản xuất công nghiệp, một số những ngành, lĩnh vực nếu như không có tái chế thì không thể tồn tại được. Điển hình như giấy, sản xuất thép, luyện kim, plastic cũng thế, không thể có sản xuất từ nguyên liệu nguyên sinh được.

Khi có những chính sách tái chế ban hành ra thì có những lĩnh vực nữa, ví dụ như là đồ uống như coca-cola, pepsi, các lĩnh vực may mặc người ta cũng tham gia với chính sách bắt buộc trong nguyên liệu phải sử dụng một phần nào đó là nguyên liệu tái chế, ví dụ như vỏ lon hoặc vỏ chai nhựa phải sử dụng một phần nào đó tỷ lệ tái chế.

Vậy khó khăn nhất mà theo tôi quan sát và nghĩ rằng sẽ phải tháo gỡ. Đầu tiên chính là giống như bà con nông dân nhà mình muốn bán một quả sầu riêng có giá giá trị cao thì phải có vết, tức là phải có hồ sơ.

Thế thì rõ ràng bây giờ để chứng minh được rằng trong phần vỏ chai, vỏ lon này của tôi có bao nhiêu phần trăm là nguyên liệu tái chế thì phải có hồ sơ của nguyên liệu tái chế đấy và đầu tiên phải có đơn vị chứng nhận là nguyên liệu của chúng tôi được thu hồi. Đầu tiên là có tổ chức chứng nhận hợp chuẩn hợp quy rồi thì phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đánh giá, như tôi đề cập đến ở trên, ví dụ như là tro xỉ của nhà máy nhiệt điện. Nếu như không các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng khi đó ban hành ra là phải như thế này thì cho xỉ mới trở thành nguyên liệu được (tức là thiếu các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn). Hai yếu tố đấy sẽ xúc tiến việc có tính pháp lý. Một điểm nữa là muốn xúc tiến được hoạt động tái chế thì phải có giao thương, tức là phải giải phóng được địa vị pháp lý của chất thải. Bây giờ chất thải mà được chứng nhận hợp chuẩn hợp quy ở trong Nghị định 08 thì được trở thành hàng hóa rồi thì bây giờ phải làm sao đấy để giải phóng được vấn đề pháp lý của chất thải đó để người ta giao dịch được.

Kế nữa đã như thế rồi thì mức độ giao thương như thế nào. Ví dụ như ngành giấy bây giờ là được phép nhập khẩu 100%, nhưng ví dụ như plastic đến hiện nay không được phép nhập khẩu để sản xuất ra hạt nhựa, mà chỉ được nhập khẩu để sản xuất ra sản phẩm cụ thể, đấy là những điểm phải có cho giao thương. Một trong hoạt động gọi là xúc tiến về tái chế, thúc đẩy được hoạt động tái chế tăng lên (mà không phải phải đóng tiền) bởi vì đóng tiền vào thì người ta thực hiện xong rồi mà lượng gọi là chất thải mà có thể tái chế được vẫn cứ nằm đấy.

Tôi thiên về khía cạnh quy định bắt buộc trách nhiệm rồi thì phải thực hiện trách nhiệm là tái chế chứ không phải là thực hiện trách nhiệm bằng cách đóng tiền và khối lượng tái chế vẫn còn nằm đấy.

Đấy là những điểm cần thay đổi chính sách, chủ quan tôi đề xuất như thế. Ngoài ra một điểm bao giờ cũng cần phải tháo gỡ từ đầu, chính là công tác của chúng ta ngày hôm nay, bởi vì “tư tưởng mà không thông thì vác bình tông không nổi”, thế cho nên chúng ta phải làm các phổ biến, tuyên truyền rồi các hoạt động làm sao đấy để tất cả mọi người đều hiểu về mục đích, ý nghĩa và cách thức thực hiện thì từ đó họ sẽ thực hiện chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất cũng như kiểm soát, tái chế, tái sử dụng chất thải một cách hiệu quả.

hình ảnh tọa đàm

 

BTV Huyền My:Có thể thấy là tái chế chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên đang là xu thế diễn ra trên thế giới trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên. Đây cũng là những định hướng trong công tác bảo vệ môi trường của các ngành. Vậy thì thưa ông Nguyễn Thành Yên, Theo ông, xu hướng này hoặc các mô hình, phương thức tiêu biểu trong đẩy mạnh tái chế, giảm thiểu chất thải hiện nay trên thế giới sẽ tác động như thế nào tới các doanh nghiệp sản xuất trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó trưởng phòng chính sách pháp chế, Cục môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Áp lực phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo xu hướng tăng cường tái chế, tuần hoàn tài nguyên, giảm thiểu tài nguyên bây giờ thì sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải thay đổi về thiết kế để làm sao các sản phẩm về sau dễ tái chế; tăng cường sử dụng các nguyên liệu tái chế trong sản xuất, tiến tới xây dựng mô hình kinh tế cần hoàn.

Việc này ban đầu sẽ tăng chi phí ban đầu nhưng mà lâu dài lại rất bền vững. Việc thực hiện trách nhiệm giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí lâu dài, chưa kể giảm các chi phí để xử lý môi trường. Việc này cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội để phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, thúc đẩy chuỗi cung ứng công nghệ sản xuất sạch hơn… Nói chung cũng có rất nhiều tác động thường rất tích cực, nếu doanh nghiệp mà thực hiện một cách bền vững, lâu dài thì hiệu quả rất cao.

BTV Huyền My: Xin cảm ơn ông. vậy thì thưa ông Lương Trí Hiếu, với doanh nghiệp ngành giấy trong bối cảnh mới thì doanh nghiệp có nên có giải pháp gì để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực tái chế giấy?

Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển - Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam: Như tôi cũng đã trao đổi ở trước thì những khó khăn đó thì doanh nghiệp cũng có một số giải pháp. Về phía doanh nghiệp đó là doanh nghiệp phải tự rà soát để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng nên tham gia vào những liên minh EPR trong các lĩnh vực rộng hoặc trong ngành, với ngành giấy là có EPR trong ngành giấy và cần phải xây dựng được hệ thống thu gom, phân loại và tái chế một cách hiệu quả; nữa là giải pháp của doanh nghiệp, đó là đầu tư vào số hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, AI để nâng cao năng lực trong điều hành, quản lý, trong sản xuất, minh bạch việc truy xuất nguồn gốc, việc nhập khẩu nguyên liệu, tăng niềm tin cho khách hàng và đối tác.

Đây là một số giải pháp và ngoài những giải pháp như tôi đã nêu ở trên thì tôi cũng xin nhắc lại một số giải pháp kiến nghị cần thiết, đó là đề xuất về việc giảm ký quỹ, linh hoạt trong quy định số lượng nhập khẩu trong từng năm và đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu phần bảng kê hay hóa đơn của những hoạt động thu gom nhỏ lẻ giấy phế liệu.

BTV Huyền My: Để thực hiện được những giải pháp như ông vừa nêu thì chúng ta cần trợ lực như thế nào từ các bên liên quan để thúc đẩy thực thi EPR nói chung và các hoạt động tái chế nói riêng?

Lương Chí Hiếu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển - Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam: Chúng tôi cũng rất cần những trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan như là hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, dễ thực thi, cụ thể như các chính sách về tín dụng xanh, rồi những ưu đãi về thuế cho những các đối tượng hoặc doanh nghiệp liên quan đến tái chế tích cực, làm đúng trong tái chế và những người thu gom nhỏ lẻ.

Ngoài ra Nhà nước cũng nên chú trọng hơn về truyền thông, đào tạo để nâng cao nhận thức, từ người dân, những người thu gom đến người sản xuất và cũng như ngay từ khâu thiết kế sản phẩm cũng rất cần. Một cái nữa là cần có một cái cơ chế hợp tác tư - công (PPP) trong xây dựng hạ tầng tái chế một cách hiện đại, chúng ta có thể tham khảo một số các nước tiên tiến, chúng ta đi sau nên lợi thế của chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ họ.

BTV Huyền My: Từ đầu tọa đàm đến giờ thì chúng ta nói rất nhiều đến những khó khăn và hạn chế. Vậy thì thưa ông Nguyễn Thành Yên, để giải quyết được những khó khăn, hạn chế như chúng ta đã nêu cũng như là để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định liên quan đến EPR, tiết kiệm tài nguyên và giảm gánh nặng cho môi trường thì ông có khuyến nghị như thế nào tới các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng như là các địa phương?

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó trưởng phòng chính sách pháp chế, Cục môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Để thúc đẩy hoạt động trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR giải quyết vướng mắc, khó khăn thì những biện pháp cứng giống như là anh Hiếu đã nói là tuyên truyền, giải thích, giám sát chặt chẽ, thậm chí áp dụng chế tài cần nghiêm minh. Theo tôi lĩnh vực EPR là một đặc thù riêng của Việt Nam. Thế nên khi áp dụng ở Việt Nam chúng ta cần phải hiểu mô hình quản lý chất thải của Việt Nam và phải kết hợp với tận dụng nó.

Hiện nay thì theo quy định pháp luật tại Nghị định 08, Nghị định 05 thì những người thu gom nhỏ lẻ (gọi là khối thu gom không chính thức hay chúng ta gọi nôm na là đồng nát) hiện nay không cần phải cấp giấy phép. Lo ngại anh Thành lúc nãy nói đã được giải quyết rồi và những đơn vị mà người ta sau khi thu gom sẽ đóng vai trò đại diện cho các chủ thể thải chất thải và các chứng từ chính thức theo quy định pháp luật sẽ là từ người, tổ chức cá nhân đứng ra thu gom từ các hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan. Còn đương nhiên là chất thải từ doanh nghiệp thì là phải có giấy phép rồi, nhưng mà đây là của khối hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan thường là lượng rất nhỏ thì phải để cho những đơn vị, tổ chức, cá nhân thu gom nhỏ lẻ đó họ thu gom về, họ sẽ thay mặt các chủ thể thải chất thải kia để đăng ký chủ thể thải chất thải và xuất chứng từ chất thải cho nhà, các đơn vị thu gom và tái chế. Đây là thuận lợi hiện nay chúng tôi đã tháo gỡ được.

Đối với cả khối không chính thức còn một khó khăn hiện nay là việc tìm đến nhau. Bởi vì một nhà sản xuất hay nhập khẩu để tự xây dựng một cơ sở tái chế hay là một hệ thống thu gom riêng của họ rất khó.Thế nên là phải hợp tác. Ví dụ như là các tổ chức người ta gọi là PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam) là tổ chức, đơn vị tổ chức trách nhiệm của nhà sản xuất nhập khẩu thì họ cũng giống như một liên minh sẽ kết nối từ các nhà sản xuất nhập khẩu với nhau, cùng một mặt hàng, kết nối với những nhà, đơn vị thu gom, vận chuyển kết nối đơn vị tái chế để tạo thành mạng lưới. Như vậy để họ gặp gỡ kết nối với nhau. Kể cả giữa các cơ quan quản lý chúng tôi thì cũng phải quan tâm, cần thiết là chúng tôi đăng tải trên cổng thông tin EPR . Hiện trên trang đã đăng tải các đơn vị tái chế, các đơn vị làm công tác tổ chức tái chế để cho các chủ nhà xuất nhập khẩu tìm đến.

Tuy nhiên, có một hiểu nhầm hiện nay là các doanh nghiệp, nhà sản xuất nhập khẩu thì lại nghĩ rằng là chỉ những đơn vị tái chế hay đơn vị PRO mà được đăng trên cổng thông tin EPR của Bộ thì mới là đủ điều kiện tái chế. Điều này là không phải, vì theo quy định tất cả đơn vị được cấp giấy phép môi trường có chức năng phù hợp (cấp bởi Trung ương hay địa phương) đều có tư cách như nhau để tham gia EPR và đơn vị nào có nhu cầu được đăng tải, có nghĩa được thông tin một cách rộng rãi trên cổng thông tin của Bộ thì cứ gửi lên là chúng tôi đăng thôi, đơn giản là vậy thôi chứ không phải là người được đăng thì khác với người không được đăng. Đấy là một hiểu nhầm, thông qua diễn đàn hôm nay tôi cũng muốn để cho các doanh nghiệp nắm bắt rõ là không phải chỉ có danh sách mấy mấy chục đơn vị trên cổng thông tin EPR đâu mà bất cứ đơn vị nào có giấy phép, có chức năng phù hợp là ký kết để hợp tác bình thường.

Hiện nay chúng tôi hướng vấn đề giải quyết lâu dài là sẽ phải khuyến khích làm sao để doanh nghiệp thực hiện tái chế thay vì đóng tiền, dần dần đóng ít tiền đi và tương lai là sẽ phải thay hình thức khác, chẳng hạn như là ký quỹ thôi, ký quỹ vào quỹ bảo vệ môi trường. Khi doanh nghiệp thực hiện tới đâu thì chúng tôi giải ngân lại cho doanh nghiệp chứ nhà nước sẽ tiến tới không làm thay. Mô hình hiện nay là nhà nước nhận tiền, nếu mà các doanh nghiệp không tự làm nước sẽ đứng ra tổ chức để làm hộ thì như vậy mô hình này sẽ cũng không bền vững.

BTV Huyền My: Câu hỏi cuối cùng tôi xin được gửi tới ông Phạm Sinh Thành. Theo ông thì doanh nghiệp cần chủ động như thế nào để có thể chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng cường tái chế chất thải và sử dụng hiệu quả tài nguyên và về phía Bộ Công Thương thì có khuyến nghị và hành động như thế nào về các cơ chế nhằm tăng hiệu quả thực thi các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất trong thời gian tới?

Ông Phạm Sinh Thành – Cục kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương: Thực sự trong các nền kinh tế thị trường và sản xuất hàng hóa thì bắt buộc các chủ doanh nghiệp, các chủ của các nhãn hàng phải tuân thủ các quy định của pháp luật thì đấy đầu tiên là áp lực, tức là áp lực đẩy hoạt động tái chế với hoạt động EPR lên. Bởi vì không chỉ có Việt Nam quy định về EPR mà quốc tế, ví dụ như xuất khẩu hàng dệt may sang EU người ta cũng áp dụng chính sách đó.

Thế thì việc để mà chứng minh được sản phẩm, tôi lấy một ví dụ cụ thể dệt may để cho nó dễ hình dung là sản phẩm này chúng tôi đáp ứng được các yêu cầu của đơn hàng phải được sản xuất theo quy trình tuần hoàn. Thế thì đầu tiên người ta cũng muốn rằng nguồn điện sử dụng, chẳng hạn phải là nguồn điện từ năng lượng tái tạo chẳng hạn, thế thì người ta lại cần một Giấy chứng nhận của việc sử dụng điện năng lượng mái nhà (điện áp mái) để sản xuất ra sản phẩm dệt may này. Vậy thì Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các chính sách đó, tức là làm thế nào để chứng minh được nguồn điện này anh đang sử dụng là đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng.

Tiếp đến là trong nội bộ nhà máy, ví dụ như tuần hoàn nước chẳng hạn, có sử dụng nước tuần hoàn thì đấy cũng là một phạm trù của việc sản xuất và tiêu dùng bền vững thì thì Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ làm sao để chứng minh cho các doanh nghiệp trong những việc như này.

Việc các chính sách gắn với sản xuất sạch hơn rồi sản xuất tiêu dùng bền vững, bao gồm cả từ thiết kế như anh Hiếu - Hiệp hội Giấy vừa đề cập rồi thì tiết kiệm năng lượng thì đều phải có những chứng nhận, thì cần làm sao đấy để xây dựng được các tổ chức để chứng nhận những hoạt động này để minh chứng (thực ra người ta làm hàng ngày, nhưng mà phải có một cái gì đó để hồ sơ hóa) thì Bộ Công Thương cũng đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình này.

Một trong những chương trình mà Bộ Công Thương đang triển khai và đang trình Thủ tướng Chính phủ, tức là chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường. Phát triển ngành công nghiệp môi trường cũng sẽ là một trong những giải pháp vừa tạo ra các công cụ cũng như vừa tạo ra các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có tái chế, tái sử dụng chất thải nói riêng.

Thưa quý vị và các bạn, như chúng ta vừa nghe chia sẻ của các vị khách mời thì để đáp ứng hiệu quả những quy định pháp luật liên quan đến môi trường như là EPR, đồng thời đẩy mạnh tái chế, giảm thiểu phát thải ra môi trường thì bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, rất cần có những giải pháp, sự đồng hành hiệu quả từ Chính phủ, các cơ quan liên quan và các chính sách trợ lực, hiệu quả, minh bạch.

Bên cạnh đó thì không thể thiếu vai trò cũng như là sự chủ động của các doanh nghiệp trong thực thi trách nhiệm EPR, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế. Ngoài ra thì việc tăng cường các chính sách, định hướng, giải pháp trợ lực từ Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi EPR với đích đến cuối là giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên, góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong bảo vệ môi trường.

Một lần nữa thì xin cảm ơn các vị khách mời đã tới tham dự toạ đàm ngày hôm nay của Tạp chí Công Thương.

Xin trân trọng cảm ơn sự theo dõi của quý vị và các bạn.