Vị ngọt thốt nốt An Giang
28/09/2023 lúc 14:00 (GMT)

Vị ngọt thốt nốt An Giang

 

An Giang từ lâu nổi tiếng với những rừng thốt nốt bạt ngàn. Cây thốt nốt đã giúp cho nhiều hộ gia đình người Khmer nơi đây vươn lên thoát nghèo, đời sống dân bản cũng nhờ các sản phẩm từ thốt nốt mà ngày một khá.

thot not

Cây thốt nốt thuộc loại họ cau, sống rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia, New Guinea... Cây thốt nốt có thân to thẳng đứng, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân, lá xòe tròn như lá cọ. Thốt nốt cho những chùm quả lớn hình hơi tròn màu nâu hoặc màu hạt dẻ.

Cây thốt nốt của tỉnh An Giang được trồng tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Tên thốt nốt có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “th'not”. Từ bao đời nay, cây thốt nốt đã gắn liền với đời sống bà con người dân tộc Khmer, được người Khmer sử dụng vào rất nhiều việc. 

Thốt nốt

Thân cây làm cột nhà, dầm cầu, bàn ghế, tủ còn lá thì dùng để lợp mái nhà, làm nón và chế tác nên những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Rễ cây thốt nốt và vòi hoa sau khi phơi khô còn dùng làm thuốc chữa bệnh vàng da, nhuận tràng…

Nước và quả của cây thốt nốt vẫn thường được tận dụng để làm ra thức uống giải khát. Cơm thốt nốt màu trắng đục, có độ giòn dẻo, dai dai đặc trưng thường được dùng kèm với nước thốt nốt để tăng thêm độ ngọt. Ngoài ra, bánh bò thốt nốt cũng là một món ăn vô cùng nổi tiếng ở An Giang.

          

Thốt nốt ở An Giang không đơn thuần là một loại cây tạo nên đặc sản mà đã trở thành thương hiệu của vùng Bảy Núi.

          

 

Từ lâu cây thốt nốt đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình bà con Khmer An Giang, đặc biệt vào những tháng mùa khô, thời điểm không thể canh tác hoa màu và lúa được. Theo người dân ở đây, thốt nốt có tuổi thọ rất cao, bình quân cây thốt nốt trồng từ 12-15 năm mới cho trái và nước đường, cây càng già càng cho nhiều nước sản lượng mỗi năm lại tăng thêm và có trữ lượng đường cao. 

thot not

Cây thốt nốt khoảng 30-40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm. Mùa khai thác nước thốt nốt và nấu đường khoảng 6 tháng, bắt đầu vào tháng 11 Âm lịch đến đầu mùa mưa năm sau. Nếu năm nào nắng kéo dài thì thời gian thu hoạch, chế biến lại tăng lên, càng nắng gắt, lại càng làm được nhiều thành phẩm đường. Vào  tháng 2 - 3 cây thốt nốt bắt đầu cho nước nhiều nhất trong năm. Thời điểm đó người trèo cây lấy được khoảng 60 - 80 lít nước/ngày.

thot not 1
thot not 2

Với đặc điểm nổi bật vị ngọt thanh nên nước thốt nốt có thể chế biến thành các sản phẩm như đường, siro, mật đường, nước thốt nốt lạnh, nước thốt nốt có gaz, sản xuất giấm, rượu vang. Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhập khẩu đường thốt nốt của An Giang để chế biến các loại bánh, các loại siro,…

kỳ vọng thot not

Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, cây thốt nốt được tỉnh An Giang đánh giá có thể hình thành vùng thốt nốt hữu cơ để từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của An Giang, góp phần cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập cho bà con.

Theo định hướng phát triển của UBND tỉnh An Giang, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt tại 2 huyện biên giới Tri Tôn và Tịnh Biên sẽ được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 200 cây trên 40 năm tuổi; trong đó, huyện Tri Tôn 100 cây và Tịnh Biên 100 cây. 

Tỉnh dự kiến đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 1 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận. Tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 1- 2% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 0,5 đến 1 lần.

thot not huu co

An Giang kỳ vọng việc hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ sẽ giúp người dân Tri Tôn, Tịnh Biên có lợi nhuận thu được từ thốt nốt hữu cơ cao hơn từ 1,5-2 lần so với tập quán thông thường.

Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã phối hợp với huyện Tri Tôn và Tịnh Biên khảo sát hiện trạng vùng dự kiến xây dựng, hình thành vùng thốt nốt hữu cơ, lập sơ đồ vùng trồng, đánh mã số cây thốt nốt chuyển đổi hữu cơ; khảo sát và làm việc với các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ đường thốt nốt.

Dự kiến, trong quá trình sản xuất thốt nốt hữu cơ tỉnh An Giang sẽ hướng dẫn các hợp tác xã, các hộ trồng và sơ chế thốt nốt... cách sản xuất, khai thác mật thốt nốt và chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ.

thot not 6
thot not 7

Các hộ tham gia được trang bị dụng cụ thu hoạch, chứa sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp nguồn gốc hữu cơ (phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học); biển cảnh báo khu vực sản xuất… Khi đủ điều kiện, vùng trồng sẽ được cấp chứng nhận thốt nốt hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và một số thị trường: Hoa Kỳ, Nhật, EU...

Các vùng trồng sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ, tạo vùng nguyên liệu để liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hình thành 11 vùng trồng thốt nốt đạt chứng nhận hữu cơ...

thot not

Huyện Tri Tôn và Tịnh Biên hiện có trên 100.000 hộ dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, thu nhập chính từ canh tác lúa ruộng trên và lấy nước thốt nốt. Trong đó, nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của bà con từ đời nay.

Phát triển nghề truyền thống

Hiện Thốt nốt huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có trên 65.000 cây, mỗi năm thu hoạch khoảng 6.000 tấn đường. Sản lượng đường hàng năm tăng khoảng 10% do tuổi thọ cây càng cao lượng đường nấu được càng nhiều. Lúc vào mùa, bà con tranh thủ lấy mật, thu nhập từ vài trăm đến cả triệu đồng mỗi ngày.

Tại những lò nấu đường truyền thống, ngoài nước thốt nốt ra hầu như không sử dụng thêm bất kỳ một loại chất phụ gia nào. Bình quân khoảng 8-10 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1kg đường.

 

Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh, mang đến cho người thưởng thức vị béo, khi ăn rất dễ gây “nghiền”.

Công đoạn làm đường thốt nốt rất công phu và tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường khác nhau. Tuy nhiên, do cách thức sản xuất theo kinh nghiệm, sản phẩm chưa có nhãn hiệu nên thường bị ép giá vào chính vụ.

thot not 1
thot not 2

Nhằm nâng cao thu nhập một cách ổn định cho người dân, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, khai thác và chế biến sản phẩm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Năm 2016, An Giang đã thông qua dự án “Nâng cao năng lực khai thác, chế biến và sản xuất đường thốt nốt cho hộ dân tộc Khmer, trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên”.

 Sau thời gian triển khai, đời sống nhiều hộ dân nơi đây ngày càng khá hơn trước, thu nhập được cải thiện. Nông dân được tập huấn về kiến thức sản xuất, chế biến đường thốt nốt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và kỹ thuật xử lý để cây thốt nốt cho nước tối đa.

dường thot not

Để sản phẩm có đầu ra ổn định, dự án đã xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Đây là đầu mối tiêu thụ sản phẩm của các thành viên dự án tại địa phương, đồng thời là nơi giới thiệu, cung cấp các sản phẩm đường thốt nốt và các sản phẩm từ thốt nốt cho du khách tại địa phương. 

Một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu, kết nối các hộ sản xuất đường thô để tạo nên chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm đường thốt nốt không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà ở nước ngoài cũng rất ưa chuộng, đường thốt nốt của người Khmer An Giang đang ngày càng quen thuộc hơn với người tiêu dùng.

 

Đường Thốt nốt - loại đường đặc sản được nấu từ mật hoa và quả của cây thốt nốt nổi tiếng của đồng bào Khmer ở An Giang đã trở thành món quà đặc sản không thể thiếu của du khách khi đến với vùng đất biên viễn này.

duong thot not a

 

Đưa vị ngọt thốt nốt vươn xa

Tại An Giang, khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. Cùng với việc được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, An Giang có nhiều chính sách hỗ trợ để những hộ theo nghề nấu đường thốt nốt ở hai huyện có đông đồng bào Khmer là Tri Tôn, Tịnh Biên phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Thu nhập của người dân từ đó cũng được nâng cao. Đặc biệt, có nhiều người đã phát triển thành công thương hiệu đặc sản quê nhà.

ngoc diu

Điển hình như chị Chau Ngọc Dịu (40 tuổi, người Khmer, ngụ thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania nổi tiếng thị trường trong nước, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Với tâm huyết nâng cao giá trị đặc sản thốt nốt và tạo thêm việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số Khmer, xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, năm 2017, chị Dịu quyết định khởi nghiệp từ cây thốt nốt. Chị bao tiêu đường thốt nốt sệt do nông dân sản xuất rồi mang về cơ sở chế biến thành mật thốt nốt dạng sệt hoặc bột theo quy trình khép kín. Với cách bao tiêu đầu ra và giá thu mua luôn cao hơn thị trường, đến nay chị Dịu đã liên kết được 4 hộ sản xuất đường an toàn, tạo thu nhập ổn định cho bà con địa phương.

 

duong thot not ngoc diu
duong thot not ngoc diu 2
duong thot not ngoc diu 3
duong thot not ngoc diu 4
duong thot not ngoc diu 5

 

Tháng 4/2020, sản phẩm đường thốt nốt sệt của Công ty Cổ phần Palmania đã được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao giai đoạn 2019-2020. Tháng 5/2020, 2 sản phẩm đường thốt nốt sệt và đường thốt nốt bột của Công ty Cổ phần Palmania đã được UBND huyện Tri Tôn công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2020. Hiện đang được xét đạt tiêu chuẩn phân hạng 5 sao.

ngoc diu

Đặc biệt, năm 2020, chị Dịu đem mật thốt nốt tham dự cuộc thi Great Taste Awards tổ chức ở Anh và vinh dự nhận được giải 2 sao. Giải thưởng này được xem như "giải Oscar" trong thế giới ẩm thực.  Với thành tích này, sản phẩm mật thốt nốt bột Palmania trở thành thương hiệu mật thốt nốt bột thứ 3 trên thế giới đạt được chứng nhận 2 sao Great Taste Awards. Tiếp năm 2021, chị Dịu mang mật thốt nốt sệt tham gia Great Taste Awards và đạt được giải 1 sao.

Chị Dịu cho biết, nếu như doanh thu năm 2017-2018 chỉ khoảng 200 triệu đồng/vụ thốt nốt/năm thì từ năm 2019 đến nay, doanh thu của đơn vị đã tăng trưởng gấp 6 lần lên mức 1,2 tỷ đồng.

tho not
          

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí