Ra đi mong ngày trở về
Ít ai biết rằng, Hồng Thắng đã từng từ chối mức lương 80 triệu đồng/tháng ở một đơn vị để về làm việc tại Công ty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất. Với thành tích học tập xuất sắc tại khoa Điện – Điện tử, trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Thắng đã được một công ty thép của Ý chọn lựa, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, họ cử anh đi cử đi tu nghiệp ở châu Âu. Sau 16 tháng đào tạo, Thắng được nhận về công ty với mức lương 3.000 euro (hơn 80 triệu đồng).
Dù được làm việc ở môi trường tốt, mức lương cao nhưng anh luôn khát khao trở về cống hiến cho Tổ quốc. Thắng tâm sự: “Trong quá trình đào tạo và làm việc, mình được đặt chân đến nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, đi đâu mình cũng thấy không bằng quê hương. Với kiến thức và kỹ năng đã học được, mình muốn được trở về Việt Nam cống hiến”. So với tất cả bạn bè cùng trang lứa, ước muốn này của Thắng thật khác biệt.
Nhưng anh lại nhận được sự ửng hộ của bố mẹ. Năm 2012, anh chính thức trở thành nhân viên của Công ty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất. Thời gian đầu mới về Công ty, Thắng gặp không ít khó khăn bởi khi làm việc ở nước ngoài anh theo lĩnh vực thép cán thanh và cán hình. Trong khi đó, ở Thép tấm lá Thống Nhất lại chuyên về thép cán tấm nguội. Thắng phải làm quen với máy móc, thiết bị mới. May mắn anh nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo nhiệt tình của những người anh đi trước.
Bắt nhịp được công việc cũng là lúc Thắng trăn trở để việc sản xuất của Công ty tốt hơn. Giai đoạn 2008-2012 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên việc sản xuất của Công ty không diễn ra liên tục. Yêu cầu đặt ra là phải chuẩn bị máy móc để đáp ứng những đơn hàng đột xuất. “Thiết bị của Công ty là hàng chuyên dụng từ Mỹ nên thời gian chuyển về Việt Nam phải mất ít nhất là 3-4 tháng, giá thành lại rất cao. Thời gian chờ đợi lâu có thể khiến Công ty mất cơ hội nhận các hợp đồng sản xuất. Vì vậy, mình và một số đồng nghiệp khác quyết định thực hiện sáng kiến cải tiến hệ thống điều khiển trong nhà máy. Chúng mình phải mua các thiết bị ở Việt Nam thay thế và lập trình lại cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, Thắng cho biết.
Mục tiêu lớn những sáng tạo nhỏ
Từ sáng kiến đầu tiên đến nay, Thắng đã có 37 đề tài, giải pháp tiêu biểu được Tổng công ty Thép Việt Nam ghi nhận và áp dụng vào thực tiễn như: Sáng kiến “Tín hiệu interlock trong quá trình chạy máy” giúp ngăn chặn hiện tượng lỗi khi vận hành, giảm các sự cố đứt thép do lỗi thiết bị dừng đột ngột, đảm bảo theo dõi đánh giá quá trình hoạt động của nhà máy, tiết kiệm chi phí khi phải mua thiết bị từ nước ngoài; sáng kiến “Cài đặt, thiết lập, kết nối, chương trình tổng hợp 5 trong 1” cho hệ thống điều khiển trung tâm lập trình logic đảm bảo máy móc chạy ổn định, làm chủ công nghệ, không phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài…
Trong những sáng kiến này, “Tín hiệu interlock trong quá trình chạy máy” được Thắng thực hiện năm 2017 đã tiết kiệm cho Công ty nhiều tỷ đồng. Việc kiểm soát số vòng cuộn thép tấm lá khi đang sản xuất của hệ thống máy cán nguội đảo chiều là rất quan trọng. Bởi vì đặc điểm của máy cán đảo chiều là luôn có phần lõi thép với chiều dày lớn để làm cứng vững cuộn thép tấm lá thành phẩm (thép tấm lá thành phẩm hay còn gọi là tôn đen). Tuy nhiên, do lỗi hệ thống máy móc đôi khi công nhân không kiểm soát được việc này khiến quá vòng thép, dẫn đến tiêu hao vài tấn đến vài chục tấn nguyên liệu. Quan trọng hơn, việc đứt thép do không kiểm soát được số vòng thường dẫn đến hỏng trục cán.
Trục cán có giá thành khá cao từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Cứ mỗi lần đứt thép, do không kiểm soát được số vòng Công ty sẽ thiệt hại 300-400 triệu đồng. Bên cạnh đó, thống kê kể từ khi sáng kiến được đưa ra cho đến một năm sau đã xảy ra 16 lần đứt thép. Vì thế, việc ngăn chặn được điều này là hết sức quan trọng. Giải quyết được bài toán khó đó nên sáng kiến “Tín hiệu interlock trong quá trình chạy máy” của Thắng được đánh giá là một trong những ý tưởng xuất sắc nhất và được Công ty thưởng “nóng” 6 triệu đồng.
Sức sáng tạo của Phan Văn Hồng Thắng thật dồi dào. Ở Công ty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất, anh em bè bạn đặt cho Thắng danh hiệu “vua sáng kiến”. Mọi người thích trò chuyện với anh vì sự tích cực, năng động và “lửa” nhiệt tình trong anh lan tỏa đến họ lúc nào không rõ. Nhưng dù tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề còn non, nhưng Thắng lại rất già dặn trong suy nghĩ khi khẳng định rằng: Với sáng tạo không thể chỉ có mỗi nhiệt tình. Muốn sáng tạo trong lao động, mỗi thanh niên phải trang bị cho mình kiến thức nền, sự am hiểu nghề nghiệp.
Có những cỗ máy trị giá hàng triệu đô la Mỹ, bình thường phải thuê chuyên gia nước ngoài bảo dưỡng, sửa chữa… thì không dễ gì lãnh đạo cho phép công nhân thử nghiệm bởi nếu không thành công thì thiệt hại rất lớn. Do vậy, “muốn để lãnh đạo tin tưởng, mình phải tự mày mò, tìm tài liệu nghiên cứu rất kỹ về thiết bị, kiên trì thuyết phục lãnh đạo đồng ý. Giải pháp sáng tạo phải dựa trên kiến thức, cơ sở khoa học và phải tính toán, lượng hóa được lợi ích, giá trị doanh nghiệp được thụ hưởng. Có như vậy, mình mới thuyết phục được cấp trên đồng ý với phương án của mình”, Thắng nói.