Thời bao cấp, thương nghiệp quốc doanh có 3 nguồn hàng cơ bản để phục vụ sản xuất và người tiêu dùng.
Thứ nhất và quan trọng nhất là các xí nghiệp quốc doanh và các cơ sở gia công của mậu dịch quốc doanh giao nộp sản phẩm. Nguồn hàng này thực hiện qua cơ chế cấp phát và giao nộp: Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch, cấp phát vật tư (qua thương nghiệp) cho doanh nghiệp, doanh nghiệp giao nộp sản phẩm cho Nhà nước (qua thương nghiệp) để cấp phát hoặc bán lẻ trên thị trường.
Nguồn thứ hai, từ nhập khẩu qua 3 hình thức: nhận viện trợ, vay nợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và trao đổi mậu dịch.
Nguồn thứ ba, hệ thống thương nghiệp quốc doanh thu mua nông lâm sản của các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” nhận định, trong thời bao cấp thì đây là những nguồn hàng quan trọng, được tập trung cao độ vào thương nghiệp quốc doanh. Đến năm 1959 - 1960, hàng nông sản do mậu dịch quốc doanh mua vào đã đạt tỷ trọng rất cao trong hàng hóa nông nghiệp: thóc: 86,1%; ngô: 63,5%; đỗ tương: 75%; lạc: 70%; đỗ các loại: 81,8%; bông: 100%; đay: 95%; thuốc lá: 67%.
Nhìn chung, thương nghiệp quốc doanh đã có sự phát triển rất nhanh chóng, tổng trị giá hàng hóa mua vào trong 5 năm (1955 - 1960) tăng 6,3 lần, tổng mức lưu chuyển bán lẻ năm 1960 so với năm 1955 tăng hơn 6 lần.
Hàng nghìn cửa hàng bán buôn, bán lẻ, thu mua và phục vụ ăn uống, dịch vụ ra đời, tạo nên mạng lưới kinh doanh thương nghiệp trải khắp các thành phố, tỉnh, huyện và thị trấn. Nếu năm 1955 mới có 511 cửa hàng thì đến năm 1960 đã có 1.987 cửa hàng…
Giai đoạn này, ngành Nội thương rất nỗ lực trong tổ chức tiếp nhận, thu mua và phân phối cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng; góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; thị trường giá cả bình ổn; hàng hóa trên thị trường ngày càng phong phú hơn, việc mua bán dễ dàng, thuận tiện hơn.
Báo cáo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá II, ngày 12/4/1961, ghi nhận: “Công tác thương nghiệp được mở rộng và tăng cường, trong 3 năm, mức bán ra của mậu dịch quốc doanh tăng 142%. Khối lượng thu mua năm 1960 đã tăng 170% so với năm 1957”.
Nhưng việc khai thác các nguồn hàng phục vụ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ngày 19/12/1959, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ban hành Chỉ thị số 459-TTg đẩy mạnh công tác thu thuế, thu nợ và mua thóc. Trong đó nhấn mạnh:
“Có hợp tác xã nông nghiệp dành thóc tốt để chia hoa lợi cho xã viên và để bỏ vào quỹ chung, đem thóc xấu nộp thuế, một số nông dân giữ thóc tốt lại để dành hoặc làm gạo bán ra, đem nộp thuế thóc vừa hoặc xấu của nhà mình, thậm chí có người đem bán thóc tốt lấy giá cao, mua thóc xấu nộp cho Nhà nước. Một số nơi tính thuế cho hợp tác xã nông nghiệp chậm, nên thu chậm”;
“Việc vận động trung nông thừa thóc bán cho Nhà nước còn yếu, nên ít kết quả. Một số khá đông hợp tác xã nông nghiệp còn có những ý nghĩa không đúng, còn so đo, tính toán chưa chịu bán thóc quỹ của hợp tác xã cho Nhà nước, chưa vận động xã viên thừa thóc gương mẫu trong việc bán cho Nhà nước. Việc quản lý thị trường nhiều nơi còn lỏng lẻo”;
“Diện thu mua vẫn còn để quá dày, việc ủy thác xã vẫn chưa bố trí theo đúng sự hướng dẫn của Bộ Nội thương. Việc bảo quản, vận chuyển thóc ở những nơi mua dồn dập đang gặp khó khăn, một số thóc phải để ngoài trời đã bị mưa”.
Hàng công nghiệp giao nộp cũng tương tự, thường xuyên thiếu, nhất là hàng may mặc, phương tiện đi lại như xe đạp và phụ tùng, hóa phẩm như xà phòng, kem đánh răng…