Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện mặt trời phát lên lưới trong tháng 8 trung bình khoảng 31,1 triệu kWh/ ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 4,5% sản lượng phát toàn hệ thống.
Đối với Chương trình điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2019, đã có 12.765 công trình điện mặt trời mái nhà đăng ký bán điện cho EVN với tổng sản lượng điện bán là 30,5 triệu kWh. Trong đó, tổng công suất các công trình điện mặt trời mái nhà của khách hàng là 216 MWp.
Tuy nhiên theo EVN, Quyết định số 11/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019 nhưng đến nay chưa có cơ chế cho giai đoạn sau ngày 1/7/2019. Vì vậy, các đơn vị trực thuộc EVN chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn khách hàng cũng như chưa thực hiện được các thủ tục mua bán điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà của khách hàng mới.
Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương để thực hiện việc ký hợp đồng mua điện với các chủ đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà.
Tính toán cụ thể, trung bình với khoảng 1.800 giờ nắng mỗi năm, một hệ thống điện mặt trời mái nhà 2kWp sản sinh khoảng 3.600 kWp, tương đương khoảng 10,5 triệu đồng tiền tiết kiệm. Trong khi đó, hệ thống này có giá khoảng 42 triệu đồng chưa VAT cùng với chi phí hao hụt mỗi năm khoảng 5%, như vậy chỉ mất thời gian khoảng 5 năm là có thể hoàn vốn.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều có chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên,do thị trường vẫn chưa xác lập được tiêu chuẩn ngành, người dân cũng chưa có nhiều kiến thức trong việc lựa chọn nhà cung cấp chất lượng, cùng với lo ngại về điều kiện thời tiết là những nguyên nhân làm việc đầu tư điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là tại các hộ gia đình vẫn còn hạn chế.