6 nhiệm vụ trọng tâm của phòng chống tham nhũng năm 2011

Các cấp, các ngành cần nêu cao hơn nữa quyết tâm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nhằm thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩ
Sáng 11/3 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị chuyên đề triển khai công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2011 của các Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phòng ngừa là giải pháp quan trọng

Hội nghị đánh giá, trong năm 2010, công tác đấu tranh PCTN đã có chuyển biến tích cực trên cả mặt nhận thức và hành động, trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Ở một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế.

Các Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh tiến hành 760 cuộc kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; ban hành 2.526 văn bản chỉ đạo, đôn đốc; xây dựng 2.322 báo cáo định kỳ và đột xuất gửi Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương; theo dõi, chỉ đạo xử lý 80 vụ việc, 53 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu các địa phương như Nghệ An, Bình Phước, Cần Thơ, Quảng Ninh đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong công tác PCTN ở các địa phương.

Nhiều đại biểu cho rằng, để đạt hiệu quả trong PCTN, cần phải kết hợp chặt giữa phòng và chống, trong đó coi phòng ngừa tham nhũng là một giải pháp quan trọng và khi đã phát hiện các vụ án, vụ việc tham nhũng phải xem xét xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… nhằm tạo tính răn đe.

Trong thời điểm hiện nay, PCTN cần đặc biệt quan tâm vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai; quản lý tài sản công; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản từ ngân sách nhà nước, khoáng sản… Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi trong cơ quan xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách về khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng; các địa phương, các ngành cần xây dựng được đội ngũ cộng tác viên có phẩm chất trung thực, am hiểu pháp luật trong đấu tranh chống tham nhũng.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Nhấn mạnh đấu tranh PCTN là 1 trong 4 nội dung lớn để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lưu ý, tham nhũng tiếp tục là một trong những thách thức đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, PCTN vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. 

Ảnh: Chinhphu.vn


Phó Thủ tướng nêu yêu cầu các cấp, các ngành cần nêu cao hơn nữa quyết tâm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nhằm thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng cơ bản đồng ý với 6 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2011 mà Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương đã nêu.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng.

Thứ 2, triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung có liên quan tới công tác PCTN trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Thứ 3, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PCTN trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cần phải chọn trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Thứ 4, chỉ đạo tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng; xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng.

Thứ 5, tiếp tục hoàn thiện về mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh.

Thứ 6, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.