Sau hơn 4 tháng tạm dừng, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu trở lại từ ngày 11/3 vừa qua. Sau 7 phiên phát hành tín phiếu liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã hút gần 100.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Đây là số tiền không lưu thông trong nền kinh tế và sẽ được Ngân hàng Nhà nước bơm trả hệ thống từ ngày 8/4.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, động thái trên nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các Ngân hàng Trung ương. Đồng thời, hoạt động điều tiết trên không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.
Trong đó, SSI Research nhận định, mục đích chủ yếu của Ngân hàng Nhà nước là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Đồng quan điểm như trên, BSC Equity Research đánh giá, việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng của Nhà điều hành, qua đó thúc đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng, gián tiếp kiềm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND - vốn đang chịu nhiều áp lực và đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây.
Việc lãi suất chênh lệch giữa USD và VND đang ở mức âm lớn trong suốt giai đoạn qua đã kích thích các hoạt động giao dịch đầu cơ carry trade. Trong đó, nhà đầu tư sử dụng đồng tiền lãi suất thấp để mua đồng tiền lãi suất cao hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất.
Đáng chú ý, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 100.000 tỷ đồng, tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao lịch sử, 24.900 - 25.000 VND/USD ở chiều bán ra.
Xem thêm: "Tỷ giá USD/VND “nổi sóng”, liệu có vượt đỉnh năm 2022?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tỷ giá trên thị trường tự do dù đã giảm so với mức kỷ lục nhưng vẫn đang duy trì tương đối cao. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa tỷ giá trung tâm lên sát mốc 24.000 VND/USD.
Đồng thời, dữ liệu cho thấy số lượng thành viên tham gia chào thầu qua các phiên vẫn ở mức khá cao trong khi lãi suất liên ngân hàng đang giảm trở lại cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn còn khá dồi dào.
SSI Research đánh giá, với việc tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động này ít nhất trong vòng 2 tuần tới.
Đồng thời, với áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại, theo SSI Research.
Trong khi đó, BSC Equity Research dự báo, trong đợt này, Ngân hàng Nhà nước sẽ hút ròng cao nhất 150.000 tỷ đồng, với lãi suất trung bình ở mức 1,1%/năm đến 1,3%/năm.