Xây dựng thành công thương hiệu đường thốt nốt An Giang
27/10/2023 lúc 15:55 (GMT)

Xây dựng thành công thương hiệu đường thốt nốt An Giang

đường thốt nốt An Giang

 

Nếu Bến Tre nổi tiếng là xứ dừa thì An Giang được xem là thủ phủ của cây thốt nốt miền Tây. Thốt nốt thuộc họ cây cọ, sống và phát triển phổ biến ở trên đất nước Campuchia. Cây thốt nốt có dáng vẻ giống cây cọ nhưng tuổi thọ khá lâu. Cây có thể sống được đến 100 tuổi. Mỗi năm cây thốt nốt cho thu hoạch từ 50 – 60 quả.

Quả thốt nốt kết thành chùm to tròn như quả dừa xiêm, vỏ màu tím sậm. Bên trong có lớp cơm dày trắng mềm dẻo giống như cùi dừa nước nhưng thơm ngon hơn, có vị bùi béo khi còn non. Khi chín già, cùi sẽ cứng hơn, phần thịt có màu vàng có mùi thơm như mít chín.

đường thốt nốt An Giang

Người dân An Giang đã sử dụng trái thốt nốt để chế biến thành nhiều loại món ăn, thức uống đa dạng như chè thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bánh lá, bánh rau câu, thốt nốt dim…

Đường thốt nốt được làm từ nước lấy mật từ hoa thốt nốt. Mỗi cây thốt nốt cái thường thu được 30 - 40 nhuỵ hoa. Người thu hoạch sẽ cắt vòi hoa, lấy tre nẹp lại, buộc ống vào đầu cụm hoa để hứng nước tiết ra từ hoa. Mật tiết ra từ hoa sẽ tạo thành mật Saccaroza. Sau đó, người dân sẽ dùng phần mật hoa này để nấu thành đường thốt nốt.

Ngoài khai thác hoa và quả thốt nốt, người dân An Giang còn dùng thân và lá thốt nốt để phục vụ đời sống. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, làm thảm, đan rổ rá, làm quạt…

đường thốt nốt An Giang

 

Đường thốt nốt rất giàu các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Theo các kết quả nghiên cứu về tác dụng của đường thốt nốt, thì hàm lượng khoáng chất chứa trong đường thốt nốt cao hơn gấp 60 lần so với các loại đường khác đặc biệt đường cát trắng. Những khoáng chất tiêu biểu bao gồm kali, phốt pho, kẽm, sắt, đồng, magie, mangan, sucrose, fructose, glucose,vitamin nhóm B, năng lượng…

Hơn nữa, thành phần dinh dưỡng của đường thốt nốt có chứa khá nhiều vitamin và giàu chất sắt. Cho nên, đường thốt nốt được xem như phương thức tuyệt vời giúp phụ nữ bị tình trạng thiếu máu.

Đường thốt nốt có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn so với đường trắng và mật ong. Do đó đường thốt nốt không làm tăng lượng đường trong máu cho người dùng, tốt cho người bị bệnh tiểu đường.

Đường thốt nốt có chứa một loại chất xơ gọi là inulin. Loại chất xơ này có thể giúp kiểm soát vi khuẩn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa tốt và cải thiện tốc độ hấp thu khoáng chất cho cơ thể.

Với khả năng tăng cường lưu thông máu, loại đường này có thể giúp làm dịu cơn đau nửa. Chỉ cần tiêu thụ khoảng 20gr đường thốt nốt là chứng đau nửa đầu sẽ thuyên giảm.

Một công dụng khác của đường thốt nốt là củng cố hệ thống xương và mô của trẻ em khỏe mạnh. Mangan trong đường thốt nốt giúp hỗ trợ sức khỏe của xương và giảm nguy cơ loãng xương. Bên cạnh đó, đường thốt nốt có lợi ích đáng kể với sức khỏe của trẻ em như tăng cường miễn dịch, ngừa thiếu máu, giúp xương chắc khỏe, thải độc gan, chống táo bón…

đường thốt nốt An Giang

 

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt sản phẩm truyền thống đường vùng Bảy Núi, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (AsiaDHRRA) thực hiện Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tỉnh An Giang”. Dự án được triển khai từ năm 2017- 2020 tại 2 huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Sau 3 năm triển khai, đã có 11 dự án hỗ trợ, cho các hộ sản xuất đường thốt nốt ở các xã Châu Lăng, Lương Phi, Ô Lâm, Núi Tô, Lê Trì (huyện Tri Tôn) và An Phú, Nhơn Hưng, Vĩnh Trung, Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi (huyện Tịnh Biên). Giải quyết việc làm cho 600 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Việc đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, logo cho sản phẩm đường thốt nốt được quan tâm hỗ trợ và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cho phép sử dụng. Đây là kết quả quan trọng của dự án vì khi có nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ thì đường thốt nốt Bảy Núi sẽ dễ dàng thâm nhập vào các siêu thị, điểm dừng chân trong và ngoài tỉnh, giúp sản phẩm đặc thù của An Giang được nhiều người biết đến. Từ đó, giúp sản phẩm bán ra nhiều hơn, giá cao hơn, thu nhập của các hộ sản xuất được nâng lên đáng kể, đời sống của người dân ngày càng cải thiện.

đường thốt nốt An Giang

Bên cạnh đó, việc lắp đặt các bảng chỉ dẫn làng nghề, bảng quảng cáo sản phẩm làng nghề đã góp phần giới thiệu các sản phẩm đặc sản đường thốt nốt và nghề truyền thống của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Tháng 6/2023, Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong (Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) đã xây dựng Dự án mô hình hợp tác phát triển sản phẩm từ cây thốt nốt trên địa bàn huyện Tri Tôn nhằm gia tăng giá trị từ cây thốt nốt, đẩy mạnh khai thác nguồn nguyên liệu và kết nối đầu ra sản phẩm. Đối tượng tham gia là 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo Khmer gắn với sinh kế từ cây thốt nốt, có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Dự án sẽ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, sơ chế và bảo quản sản phẩm từ thốt nốt, hướng dẫn sử dụng các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Các hộ được hỗ trợ công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất (máy khuấy mật, dụng cụ hứng mật hoa, dụng cụ đựng sản phẩm, dụng cụ hứng nước); tập huấn về thị trường nông sản và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...

Công ty Cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn) chịu trách nhiệm liên kết tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 947 triệu đồng, thời gian thực hiện từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2023.

đường thốt nốt An Giang

 

Với tâm huyết nâng cao giá trị đặc sản thốt nốt Bảy Núi và tạo thêm việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số Khmer, xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, chị Châu Ngọc Dịu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn, An Giang) đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania vang danh thị trường trong nước, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Thành lập tháng 6/2017, đến năm 2019, Công ty đã phát triển thành công sản phẩm mới đường thốt nốt bột Palmania nguyên chất, tự nhiên, không phụ gia, không sử dụng phương pháp tách mật. Đặc biệt, sản phẩm giữ được trọn vẹn hương thơm, vị ngon đặc trưng và những đặc tính quý giá của đường thốt nốt. Đường thốt nốt sệt và đường thốt nốt khô có quy trình sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn như: quy trình lấy nước thốt nốt không sử dụng chất tẩy, hóa chất hay phụ gia thực phẩm.

Tháng 4/2020, sản phẩm đường thốt nốt sệt của Công ty Cổ phần Palmania đã được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao giai đoạn 2019-2020. Tháng 5/2020, 2 sản phẩm đường thốt nốt sệt và đường thốt nốt bột của Công ty Cổ phần Palmania đã được UBND huyện Tri Tôn công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2020. Hiện đang được xét đạt tiêu chuẩn phân hạng 5 sao.

Tháng 9/2020, sản phẩm mật thốt nốt bột Palmania đã đạt chứng nhận 2 sao của giải thưởng Great Taste Awards 2020 một giải thưởng về thực phẩm được tổ chức tại nước Anh. Sản phẩm tham gia Great Taste Awards sẽ phải đóng gói trong bao bì trắng không nhãn mác để tránh bị thương hiệu sản phẩm chi phối và được hơn 500 chuyên gia hàng đầu trong ngành ẩm thực, đồ uống đánh giá, lựa chọn hoàn toàn dựa trên hương vị sản phẩm.

Với định hướng phát triển bền vững, đường thốt nốt Palmania đã khẳng định được vị trí trên thị trường; được phân phối ở 12 tỉnh, thành phố, với hơn 37 điểm bán hàng trên cả nước; bày bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch và siêu thị trên địa bàn: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... và trang bán hàng online. Hiện, đang xúc tiến thị trường Châu Âu. Năng lực sản xuất của công ty đạt 3-6 tấn sản phẩm/năm.

đường thốt nốt An Giang

 

Hiện nay, việc khai thác và chế biến đường thốt nốt không chỉ dừng lại là công việc truyền thống của bà con dân tộc Khmer, mà còn xây dựng sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của vùng Bảy Núi An Giang.

Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, cây thốt nốt được tỉnh An Giang đánh giá có thể hình thành vùng thốt nốt hữu cơ để từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của An Giang, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ phục vụ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu. Từ đó, phát triển sản phẩm thốt nốt hữu cơ có giá trị gia tăng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, an toàn cho người sử dụng; từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của An Giang, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo đó, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt từ 200 cây và năm 2030 đạt 500 cây (cây trên 40 năm tuổi). Sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ 80% năm 2025 và 100% vào năm 2030. Qua đó, hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận; lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cao hơn từ 1,5-2 lần so với tập quán thông thường.

đường thốt nốt An Giang

UBND tỉnh giao ngành chức năng tỉnh phối hợp huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên khảo sát hiện trạng vùng dự kiến xây dựng, hình thành vùng thốt nốt hữu cơ, lập sơ đồ vùng trồng, đánh mã số cây thốt nốt chuyển đổi hữu cơ; khảo sát và làm việc với các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ đường thốt nốt. Đồng thời, phân tích mẫu đất, mẫu nước tại các vùng trồng thốt nốt, phục vụ chứng nhận thốt nốt hữu cơ.

Qua khảo sát, ngành chức năng tỉnh sẽ khoanh vùng, chọn những cây chuyển đổi sản xuất hữu cơ và tách biệt với vùng không sản xuất hữu cơ (phù hợp tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017); hình thành các vùng trồng cây thốt nốt hữu cơ tập trung. Vùng trồng sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu (nước thốt nốt, đường thô…) để phục vụ cho sơ chế, chế biến các sản phẩm đường thốt nốt hữu cơ, các sản phẩm liên quan đến đường thốt nốt như yến hũ chưng sẵn (chưng đường thốt nốt, nghệ, đông trùng hạ thảo). Đồng thời, liên kết phục vụ du lịch tại địa phương.

Các vùng trồng, HTX, THT sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ, tạo vùng nguyên liệu để liên kết với DN sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu hình thành 11 vùng trồng, HTX, THT đạt chứng nhận hữu cơ (đến năm 2025 đạt 4; đến năm 2030 đạt thêm 7).

Dự kiến năm 2025, tỉnh An Giang sẽ tổ chức hội nghị sơ kết báo cáo, đánh giá kết quả đạt được của mô hình thốt nốt hữu cơ giai đoạn 2023 - 2025; rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cho giai đoạn đến năm 2030. Sau đó, tổng kết vào năm 2030 để triển khai giai đoạn tiếp theo.

đường thốt nốt An Giang
          

Bài: Nguyên Vỵ
Thiết kế: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí