Hiện Chính phủ Hoa Kỳ đang thúc đẩy các đồng minh cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran xuống bằng 0 khi lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào Iran sẽ bắt đầu vào ngày 4/11/2018 tới đây. Theo hãng tin ANI, một chi nhánh của Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Iran ông Mohammad Javad Zarif đã gặp mặt với người đồng cấp Ấn Độ Sushama Swaraj tại New York bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Khi được hỏi liệu Ấn Độ có đảm bảo việc tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran trong bối cảnh Hoa Kỳ thúc giục các đối tác ngưng nhập khẩu thì ông Mohammad Javad Zarif cho biết Ấn Độ luôn khẳng định về dự định tiếp tục hợp tác kinh tế giữa Iran và Ấn Độ, bao gồm cả nhập khẩu dầu thô từ Iran. Ông Mohammad Javad Zarif cũng cho biết Chính phủ Ấn Độ đã khẳng định điều trên và hai quốc gia sẽ tăng cường hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng và Iran sẽ là một nhà cung ứng năng lượng đáng tin cậy cho Ấn Độ. Iran hiện là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 3 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)
Ấn Độ hiện là khách hàng quan trọng thứ hai trong lĩnh vực xuất khẩu dầu thô của Iran, chỉ sau Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba cho Ấn Độ. Một số nguồn tin nhận định Iran sẽ gia tăng nhập khẩu dầu thô từ Ấn Độ trong năm nay sau khi Iran gần như miễn phí chi phí vận chuyển dầu thô sang Ấn Độ và kéo dài các khoản thanh toán tiền mua hàng. Hiện giá nhiên liệu trên thị trường nội địa Ấn Độ đang có xu hướng tăng cao.
Ông Mohammad Javad Zarif cho biết trong những đợt Iran bị cấm vận trước thì Ấn Độ và một số quốc gia khác vẫn được miễn trừ và tiến hành giao dịch bình thường với Iran. Các nguồn tin cũng cho biết các khách hàng sử dụng dầu thô lớn tại Trung Quốc đã sẵn sàng giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran nhưng vẫn chưa quyết định khi nào kết thúc hoàn toàn việc nhập khẩu. Trung Quốc hiện là khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran.
Iran và Ấn Độ hiện đang nỗ lực tăng cường thương mại giữa hai quốc gia. Khu cảng phức hợp Chabahar tại Iran được Ấn Độ hậu thuẫn đang phát triển như một phần của hành lang vận chuyển hàng hóa mới trong khu vực. Khi đi vào hoạt động, cảng này được kỳ vọng sẽ mở đường cho các giao dịch thương mại lên đến hàng triệu USD và giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Pakistan. Khu cảng này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết Chính phủ Ấn Độ đang tìm nguồn cung cấp khoản bảo lãnh tín dụng trị giá tương đương 3,5 triệu USD để phát triển cảng Chabahar này thông qua Ngân hàng UCO. Ông Mohammad Javad Zarif cho biết cảng Chabahar sẽ đi vào hoạt động và Iran muốn mở rộng công suất của cảng này với sự hỗ trợ từ Ấn Độ và các nhà đầu tư khác.