[E-magazine] Thực hiện Hiệp định EVFTA: “Đòn bẩy” xanh hóa quy trình sản xuất
05/12/2022 lúc 09:05 (GMT)

[E-magazine] Thực hiện Hiệp định EVFTA: “Đòn bẩy” xanh hóa quy trình sản xuất

 

Mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng với động lực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) nên trao đổi thương mại hai chiều duy trì mức tăng trưởng mạnh 14-15% trong 2021-2022, cao hơn mức trung bình 7% trước khi có Hiệp định.

10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…

sản xuất giày dép
cà phê
dệt may

Gia tăng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt

Bên cạnh những kết quả rất tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức khi xuất khẩu hàng hóa sang EU. Trong đó, đáng kể nhất là việc EU đang siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững,… Vì thế, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường này.

Một trong những hệ thống quy định về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững bao trùm và liên quan đến các hoạt động thương mại hàng hóa của khu vực thị trường này là Thỏa thuận Xanh của Liên minh Châu Âu (European Green Deal - EGD) được phê duyệt vào năm 2020, một bộ chính sách tái thiết lập cam kết của Ủy ban Châu Âu trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

EGD đặt mục tiêu lớn là cải thiện phúc lợi của con người thông qua việc đạt được các mục tiêu cụ thể như trở thành khu vực trung hòa phát thải (climate-neutral) vào năm 2050, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường sản phẩm và dịch vụ xanh.

Kế hoạch hành động của Thoả thuận xanh tập trung vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên như dệt may, xây dựng, điện tử và nhựa để tăng cường hiệu quả nguồn tài nguyên nhờ chuyển đổi sang nền kinh tế sạch và tuần hoàn, đồng thời khôi phục đa dạng sinh học và giảm ô nhiễm.

Mục tiêu của Thoả thuận xanh Châu Âu

Thỏa thuận xanh

Trong các quy định cốt lõi của EGD, nổi bật là chiến lược Farm to Fork - F2F (hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường) hướng mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%; giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại...

Để đảm bảo công bằng, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Vì vậy, chiến lược xanh hóa sản xuất là vấn đề mà doanh nghiệp cần nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành khi muốn tiếp cận thị trường EU lâu dài, cũng như đi theo quy luật phát triển tiến bộ trên thế giới.

Bên cạnh F2F, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cũng là một nội dung quan trọng trong khuôn khổ EGD được Ủy ban Châu Âu đề xuất lập pháp vào ngày 14/7/2021. Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ carbon cao, chẳng hạn như sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện, sẽ phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của cơ chế CBAM.

CBAM sẽ áp dụng đối với việc phát trải trực tiếp khí CO2 ra môi trường trong quá trình sản xuất các sản phẩm trên. Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS) căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất.

Ngoài mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon trên toàn cầu, việc EU dự định áp thuế biên giới carbon là do các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU trực tiếp dẫn đến việc biến đổi khí hậu hiện nay nhưng chưa có chính sách đủ để giảm thiểu khí thải carbon và các hàng hóa xuất khẩu của nước này cũng chưa chịu mức thuế carbon công bằng như hàng hóa nội địa của EU. Tuy nhiên, những quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU mà có những chính sách mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải carbon sẽ được miễn trừ thuế biên giới carbon.

green manufacturing
cơ chế carbon

Theo tiến trình xây dựng, EU dự kiến Cơ chế sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2023 với thời gian chuyển đổi là 3 năm đến ngày 0/1/01 năm 2026. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào. Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế, tức năm 2025, Ủy ban Châu Âu sẽ đánh giá CBAM đang hoạt động như thế nào và có thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn – bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp” (ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa). Sau khi được vận hành chính thức từ 01/01/2026, nhà nhập khẩu sẽ phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn Carbon Dioxide tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU. Vi phạm các quy định của cơ chế CBAM sẽ bị xử phạt tương tự như trong hệ thống ETS của EU.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu vào của Việt Nam vào EU sẽ phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn chặt chẽ liên quan đến môi trường, xã hội. Đơn cử, hàng dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi mới đây EU đã công bố Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may, trong đó yêu cầu hàng dệt may có thể tái sử dụng và sửa chữa ở mức cao. Hay như đối với mặt hàng đồ gỗ, muốn tăng trưởng xuất khẩu cũng cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép VPA/FLEGT, giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG (Environmental-Social-Governance), phát thải CO2…

dệt may châu Âu

Xu hướng sản xuất tất yếu

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới như thị trường Châu Âu để khẳng định đây chính là một giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.

Hiện nay, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững không chỉ diễn ra riêng tại thị trường EU. Nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.

Đặc biệt, sau thời gian chống chọi với đại dịch Covid-19 và bắt nhịp vào trạng thái bình thường mới, nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nền kinh tế thành viên của các hiệp định FTA, trong đó có EU liên tục đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có phát thải carbon lớn. Điều này sẽ tác động lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới, gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để thích nghi và tận dụng tốt lợi ích của các hiệp định FTA, trong đó có EVFTA.

          

bộ trưởng Diên

Để không bị loại khỏi "cuộc chơi" bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nguyễn Hồng Diên

          

 

Đến nay, Việt Nam cũng đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Trong đó, đáng chú ý là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/01/2022 về “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn” nhằm giảm khoảng 564 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Nghị định này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế biên giới carbon thấp hơn hoặc không bị áp dụng thuế biên giới carbon khi các tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất tuân theo tiêu chuẩn của EU.

Việc nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, trở thành vấn đề cấp bách góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thích ứng để phát triển bền vững

Thương mại đối với công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững đã trở thành xu hướng phổ biến ở các nước phát triển. Xuất khẩu xanh, hay chính xác hơn là việc xuất khẩu sản phẩm có “dấu chân carbon” thấp hoặc sản phẩm an toàn môi trường là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi nạn suy thoái môi trường.

 

chủ tịch EuroCham

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi và phát triển theo lộ trình xanh và bền vững.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham)

 

 

Để thích ứng với những thách thức từ các tiêu chuẩn, quy định xanh của EU, trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới, xanh hóa quy trình sản xuất kinh doanh để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ EVFTA.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng, cập nhật những các yêu cầu, quy định mới để kịp thời thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu phù hợp. Có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu.

Theo đó doanh nghiệp nên đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu.

 

 

 

Trong sản xuất, ngoài việc chủ động kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA. Ngoài ra, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh.

Để tạo ra được sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đáp ứng thâm nhập sâu vào thị trường EU với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam phải có bước chuyển biến mạnh mẽ về quy trình sản xuất, ứng dụng kỹ thuật công nghệ theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường EU và quốc tế công nhận như VietGAP, Global GAP.

Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Bên cạnh những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng chất lượng cao, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương cần có chính sách khuyến khích đầu tư nâng cao năng suất chất lượng, ưu tiên đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất xanh, sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Thúc đẩy phát triển các mối liên kết trong chuỗi giá trị giữa người sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ; giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối. Tiếp tục xây dựng các chính sách toàn diện về an toàn hợp với chuẩn mực quốc tế. Nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, các trung tâm thử nghiệm và các tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn; có các quy định về nhãn hiệu hàng hóa thân thiện với môi trường; xây dựng và áp dụng các chính sách về tiêu chuẩn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế.

Chuyển đổi quy trình sản xuất với những đòi hỏi đầu tư, cải tiến công nghệ, quy trình... đối với mỗi doanh nghiệp không hề dễ dàng và không thể ngày một ngày hai. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển tất yếu của các nền kinh tế và thương mại quốc tế, việc chuyển đổi theo hướng xanh hóa quy trình sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn những lợi thế, ưu đãi của Hiệp định EVFTA tại thị trường Châu Âu mà thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là “đòn bẩy” cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam mở rộng thị trường trên toàn cầu.

Liên kết chuỗi sản xuất bền vững thương hiệu cà phê Việt

Chia sẻ của ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam về kinh nghiệm của doanh nghiệp này trong việc xây dựng chuỗi sản xuất xanh, bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường EU nói riêng và thị trường xuất khẩu nói chung.

Kiên Nestle
Ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam

Xin ông cho biết việc tham gia các FTA như EVFTA, CPTPP đang tạo cơ hội, thách thức như thế nào cho sản xuất, xuất khẩu cà phê nói riêng và ngành hàng thực phẩm nói chung?

Ông Lý Trung Kiên: Có nhiều thuận lợi cũng như thách thức mà ngành cà phê cũng như ngành đồ uống đang gặp phải khi tham gia FTA. Nói về thuận lợi, việc tham gia FTA đã tạo thuận lợi cho ngành cà phê, nhất là đối với các đối tác như châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cũng nhận được rót vốn nhiều hơn cho đầu tư, sản xuất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành cà phê cũng đối diện với nhiều thách thức. Thứ nhất là xu hướng của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng đến từ châu Âu và Mỹ ngày càng khắt khe hơn. Họ quan tâm nhiều đến nguồn nguyên liệu nên đặt ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật đòi hỏi các nước phải tuân thủ nhằm đảm bảo tính bền vững của nguồn nguyên liệu.

Thứ hai là việc cạnh tranh trong khu vực. Các nước như Malaysia, Indonesia, Philippines… cũng có khả năng xuất khẩu cà phê. Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước này? Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đầu tư vào sản xuất sâu, không chỉ dừng lại ở sản xuất mà phải đầu tư công nghệ hiện đại.

Thứ ba là các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho vấn đề chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý phải rõ ràng, minh bạch đối với đòi hỏi của các thị trường xuất khẩu này.

Ông có thể chia sẻ cụ thể về kế hoạch thích ứng của Tập đoàn Nestle trong hành trình hướng đến sản xuất, xuất khẩu bền vững? Các giải pháp để nâng tầm giá trị cà phê Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Ông Lý Trung Kiên: Từ năm 2011, Nestle Việt Nam đã thực hiện công tác tăng năng suất cây trồng. Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân, làm sao để cải tạo cây trồng và phương pháp chọn giống sao cho năng suất cao hơn. Đội ngũ nông nghiệp của Nestle Việt Nam đã hướng dẫn người nông dân thực hiện, nâng cao năng suất cây trồng cà phê, đồng thời qua đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Tới đây, nông nghiệp tái sinh cũng là một trong những chủ đề mà Nestle Việt Nam khuyến khích, thực hiện. Nông nghiệp tái sinh là hướng dẫn sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, bảo vệ nguồn đất, nguồn nước để tiếp tục được tái tạo và sử dụng. Giúp cho đất tăng được độ phì nhiêu, tăng năng suất cây trồng.

Việc sử dụng đất tốt hơn cũng sẽ giúp chống chọi được biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho người nông dân. Câu chuyện nông nghiệp tái sinh này cũng sẽ được truyền tải rộng rãi cho người tiêu dùng, từ đó giúp giá trị xuất khẩu cà phê cũng tăng cao hơn.

chuỗi sản xuất cà phê

Hiện sản phẩm của Nestlé Việt Nam đang xuất khẩu sang hơn 20 thị trường ở khắp các châu lục trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính tại Châu Âu như Thụy Sĩ, Anh… hay Mỹ, Nhật Bản, Australia... Đặc biệt, Nestlé Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị cao, được chế biến bằng công nghệ hiện đại, như các sản phẩm cà phê, gia vị.

Với sản phẩm cà phê, Nestlé Việt Nam thực hiện chuỗi giá trị cà phê bền vững, bao gồm: Canh tác có trách nhiệm; Sản xuất và cung ứng có trách nhiệm và Tiêu dùng có trách nhiệm.

Thực hiện Canh tác có trách nhiệm, Nestlé Việt Nam triển khai chương trình “NESCAFÉ Plan” (Chương trình “Tạo giá trị chung”) từ năm 2011 đến nay nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cà phê từ người nông dân đến người tiêu dùng, giúp kiểm soát và nâng cao chất lượng cũng như năng suất sản phẩm thông qua canh tác bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác, hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người nông dân, đảm bảo bền vững về môi trường.

Thực hiện Sản xuất và cung ứng có trách nhiệm, Nestlé Việt Nam có Nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai là nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao được trang bị công nghệ tiên tiến và hiện đại.

Thực hiện Tiêu dùng có trách nhiệm, Nestlé Việt Nam triển khai chương trình Tận tâm ươm trồng đồng hành cùng Nestlé và cùng khách hàng thực hiện cách thức tiêu dùng bền vững.

Thời gian qua, công tác phát triển nguồn nguyên liệu bền vững của Nestlé Việt Nam đã giúp 21.000 nông hộ đạt chứng nhận 4C; hỗ trợ trên 300.000 nông dân tham gia các buổi tập huấn về GAP/NBFP; hỗ trợ tái canh 63,5 triệu cây giống kháng rỉ sắt và năng suất cao; giảm 40% lượng nước tưới và 20% thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, tăng 30 -100% thu nhập cho nông dân từ xen canh hợp lý đồng thời hướng tới tiếp cận nông nghiệp tái sinh phát thải thấp.

Trong xuất khẩu hiện nay, bên cạnh những sản phẩm cà phê truyền thống của Nestlé như: cà phê hòa tan Nescafe Việt, Nescafe sữa đá, cà phê viên nén..., với công nghệ tiên tiến, Nestlé đã sản xuất thành công cà phê khử cafein được xử lý 100% tự nhiên bằng cách sử dụng nước để tách cafein ra khỏi hạt cà phê, tạo thành sản phẩm cà phê khử cafein xuất khẩu ra thế giới. Ngoài ra, với công nghệ tiên tiến và hiện đại, lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất giảm xuống 40% so với trước đây.

Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm cung ứng cà phê toàn cầu, Nestlé Việt Nam mới đây đã công bố khoản đầu tư hơn 130 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu; đưa nhà máy sản xuất cà phê khử cafein thành nhà máy lớn nhất trên toàn cầu của Nestlé; tăng công suất dây chuyền sản xuất cà phê viên nén cà phê pha máy Nestlé Dolce Gusto để xuất khẩu ra toàn cầu...

Thực hiện: Hoàng Phương

Trình Bày: Việt Lê


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí