Đáp ứng tiêu chuẩn xanh của EU: Vấn đề đầu tiên không phải là tiền
28/09/2023 lúc 16:59 (GMT)

Đáp ứng tiêu chuẩn xanh của EU: Vấn đề đầu tiên không phải là tiền

 

Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện các quy định, tiêu chuẩn cao liên quan tới việc xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi về nhận thức, giải pháp thích ứng phù hợp để đáp ứng thị trường và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) hiệu quả hơn.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trao đổi một số nội dung xung quanh vấn đề này.

Tiêu chuẩn xanh vừa là quy định của EU, vừa là yêu cầu của người tiêu dùng

PV: Có thể thấy, sau ba năm thực thi Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực đến thương mại giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của chúng ta đang phải đối mặt với các tiêu chuẩn xanh do EU đặt ra cho hàng hóa nói chung, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này nói riêng.

Ông có thể cho biết về lộ trình cam kết liên quan tới việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong EVFTA được thực thi như thế nào và những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh mà chúng ta đang nói đến có phải là vấn đề cần quan tâm nhất trong thực thi EVFTA hiện nay không?

Ông Ngô Chung Khanh: Trước hết về cam kết, trong Hiệp định EVFTA có một chương là Phát triển bền vững, đề cập đến hai lĩnh vực: môi trường và lao động.

Về môi trường, EVFTA đề cập 04 khía cạnh chính: thứ nhất là biến đổi khí hậu; thứ hai là đa dạng sinh học; thứ ba là quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản; thứ tư là quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.

Trong đó, về biến đổi khí hậu, theo EVFTA hai bên sẽ phối hợp với nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình liên quan đến cơ chế về định giá carbon, giảm thải carbon.

Vấn đề này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần phải chú ý trong quá trình lựa chọn nguyên liệu làm sao đảm bảo được quy trình sản xuất thân thiện môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các nguồn nguyên liệu gây hại môi trường.

Đối với đa dạng sinh học, hai bên hợp tác để chống các hành động, hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến bảo tồn sinh học, đặc biệt ngăn chặn và hạn chế tối đa các hoạt động mua bán, trao đổi động vật trái phép.

Về vấn đề này, doanh nghiệp khi sản xuất cần phải chú ý tối đa đến môi trường, đặc biệt cần ngăn chặn và cũng như tuyệt đối không tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi các động thực vật trái phép.

Liên quan đến quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sàng, đây là một nội dung rất được quan tâm đối với ngành lâm nghiệp. Bởi vì EU và Việt Nam sẽ phối hợp với nhau làm sao để bảo tồn, phát triển rừng bền vững theo hướng hạn chế cũng như ngăn chặn các sản phẩm sử dụng các nguồn gốc gỗ không hợp pháp.

Về vấn đề này, doanh nghiệp cần hết sức chú ý trong quá trình sản xuất, đặc biệt khi nhập khẩu gỗ phải có một nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp thì sản phẩm của chúng ta mới được công nhận tại thị trường EU.

Liên quan đến đa dạng sinh học, vấn đề bảo hộ, bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, nuôi trồng thủy sản thì doanh nghiệp cần chú ý trong quá trình nuôi trồng thủy sản cần đảm bảo được các thủ tục, các tiêu chuẩn để được chứng nhận sang thị trường EU và tuyệt đối không tham gia hay không mua bán các sản phẩm có nguồn gốc từ đánh bắt cá trái phép, sử dụng các nguồn, công cụ gây thiệt hại đến nguồn sinh vật biển. Đấy là về vấn đề môi trường.

Còn về vấn đề lao động trong EVFTA khẳng định hai bên sẽ tôn trọng các quyền trong Công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc, của Tổ chức lao động quốc tế thì các quyền này đã được quy định rất rõ trong Công ước mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia.

tiêu chuẩn xanh
phát triển bền vững

Có thể nói rằng EVFTA không phải hiệp định thương mại thông thường mà là một hiệp định có yếu tố rất quan trọng về phát triển bền vững, bởi vì EU rất quan tâm đến phát triển bền vững. Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển vững, quan tâm vấn đề môi trường, lao động.

EVFTA là hiệp định đầu tiên có một cơ chế thực thi khá rõ ràng về phát triển bền vững. Chẳng hạn, hai bên đồng ý thiết lập Ủy ban về phát triển bền vững có đại diện của Chính phủ, có cơ quan quản lý của hai bên định kỳ gặp gỡ nhau để rà soát tiến trình thực thi của cả hai phía, nêu ra những kinh nghiệm cũng như các vấn đề cần xử lý.

Với EVFTA, cũng lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế thành lập Nhóm tư vấn trong nước gồm đại diện của các tổ chức độc lập về lao động, môi trường giúp Chính phủ hai bên theo dõi, đánh giá quá trình thực thi Chương Phát triển bền vững và từ đó hai bên đảm bảo thực thi nội dung cam kết này một cách hiệu quả nhất.

 
Ngô Chung Khanh

 

Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển vững, quan tâm vấn đề môi trường, lao động.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng

Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Liên quan đến câu chuyện tiêu chuẩn xanh của EU có phải yêu cầu bắt buộc hay không, chúng ta cần nhìn nhận ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, EU sẽ có những quy định đối với vấn đề môi trường hay lao động. Chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Luật chống phá rừng, sắp tới là Đạo luật chuỗi cung ứng…, và thông thường những quy định đó không đánh vào các nhà xuất khẩu mà chủ yếu đầu tiên đánh vào các nhà nhập khẩu, tức là chính các chủ thể của EU phải có trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo được yêu cầu do EU đặt ra.

Thứ hai, những yêu cầu đấy không chỉ là những quy định của EU mà quan trọng đó cũng chính là yêu cầu từ người tiêu dùng EU, những khách hàng đích tiêu dùng sản phẩm của chúng ta. Bởi vì hiện nay xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến cách chúng ta làm ra sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững hay không, đối xử người lao động như thế nào…

 

Thẩm thấu và sẵn sàng tham gia “luật chơi”

 

PV: Như ông trao đổi các tiêu chuẩn xanh của EU vừa là quy định chính sách của EU cũng là yêu cầu của người tiêu dùng.

Vậy theo ông, có những thách thức nào mới đặt ra đối với các doanh nghiệp và ngành hàng của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian tới, đồng thời xu hướng ngày càng nhiều những tiêu chuẩn cao của EU sẽ tác động tới các doanh nghiệp như thế nào?

Ông Ngô Chung Khanh: Tôi nghĩ vấn đề phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc. Chúng ta muốn tham gia vào thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị lên thì chúng ta phải phát triển bền vững. Có yếu tố phát triển bền vững sẽ giúp cho chúng ta nâng tầm giá trị và cũng giúp định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Châu Âu.

Đành rằng câu chuyện xây dựng thương hiệu rất khó nhưng không phải không làm được. Nếu chúng ta quan tâm đến phát triển bền vững thì đó là một yếu tố rất quan trọng để chúng ta xây dựng dần giá trị thương hiệu, từ đó những giá trị chúng ta mang về sẽ nhiều hơn. Ví dụ trong 10 đồng xuất khẩu thì chúng ta có thể mang về đến 7-8 đồng cho người Việt Nam. Đó là điểm mấu chốt cần đạt được.

cà phê
dệt may
đồ gỗ

Đối với thách thức, tôi nghĩ đầu tiên và lo ngại nhất là thách thức từ chính người tiêu dùng Châu Âu, tức là chưa cần chờ đến các quy định của EU mà chính người tiêu dùng sẽ tẩy chay, tránh xa những các sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng về vấn đề bảo vệ môi trường hay quan tâm người lao động. Đây là thách thức càng ngày càng hiện hữu và doanh nghiệp chúng ta cần quan tâm.

Hiện nay, chúng ta đã tham gia những hiệp định FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Những hiệp định này đã đưa chúng ta tới một tầm tiêu chuẩn cao về vấn đề phát triển bền vững và trong thời gian qua chúng ta đã, đang thực hiện rất tốt nhưng quan trọng nhất là phải có sự thẩm thấu của doanh nghiệp. Cam kết Chính phủ có, thực thi có, nhưng doanh nghiệp đã ngấm các nội dung cam kết, các yêu cầu hay chưa và đã triển khai chưa là một thách thức từ chính chúng ta.

Thị trường có quy định, “luật chơi” của họ, chúng ta muốn tham gia vào cuộc chơi của họ thì phải theo luật của họ, đó là điều rất bình thường. Cuộc chơi đó có lợi ích không, có hiệu quả lâu dài hay không… là chuyện doanh nghiệp cần trả lời và thích ứng.

          

Chuyển đổi xanh không cần phải chi tiền ngay

          

 

PV: Chúng ta đã nói đến sự sẵn sàng và chủ động của doanh nghiệp để có thể đáp ứng được những yêu cầu này và mở ra nhiều cánh cửa, cơ hội thị trường. Vậy ở góc độ quản lý nhà nước chúng ta sẽ có những biện pháp nào trợ lực cho doanh nghiệp thích ứng?

Ông Ngô Chung Khanh: Chúng tôi có làm một khảo sát nhanh để tính toán cho thấy, thặng dư thương mại ở các thị trường được coi là có nhiều quy định, nhiều biện pháp về phát triển bền vững, các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, ví dụ như EU, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh… đem lại cho chúng ta khoản thặng dư thương mại trên trăm tỷ USD. Tức là những chỗ khó cho lợi nhuận cao, giá trị cao; chúng ta nhìn thấy rõ ràng nguy cơ trùng trùng nhưng tiến vào nguy cơ đó thì chính là đất sống, là lợi nhuận lớn, giá trị lớn.

Tất nhiên để có được con số đấy là tất cả doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực. Tuy nhiên nhìn từ góc độ quốc gia xuống tới từng doanh nghiệp cho thấy trong nguy cơ nhưng lại mang đến giá trị bền vững và rất lớn.

Quay trở lại với vấn đề làm thế nào để giúp doanh nghiệp, tôi nghĩ đầu tiên đó là nhận thức. Về vấn đề này, hiện nay có một điểm cản trở chúng ta chuyển đổi sản xuất xanh đó là các doanh nghiệp cứ nghĩ đến xanh hóa là nghĩ tốn tiền, cần chi phí lớn và e ngại.

Thực tế phải nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không cần phải chi tiền ngay mà có thể đầu tư nguồn lực, tài chính chia theo từng bước. Bước đầu tiên doanh nghiệp cần làm là rà soát xem thực hành các quy định về môi trường, lao động… của mình có vướng gì không và cũng chưa cần mất nhiều tiền. Đến khâu chuyển đổi công nghệ sản xuất mới thực sự cần phải đầu tư.

Trong quá trình đó, doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ về chính sách, tư vấn hướng dẫn, kết nối nguồn lực… từ các Bộ, ngành, Chương trình phát triển bền vững quốc gia; đồng thời là sự hỗ trợ của các tổ chức thông qua các dự án, các chương trình như: Green Financing, Eco-investing hay các hoạt động hợp tác đầu tư phát triển.

Tóm lại, tôi cho rằng quan trọng nhất là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu được xanh hóa không cần chi tiền ngay; trên tất cả và trước hết cần tập trung thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức rằng sản xuất xanh mất tiền nhưng không mất ngay, còn nếu không làm sẽ mất tất cả, mất thị trường, mất khách hàng…

chuyển đổi xanh

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và thiết kế: Hoàng Phương


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí