Tham gia buổi lễ, về phía tỉnh Điện Biên có bà Lò Thị Luyến - Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên; ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên; ông Hồ Văn Nam - Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh Điện Biên; Đại tá Nguyễn Tiến Long - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; ông Hoàng Thanh Hải - Phó Bí thư thường trực huyện uỷ Điện Biên; ông Nguyễn Tiến Cường - Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên; ông Nguyễn Đăng Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Mường Pồn; ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn.
Về phía Đảng ủy Bộ Công Thương có bà Hà Mai Anh - Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Công Thương.
Về phía Tổng công ty VEAM có Chủ tịch HĐQT Ngô Khải Hoàn, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Giang…
Đây là chương trình đầy ý nghĩa được VEAM liên tục triển khai trong năm nay nhằm chia sẻ khó khăn cho người dân chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 trên toàn quốc. Được biết, các sản phẩm được Tổng công ty VEAM trao tặng đợt này là máy cày BS86, thương hiệu máy nông nghiệp Bông Sen có lịch sử 65 năm, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC), đơn vị thành viên của VEAM. Dòng máy nông nghiệp BS86, BS165 là loại máy mới nhất, đã được nghiên cứu cải tiến để phù hợp với tình hình canh tác sản xuất tại các địa phương. Máy phù hợp canh tác hoa màu, ruộng có diện tích nhỏ, ruộng bậc thang… Bên cạnh đó, máy có nhiều công năng sử dụng như cày bừa, vận chuyển nông sản, bơm nước, phát điện và một số hoạt động khác.
Bão số 3 gây thiệt hại không thể đo đếm
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Mường Pồn cho biết: Cơn bão số 2 và đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây lũ quét và sạt lở đất xảy ra, gây thiệt hại không thể đo đếm về người và tài sản của xã Mường Pồn - huyện Điện Biên, đặc biệt là tại các khu vực thuộc 04 bản của xã Mường Pồn gồm: Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, bản Lĩnh và bản Tin Tốc. Theo đó, có 4 người thiệt mạng, 3 người mất tích và 7 người bị thương.
Ngoài thiệt hại về con người, thiên tai còn tàn phá hơn 90 ngôi nhà, hàng trăm hecta đất nông nghiệp, gần 4.000 vật nuôi, cùng với cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm bị tê liệt hoàn toàn; 18 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, 05 công trình nước sinh hoạt bị hỏng hoàn toàn; hàng trăm tài sản như: xe máy, trang thiết bị, máy móc của người dân bị lũ cuốn trôi, vùi lấp không tìm thấy.
Do ảnh hưởng bởi bão số 3, hơn 100 gia đình phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; có 333 hộ với 1.366 khẩu cần hỗ trợ cứu đói do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt… Ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến gần 175 tỷ đồng.
Về nông nghiệp, ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến 66,5 ha diện tích ruộng lúa bị đất, đá vùi lấp khối lượng lớn (người dân không tự khắc phục được); 48,5 ha diện tích ruộng lúa bị đất đá vùi lấp khối lượng nhỏ (người dân tự khắc phục được); 8ha diện tích ruộng lúa bị sạt lở, lũ quét mất ruộng hoàn toàn (tại các khe suối không khắc phục được).
“Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là việc tổ chức tái định cư và hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất cho các hộ dân mất nhà cửa, tài sản, ruộng đất. Với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, việc hỗ trợ nơi ở mới cho họ cần nguồn kinh phí rất lớn và thời gian dài. Bên cạnh đó, việc cải tạo lại đất nông nghiệp bị vùi lấp do lũ quét, sạt lở cũng đang là một thách thức lớn. Đất đai bị cày xới, sỏi đá tràn ngập, khiến việc canh tác trở nên khó khăn, và đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ để cải tạo và phục hồi” – ông Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ. Trong bối cảnh đó, sự quan tâm của VEAM dành cho người dân xã Mường Pồn là rất kịp thời và quý báu.
Tấm lòng VEAM đến với người dân vùng khó khăn
Chia sẻ với những khó khăn của người dân xã Mường Pồn, ông Ngô Khải Hoàn – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VEAM cho hay, VEAM là doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất về quy mô và có truyền thống lâu dài về sản xuất máy nông nghiệp tại Việt Nam, cùng với bề dày kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên thị trường nông nghiệp tại Việt Nam. Để phục vụ nhu cầu của người nông dân, các dây chuyền sản xuất của VEAM liên tục được đầu tư và cải tiến để có thể đạt được chất lượng tốt nhất với chi phí thấp.
Truyền thống đoàn kết," tương thân tương ái", tinh thần "nhường cơm sẻ áo" cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ, hỗ trợ người dân tại các tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai mưa lũ gây ra luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm.
“Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Tổng công ty máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn dành một nguồn lực nhất định để hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo trên cả nước gặp nhiều khó khăn, thông qua giúp các hộ nghèo bị thiệt hại bởi thiên tai bão lũ có phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” - ông Ngô Khải Hoàn chia sẻ.
"Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. VEAM luôn đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, và cảm thông sâu sắc.
Nối dài những chuyến đi trước đây, hôm nay, VEAM mang 15 máy nông nghiệp đến tặng người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại Điện Biên. Tập thể Ban lãnh đạo Tổng công ty, Công đoàn Tổng công ty cùng hơn 16.000 lao động trong toàn Tổng Công ty mong muốn với món quà nhỏ này sẽ góp phần giúp các hộ dân sớm khôi phục sản xuất, dần ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo. VEAM cũng mong rằng bà con, những người được nhận máy nông nghiệp sẽ thay đổi phương thức sản xuất, qua đó giúp bà con tiết kiệm sức lao động, đưa máy móc vào hoạt động nông nghiệp hướng đến mô hình sản xuất hàng hóa áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để làm ra sản phẩm chất lượng cao.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VEAM cũng kỳ vọng những chiếc máy nông nghiệp ngày hôm nay được trao tặng cho bà con sẽ được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời còn giúp các hộ dân không có vốn đề đầu tư máy móc có điều kiện tiếp cận phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, từng bước xóa đói giảm nghèo thông qua nâng cao năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp.
Là một trong những người dân được tặng máy đợt này, anh Lò Văn Một, 50 tuổi, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn chia sẻ, lũ quét đã cuốn trôi máy cày, gần 1ha ruộng của gia đình bị đất đá vùi lấp. Nhờ có hỗ trợ của VEAM, gia đình anh đã có phương tiện để khôi phục lại phần nào diện tích ruộng bị đất đá do lũ quét lấp 4m. Sản phẩm phù hợp với nhu cầu của gia đình trong canh tác ruộng bậc thang, có diện tích nhỏ.
Anh Lù Văn Hom, 45 tuổi, bản Lĩnh, xã Mường Pồn chia sẻ thêm, lũ quét khiến gia đình anh mất 5600m2 đất nông nghiệp, hiện số đất tái sử dụng còn 2.600m2. Trước đây, gia đình anh mỗi năm cấy 2 vụ đều dùng sức kéo của trâu bò để xới đất. “Món quà của VEAM hôm nay là sự hỗ trợ rất thiết thực, giúp cho gia đình không còn phải xới đất thủ công nữa. Chúng tôi rất xúc động trước sự quan tâm chia sẻ của VEAM” – anh Lù Văn Hom nói.
Từ tháng 11/2024 đến nay, VEAM đã trao tổng cộng 184 máy nông nghiệp cho các tỉnh Lào Cai, Thanh Hoá, Thái Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Điện Biên và 180 triệu đồng cho các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.