1001 kiểu gian lận thi cử trên thế giới

Trong khi Việt Nam đang xôn xao về bê bối tại Hà Giang, Sơn La thì, từ sửa điểm, lộ đề cho tới dùng công nghệ cao để gian lận, thi cử trên thế giới cũng ngày càng phức tạp, khi mà đến cả Đại học Harva

Atlanta, Mỹ: Mở party cùng nhau sửa điểm

Năm 2011, 178 giáo viên và nhân viên từ 44 trường công tại bang Atlanta, Mỹ thay đổi đáp án của học sinh trong bài kiểm tra có tên Criterion-Referenced Competency Test (CRCT) (Kiểm tra năng lực tham chiếu theo tiêu chuẩn) đã bị phơi bày sau nhiều năm.

Theo tờABC News, thậm chí có trường còn tổ chức những bữa tiệc pizza vào cuối tuần để cùng nhau sửa đáp án trước khi nộp bài. Chỉ trong vòng 1 năm, điểm số trung bình của trường đã tăng khoảng 45%.

Cô Sidnye Fells, một giáo viên lớp 4 cho hay những thầy cô không chịu hợp tác sẽ bị phạt hoặc bị đuổi việc. Sau đó, do không chịu được áp lực, cô Fells đã tự xin nghỉ việc vào năm 2008. Bà Beverly Hall, hiệu trưởng cũ của trường bị buộc tội khuyến khích hành vi gian lận này khi nhận hối lộ hàng trăm nghìn đô la để làm tăng điểm số bài thi của các em học sinh.

Vụ sửa điểm học sinh gây chấn động toàn nước Mỹ. Tòa án Mỹ sau đó truy tố trách nhiệm của 35 người có liên quan trực tiếp và đưa ra phán quyết vào năm 2015. Trong đó, 21 người đã nhận tội để được hưởng khoan hồng, 2 người đã qua đời trong khi chờ xét xử, bao gồm cả bà Hall và một số còn lại thì đã phải chịu án tù 3 năm, nhiều giờ lao động công ích và khoản tiền bồi thường khoảng 10.000 USD (~230 triệu VNĐ).

11 giảng viên tại Atlanta, Mỹ đã chịu án tù từ 6 tháng – 3 năm và nhiều giờ lao động công ích khi bị phát hiện sửa điểm trong kì thi CRCT

Mỹ: Đến Harvard cũng gian lận

Đại học Harvard được mệnh danh là trường Đại học danh giá nhất thế giới và luôn là mơ ước của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, năm 2012, ngành giáo dục Mỹ và thế giới đã bàng hoàng khi báo chí đưa tin vụ việc 125 sinh viên đang bị điều tra do có nghi ngờ gian lận trong thi cử.

Sự việc xảy ra vào kỳ xuân năm 2012 khi gần một nửa trong số 250 sinh viên tại lớp học do Giáo sư Matthew B. Platt phụ trách bị Ban quản trị trường Harvard trực tiếp điều tra khi thấy hàng trăm bài thi có nhiều điểm tương đồng. Tuy không tiết lộ danh tính sinh viên, nhưng sau đó trường Harvard xác nhận rằng một số sinh viên đã phải chịu hình phạt đình chỉ một năm học.

Hơn 100 sinh viên Harvard “rủ nhau” cùng làm bài thi trong kì thi cá nhân đã trở thành scandal giáo dục lớn nhất trong lịch sử trường đại học danh giá của thế giới

Thái Lan: Công nghệ cao như phim Hollywood!

Năm 2016, đại học Rangsit của Bangkok đã hủy kỳ thi tuyển vào ngành đào tạo nha sĩsau khi phát hiện ra những hành động bất thường của 3 nữ thí sinh. 3 người này đã bị bắt quả tang sử dụng máy ảnh gián điệp (spy camera) kết nối với đồng hồ thông minh (smartwatch) để gian lận trong các kỳ thi.

Họ đã sử dụng spy camera không dây giấu trong mắt kính để quay lại câu hỏi thi, rời khỏi phòng sau khi cuộc thi bắt đầu được 45 phút và chuyển ảnh vào một máy tính xách tay. Người giữ máy tính gửi ảnh đến trung tâm "thi hộ" mà ba thí sinh đã đăng ký từ trước. Câu trả lời sau đó được truyền đến đồng hồ thông minh của các cô gái.Kỹ năng gian lận này được đem ra so sánh với các bộ phim gián điệp kinh điển của Hollywood.

Họ khai rằng đã trả 800.000 baht (~550 triệu VNĐ) cho dịch vụ này.

Spy camera kết hợp với smartwatch đã đưa gian lận trong thi cử tại Thái Lan lên một tầm công nghệ mới


Ấn Độ: Đề thi lộ, lộ nữa, lộ mãi

Ấn Độ là một quốc gia đông dân nhất nhì thế giới với 17 triệu người đủ tuổi trở thành lao động, nhưng chỉ có khoảng 5,5 triệu công việc được tạo ra mỗi năm. Vì lẽ đó, người Ấn quan niệm đỗ vào đại học là yếu tố sống còn nếu muốn có một tương lai tốt đẹp.

Trong kì thi đại học ở Ấn Độ, mỗi năm có tới hàng nghìn thí sinh bị hủy thi vì gian lận. Một trong những vụ gian lận gây chấn động Ấn Độ diễn ra vào tuần đầu tháng 4/2016, khi đề thi môn Hóa học ở bang Karnataka bị lộ khiến các quan chức đã hủy thi.

Một tuần sau đó, bang này dự kiến tổ chức cuộc thi lại, nhưng cuối cùng tiếp tục bị hủy khiến 174.000 thí sinh bị ảnh hưởng cũng lại vì đề thị bị lộ. Theo Guardian, một trong những người bị bắt là trợ lý Bộ trưởng Giáo dục của bang.

Một vụ bê bối khác ở Ấn Độ diễn ra vào tháng 4/2018, khi 2,8 triệu sinh viên ở New Delhi buộc phải làm lại bài thi vì đề bị lộ trên mạng xã hội WhatsApp khoảng 90 phút trước khi giờ thi bắt đầu. Tuy nhiên, do chỉ là kì sát hạch nên nó không khiến các thí sinh quá đau đầu.

Việc lộ đề trước giờ thi ở Ấn Độ lặp lại không ít lần khiến các nhà chức trách đau đầu khi gây ảnh hưởng lớn tới cả sự phát triển của nền giáo dục nước này

Trung Quốc: Vân tay cũng giả như thường

Tháng 6/2014, hơn 120 sinh viên đại học đã sử dụng dấu vân tay giả để vào phòng thi hộ cho các học sinh tốt nghiệp trung học.

Theo đó, những người thi hộ đã đeo một tấm màng mỏng có dấu vân tay của thí sinh, vào phòng thi và làm bài thi hộ. Các giám thị cũng được hối lộ để hỗ trợ những người thi hộ.

Những người thay thế mỗi người nhận được 5.000 nhân dân tệ (~17 triệu VNĐ) như một khoản thanh toán trước và sẽ nhận thêm hàng chục ngàn nhân dân tệ nếu kết quả bài thi tốt.

Ngoài vân tay giả, một cục tẩy chứa bộ phát tín hiệu giúp 27 người nhận được câu trả lời đúng trong kỳ thi cấp giấy phép dược sĩ ở tỉnh Giang Tô vào tháng 11 cũng khiến dư luận ngạc nhiên về độ tinh vi của các thiết bị gian lận này.

Các thiết bị, trông giống như tẩy cao su thông thường, chứa các mạch tích hợp cho phép các thí sinh gửi câu hỏi cho những người bên ngoài phòng thi và nhận câu trả lời từ bên ngoài vào.

Một giám thị đã nảy sinh nghi sau khi nhận thấy rằng một nữ thí sinh thường xuyên nhìn chằm chằm vào cục tẩy của mình. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ 10 người để bán các công cụ gian lận và tịch thu hơn 100 thiết bị gian lận này.

Các công nghệ hiện đại được áp dụng bài bản vào gian lận trong thi cử tại Trung Quốc


Hàn Quốc: Hủy kết quả bài thi SAT trên cả nước vì lộ đề

Lộ đề thi SAT đã xảy ra đến 2 lần ở Hàn Quốc vào năm 2007 và 2013.

Lần đầu tiên vào tháng 1/2007, có khoảng 900 học sinh bị hủy kết quả sau khi có nghi vấn một phần đề thi đã bị lộ ra trước đó.

Đến năm 2013, gian lận đã xảy ra ở một quy mô lớn hơn khi toàn bộ bài thi ngày 4/5 trên toàn quốc (của khoảng 1.500 thí sinh) bị hủy sau khi Cơ quan giám sát kì thi SAT (College Board) và Cơ quan chấm điểm kì thi (Educational Testing Service) nhận được thông báo rằng nhiều trung tâm luyện thi trên Hàn Quốc đã biết được đề thi trước đó.

Một cuộc điều tra sau đó đã được tiến hành với tất cả 68 trung tâm luyện thi tại Seoul, Hàn Quốc. Theo Wall Street Journal, một số nhân viên đã thừa nhận gian lận và cho biết rằng đề thi SAT được bán với giá khoảng 4.500 USD (~105 triệu VNĐ).

Hàn Quốc là một trong số những quốc gia có vụ lộ đề SAT quy mô lớn nhất thế giới với 2 lần hoãn thi toàn quốc

UAE: Phụ huynh, học sinh rủ nhau group chat xem… đề thi

Mới đây, Bộ Giáo dục của Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã phát hiện ra tên và danh tính của các cá nhân liên quan đến việc rò rỉ bài thi toán lớp 12 thông qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp.

Theo đó, khoảng 5.500 sinh viên và các phụ huynh tham gia vào một nhóm trò chuyện trên nền tảng nhắn tin xã hội, đã nhận được một bức ảnh chụp đề thi chỉ sau vài phút thi sau khi kỳ thi bắt đầu hồi tháng 6/2018.

Ảnh của bài kiểm tra được chia sẻ trong vòng 5 phút đầu tiên sau khi giám thị phát đề thi. Mặc dù điện thoại di động hoàn toàn bị cấm trong phòng thi nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào một học sinh có thể mang thiết bị vào phòng thi.

Sự việc này đã gây ra một cú “shock” ở UAE bởi quy mô và số người tham gia vào vụ gian lận này. Hiện tại, các học sinh có liên quan sẽ bị cấm tham dự tất cả các kỳ thi cũng như không nhận được bằng.

Các giám thị trong phòng thi của cuộc kiểm tra cũng sẽ bị điều tra, vì sử dụng thiết bị di động trong phòng thi được coi là một vi phạm nghiêm trọng.

Bộ Giáo dục nước này đã phải đưa ra quy định nghiêm cấm sao chép ảnh hoặc chia sẻ bài kiểm tra trước hoặc sau kỳ thi qua email, phương tiện truyền thông xã hội hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào. Bộ Giáo dục cũng đã ban hành một cảnh báo chung thông qua Instagram, cảnh báo, những cá nhân vi phạm sẽ bị phát hiện và trừng phạt.

5.500 sinh viên và phụ huynh tại UAE đã chia sẻ với nhau trên Whatsapp bức ảnh đề toán lớp 12 chỉ vài phút sau khi kỳ thi bắt đầu


Algeria: Cắt internet cả nước để bảo mật đề thi

Nền giáo dục Algeria năm 2016 đã hứng chịu bê bối lớn khimột số câu hỏi trong kỳ thi bị đăng lên mạng xã hội trước hoặc khi bài thi bắt đầu.

Chính phủ Algeria bị chỉ trích nặng nề và phải tổ chức buổi thi mới cho những thí sinh đến trễ - những người có thể đã biết trước câu hỏi. Algeria bắt 31 người liên quan đến vụ rò rỉ, trong đó có một số nhân viên Bộ Giáo dục.

Năm 2017, để tránh sự cố này lặp lại, Algeria hồi tháng 6 ngắt mạng cả nước ba tiếng một ngày trong 6 ngày diễn ra kỳ thi. Nhiều người phàn nàn về biện pháp này, nói rằng nó gây ra quá nhiều bất tiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Nouria Benghabrit nhấn mạnh họ phải làm vậy để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Ngoài ra, thiết bị chặn sóng di động, camera giám sát và máy dò kim loại cũng được lắp đặt để phát hiện thiết bị gian lận.

Algeria không phải quốc gia đầu tiên chặn truy cập Internet để tránh gian lận thi cử. Iraq từ năm 2016 cũng chặn kết nối Internet trong 3 ngày, mỗi ngày 3 giờ, trong thời gian diễn ra kỳ thi cuối năm của học sinh lớp 6. Trước đó, Uzbekistan từng chặn truy cập web vào năm 2014, còn bang Gujarat của Ấn Độ cũng từng chặn mạng di động trong 4 giờ để phục vụ kỳ thi kế toán quốc gia.

Câu trả lời cho bài toán gian lận thi cử của chính quyền Algeria chính là tạm cắt luôn internet trên cả nước trong những ngày kỳ thi diễn ra

Thy Thảo (TH)