Chỉ nhìn vào các sự kiện dồn dập từ đầu năm đến nay thôi, chúng ta đã thấy dường như có sự “bất thường” trong cục diện sản xuất xe ô tô tại Việt Nam:
- Tháng 2 năm 2018, Hyundai Hàn Quốc triển khai dự án sản xuất ô tô thứ 2 tại Ninh Bình, bên cạnh việc đã chuyển giao lắp ráp các dòng xe Huyndai cho liên doanh Huyndai - Thành Công.
- Đầu tháng 3 năm 2018, ĐSQ Hàn Quốc tại Việt Nam gửi công hàm tới Văn phòng Chính phủ; trong đó khẳng định, Nghị định 116, 125 ảnh hưởng tích cực tới đầu tư của Hàn Quốc vào lĩnh vực ô tô tại Việt Nam.
- Tháng 5 năm 2018, Toyota Việt Nam (TMV) – doanh nghiệp từng tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, đã quyết định nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất và tăng công suất nhà máy lên trên 90.000 xe. Dự kiến dây chuyền mới sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2023.
- Tháng 6 năm 2018, Công ty Aapico Hitech, Thái Lan và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast ký kết biên bản ghi nhớ thành lập nhà máy liên doanh dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe.
- Tháng 7 năm 2018, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Pyeong Hwa Automotive (PHA), Hàn Quốc thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại Khu công nghiệp DEEP C II thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải - Hải Phòng.
- Ngày 31 tháng 7 năm 2018, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thông tin cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 20,33 tỷ USD, vào 17 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng số vốn đầu tư đăng ký; và 65% trong đó đầu tư vào mở rộng quy mô sản xuất ô tô và CNHT.
- Tháng 7 năm 2017, VinFast đề nghị bổ sung linh kiện xe điện, xe bus điện vào Danh mục các linh kiện mà thực tế các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được.
Những sự kiện trên cho thấy 3 xu hướng. Thứ nhất, từ 2016, 2 năm trước khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực nội khối ASEAN về 0%, nhiều doanh nghiệp FDI tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường Việt Nam, không sản xuất lắp ráp nữa, chỉ chuyên nhập khẩu từ hãng mẹ, hoặc từ chi nhánh tại Đông Nam Á về Việt Nam. Nhưng nay, với nghị định 116, 125 với nhiều ưu đãi cho nội địa hóa, họ đã quay trở lại.
Thứ hai, nhiều hãng chuyên sản xuất phụ tùng ô tô trên thế giới, hoặc đầu tư độc lập tại Việt Nam, như Pyeong Hwa Automotive, Hàn Quốc; hoặc liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, như Aapico Hitech, Thái Lan; Schuler, Duerr, Thyssenkrupp (Đức); Magna Steyr, AVL (Áo); Zagato, Torino, Italdesign(Ý)... đầu tư vào Việt Nam.
Thứ ba, định hướng của Chính phủ khuyến khích tiêu dùng và phát triển xe thân thiện với môi trường thông qua luật Thuế 106/QH13/2016 khi quy định giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt với những dòng xe thân thiện với môi trường đã phát huy tác dụng. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này như Vinfast sản xuất xe điện, Thaco sản xuất xe theo tiêu chuẩn Euro 4.
3 xu hướng trên đang thay đổi cục diện sản xuất xe ở nước ta, nói đúng
hơn là đang tái khởi động ngành công nghiệp
ô tô trong nước sau hàng chục năm triển khai không mấy kết quả.