Vượt mục tiêu 2 năm
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, chứng khoán Việt Nam là thị trường thành công nhất của khu vực Đông Nam Á về huy động vốn. Năm vừa qua, chứng khoán Việt Nam cũng vượt mặt thị trường Singapore về số vốn thu hút qua IPO và M&A. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 71% trong năm 2018. Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018, đạt 86.000 tỷ đồng và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á.
Chính phủ phấn đấu mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu vào 2020 đạt 70% GDP, nhưng đến năm hết năm 2018 đã đạt 71% GDP, nghĩa là tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã vượt mục tiêu 2 năm. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở khu vực thì thị trường Việt Nam vẫn được quan tâm. Cả năm 2018, nhà đầu tư ngoại mua ròng trên thị trường cổ phiếu 43.000 tỷ đồng. Bán ròng ở thị trường trái phiếu chỉ ở mức 1.200 tỷ đồng. Như vậy, mức mua ròng vẫn đạt gần 42.000 tỷ đồng. Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán đạt 2,8 tỷ USD, xấp xỉ 2017.
2 điểm hạn chế
Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm nhất lúc này là câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam. Theo quy định của FTSE Russell, một thị trường cần ở trong diện theo dõi ít nhất là một năm trước khi đơn vị này xem xét thông báo nâng hạng và sau đó là một năm nữa trước khi được chính thức nâng hạng. Cụ thể là, nếu thỏa mãn các tiêu chí trong thời gian theo dõi (từ tháng 9.2018 đến tháng 9.2019) TTCK Việt Nam sẽ chính thức được nâng hạng từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi.
Tháng 9 năm ngoái, FTSE Russell - một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu - đã chính thức đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi. Theo đó, thị trường Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell đối với thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market), bao gồm môi trường pháp lý, hạ tầng và chất lượng thị trường, hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ.
Tức là để được chính thức nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ cần tiếp tục duy trì và cải thiện tốt hơn các tiêu chí được đề ra đến tháng 9.2019. Song việc xếp hạng thị trường dựa trên tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Tiêu chí cứng là các yếu tố có thể định lượng được. Tiêu chí mềm là các yếu tố định tính dựa vào quan điểm của các nhà đầu tư, tổ chức phân tích và nhóm chuyên gia. Tiêu chí cứng thì TTCK nước ta hầu như đã đạt được, và nhiều khả năng tiếp tục duy trì được đến thời điểm xem xét tháng 9.2019. Còn tiêu chí mềm dựa vào quan điểm của các nhà đầu tư, tổ chức phân tích và nhóm chuyên gia.
Trong đó, TTCK Việt Nam có 2 hạn chế chủ yếu. Một là khả năng sở hữu của khối ngoại (thường được nhắc đến với khái niệm room ngoại). Hai là tính minh bạch thông tin. Ở vấn đề thứ nhất, room ngoại, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2019). Trong đó, vấn đề room ngoại sẽ được giải quyết căn bản. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 32 Dự thảo Luật Chứng khoán: “Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là không hạn chế, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài”. Như vậy, tỷ lệ sở hữu vốn có quyền biểu quyết hiện nay đã được mở rộng đến 100% kể cả những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Chính phủ không quy định tỷ lệ sở hữu.
Vấn đề thứ hai, minh bạch thông tin. Thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam lên sàn vẫn “ngại” công bố báo cáo tài chính hàng năm với nhà đầu tư ngoại, tức là chỉ công bố bản tiếng Việt. Vì vậy, để tháo gỡ vấn đề này, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý TTCK với các quy định về chuẩn mực công bố thông tin nhằm bắt buộc các doanh nghiệp lên sàn phải tuân thủ.
Do vậy vấn đề không phải là ai, nhà đầu tư hay tổ chức phân tích nào mà là là câu chuyện có khắc phục được 2 hạn chế này không? (chủ yếu là điểm thứ hai) mới quyết định việc nâng hạng từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi.