Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, ngành Thuế đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt triển khai các giải pháp số hóa, hiện đại hóa quản lý thuế, chống thất thu, đồng thời kịp thời tham mưu và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Tổng cục Thuế lựa chọn 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Thuế Việt Nam.
1. Những bước tiến vượt bậc trên hành trình số hóa và chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý thuế với mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”; Ứng dụng thuế điện tử (eTax Mobile) của Tổng cục Thuế đề cử lựa chọn cho hạng mục “Ứng dụng Chuyển đổi số ấn tượng của năm”
Chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 tiếp tục được ngành Thuế triển khai thực hiện dựa trên nền tảng thuế điện tử để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số. Ngành Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cung cấp dịch vụ thuế điện tử, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý thuế. Năm 2024, ngành Thuế tiếp tục thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức quản lý thuế, từng bước tích hợp đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.
Tiếp theo thành công trong triển khai hóa đơn điện tử; dịch vụ thuế điện tử; triển khai tích hợp hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2024 công tác chuyển đổi số của ngành Thuế tiếp tục có bước tiến vượt bậc, thông qua việc nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn trên 148 giải pháp quản lý công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng thế giới phục vụ, tạo thuận lợi cho NNT. Đồng thời, ngành Thuế đã tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác hỗ trợ NNT, quản lý nợ thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế... góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn; quản lý thuế đối với các sàn TMĐT chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch theo đúng quy định pháp luật thuế của Việt Nam.
Với việc triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong toàn ngành, từng bước tích hợp đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế lên môi trường số, cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số, ngành Thuế đã căn bản thay đổi toàn diện phương thức quản lý trên nền tảng thuế điện tử để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số, từ đó cụ thể hóa Chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.
Ứng dụng eTax Mobile do Tổng cục Thuế nghiên cứu, phát triển với tính năng nổi bật là thao tác thuận lợi, nhiều tiện ích và đảm bảo an toàn, bảo mật thông qua thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, giúp NNT có thể được trải nghiệm nhiều tiện ích, nhanh chóng và thực hiện mọi lúc mọi nơi, liên tục, ổn định, thông suốt 24/7 và phổ cập đến NNT trên phạm vi toàn quốc là một trong 5 ứng dụng được VTV Awards 2024 (Đài Truyền hình Việt Nam) đề cử lựa chọn cho hạng mục “Ứng dụng Chuyển đổi số ấn tượng của năm” - đây là hạng mục ghi nhận những đóng góp nổi bật phục vụ cộng đồng trong việc ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực thiết yếu, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.
2. Dùng giải pháp công nghệ tăng cường phòng chống và ngăn chặn gian lận hóa đơn
Để đẩy lùi tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp trên không gian mạng, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường các giải pháp về CNTT nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn những trường hợp gian lận, mua bán hóa đơn, hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa chi phí đầu vào, trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN. Bên cạnh đó, triển khai nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng HĐĐT trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh việc áp dụng hệ số tự động so sánh tổng giá trị hàng hóa đã bán ra trên các hóa đơn đã xuất với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào (hệ số K) trong quản lý rủi ro HĐĐT.
Năm 2024, cơ quan thuế đã đưa 79.731 NNT thuộc diện cảnh báo cần rà soát, kiểm tra hoá đơn. Kết quả rà soát, kiểm tra đã chuyển sang cơ quan điều tra hồ sơ 501 NNT; ra Thông báo không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh với 4.423 NNT; đưa vào kế hoạch thanh tra kiểm tra 1.124 NNT; có 2.189 NNT đã ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động; NNT kê khai điều chỉnh tăng thuế phải nộp 4.750,32 tỷ đồng
Để cảnh báo tình trạng rao bán hóa đơn trái phép trên môi trường mạng, cơ quan thuế đã đưa ra khuyến cáo NNT chấp hành tốt chế độ hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật và tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh với hành vi mua, bán hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để tiến hành xử lý vi phạm.
3. Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng vượt bậc; triển khai Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Năm 2024, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trong nước đạt 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023; Công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, năm 2024 đã có thêm 48 NCCNN đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam, nâng tổng số lên 123 NCCNN khai, nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% số thu cùng kỳ năm 2023.
Xác định công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số trong nước và xuyên biên giới là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường quản lý thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN, ngày 19/12/2024, ngành Thuế đã triển khai Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT với các tính năng cơ bản như: đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, tra cứu; hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận phản hồi từ NNT; tự động hóa và tích hợp hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện nghĩa vụ thuế, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ, cá nhân kinh doanh cũng như tự động tính mức thuế dựa trên doanh thu mà NNT kê khai, giúp người kinh doanh dễ dàng theo dõi, nắm bắt số thuế phải nộp và chủ động thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Cổng TTĐT dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT được kỳ vọng có thể hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số trong nước thực hiện các thủ tục về thuế. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch trong bối cảnh kinh doanh trên nền tảng số ngày càng mở rộng tại Việt Nam.
4. Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, lần đầu tiên ngành Thuế cán mốc thu ngân sách nhà nước đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025, hướng tới Đại hội XIV của Đảng là năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2021-2025.
Trong bối cảnh đó, ngành Thuế đã phát huy truyền thống đoàn kết, với niềm tin vững chắc từ những thành quả đã đạt được và quyết tâm cao đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác thuế trong quản lý thu, chống thất thu NSNN; kịp thời tham mưu về chính sách thuế và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN, người dân…
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, số thu do ngành Thuế quản lý năm 2024 về đích đạt 1.732.800 tỷ đồng, bằng 116,5% dự toán (tương ứng vượt 245.588 tỷ), bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023. Có thể khẳng định, ngành Thuế đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao năm 2024, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo nguồn lực phục vụ an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.
5. Hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu
Năm 2024, ngành Thuế chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thuế, chính sách thuế đơn giản, dễ thực hiện, giảm chi phí tuân thủ cho NNT ngay từ khâu xây dựng văn bản pháp luật thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Công tác triển khai chính sách thuế hỗ trợ DN sau thiên tai, dịch bệnh được đặc biệt chú trọng và triển khai đồng bộ, từ đó giúp DN sớm khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh và đóng góp vào NSNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Dấu mốc trong công tác xây dựng thể chế chính sách của ngành Thuế là ngày 29/11/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật (trong đó có Luật Quản lý thuế) và Luật Thuế GTGT sửa đổi. Các nội dung sửa đổi đã thể hiện tính bao quát của chính sách trong việc quản lý nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.
Cùng với đó, ngành Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết số 107/2023/QH15 về áp dụng thuế thu nhập bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, tăng nguồn thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế và giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận và xác định quyền đánh thuế của Việt Nam; và báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
6. Quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp quản lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả
Trong năm 2024, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đẩy mạnh triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp NNT chủ động cập nhật kịp thời nghĩa vụ thuế, các khoản nợ thuế của NNT. Cùng với đó, cơ quan thuế tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đối với những DN bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, ngành Thuế đã công khai thông tin, chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, cố ý chây ỳ nợ thuế để xử lý nhằm nâng cao tính răn đe đối với các trường hợp cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế.
Kết quả thu nợ năm 2024 đạt 62.919 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu NSNN năm 2024 là 7,9%.
7. Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về triển khai hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2022, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 11/2023, chỉ có hơn 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên tổng số gần 16.000 cửa hàng thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Công điện chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa; thành lập các đoàn công tác liên ngành để tiến hành giám sát việc thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Thống kê đến tháng 04/2024, toàn bộ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành HĐĐT từng lần bán hàng theo quy định. Sản lượng xăng dầu bán lẻ qua các cột bơm từ khi triển khai (tháng 4/2024) đến nay tăng 14,5% so với thực hiện cùng kỳ năm trước với số thu NSNN tăng 15%.
Việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng không những giúp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, mà còn góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và tạo mội trường kinh doanh minh bạch chống buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Đánh giá cao kết quả đạt được nêu trên, ngày 03/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen ngợi, biểu dương Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong công tác triển khai HĐĐT xuất theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
8. Đánh giá sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế với chất lượng phục vụ của cơ quan thuế
Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, với mục tiêu “Đến năm 2025 tối thiểu có 90% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp”, năm 2024, ngành Thuế đã triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của NNT đối với sự phục vụ của cơ quan thuế để đánh giá khách quan việc cung cấp dịch vụ công, thực thi chức trách, nhiệm vụ liên quan đến NNT của cơ quan thuế các cấp, từ đó xác định các vấn đề cần cải thiện để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan thuế với NNT. Kết quả điểm chỉ số hài lòng năm 2024 đạt 88,3%. Đây là kết quả rất khả thi, tiệm cận mục tiêu chiến lược đến năm 2025. So với kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN và NNT trong việc giải quyết thủ tục hành chính thuế năm 2019 với tỷ lệ đánh giá hài lòng là 77,94%, thì kết quả năm 2024 đã tăng 10,46 điểm.
Năm 2024, với thông điệp “Đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có trách nhiệm với người nộp thuế”, ngành Thuế với tinh thần đồng hành cùng NNT đã đổi mới phương thức đối thoại trực tiếp để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng DN và NNT trong việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật thuế. Việc đổi mới công tác đối thoại đã đón nhận được phản ứng tích cực từ phía NNT và thêm một lần khẳng định quyết tâm thực hiện đúng mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”.
9. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, toàn ngành Thuế quyết tâm, nhất quán trong chỉ đạo và nghiêm túc triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy hướng đến nâng cao năng lực quản lý điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Với tinh thần, mục tiêu tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, ngành Thuế cải cách triệt để theo hướng tinh gọn, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thuế, đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi số đồng bộ và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn tập trung, từ đó giúp bộ máy hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, hiệu quả, lấy NNT làm trung tâm với phương châm thủ tục thuế đơn giản hơn, nhanh hơn, là bạn đồng hành tin cậy trước mọi khó khăn vướng mắc của NNT.
10. Tăng cường hỗ trợ người nộp thuế, ngành Thuế áp dụng Ứng dụng Chatbot AI - Trợ lý ảo
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số - một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, Cục Thuế TP Hà Nội đã nghiên cứu, phát triển ứng dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ NNT” nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính thuế, nâng cao chất lượng phục vụ NNT. Kết quả, từ cuối tháng 11/2024 đến nay đã có gần 30.000 lượt hỏi/đáp trả lời NNT.
Ứng dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ NNT” sẽ tự động trả lời, giải đáp các vướng mắc, nhanh chóng, chính xác với nội dung chi tiết, ngoài ra ứng dụng tích hợp sẵn hệ thống các mẫu biểu thủ tục hành chính hiện hành, những clip hướng dẫn trực quan, dễ hiểu. NNT có thể dễ dàng sử dụng, tương tác với trợ lý ảo mọi lúc mọi nơi thông qua các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng, máy tính khi truy cập vào Cổng TTĐT ngành Thuế hoặc trên ứng dụng Zalo.
Sản phẩm “Trợ lý ảo hỗ trợ NNT” là công cụ góp phần hỗ trợ người dân, DN tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế và khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm của ngành Thuế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, cải thiện chỉ số hài lòng NNT và hiện thực hóa được quan điểm xuyên suốt trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực quản lý thuế, từ đó góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia.