An Phát Holdings (APH): Sẽ giảm sở hữu mảng thương mại hạt nhựa, tái cấu trúc các mảng không cốt lõi

Tập đoàn An Phát Holdings (mã cổ phiếu APH) cho biết đang có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu trong mảng thương mại hạt nhựa từ quý 2/2025 cũng như tái cấu trúc các khoản đầu tư không cốt lõi.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (mã cổ phiếu APH - sàn HoSE) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh “thận trọng” với mục tiêu doanh thu hợp nhất ở mức 9.179 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ở mức 60 tỷ đồng, lần lượt giảm 35% và 50% so với mức thực hiện của năm 2024.

Trong năm 2024, An Phát Holdings ghi nhận mức doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.193 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 310 tỷ đồng, lần lượt vượt 9% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với kế hoạch đề ra. Nếu so với mức thực hiện của năm 2023 thì lãi ròng của tập đoàn này trong năm 2024 đã tăng tới 41%.

An Phát Holdings
An Phát Holdings dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu trong mảng thương mại hạt nhựa từ quý 2/2025.

Giải thích về các mục tiêu kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo An Phát Holdings cho biết, tập đoàn có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu trong mảng thương mại hạt nhựa từ quý 2/2025, từ đó giảm doanh thu hợp nhất. Lợi nhuận dự kiến giảm do tập đoàn tái cấu trúc các khoản đầu tư không cốt lõi và tăng chi phí khấu hao Nhà máy Số 8 mới đi vào hoạt động.

Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu hoạt động thương mại và hoạt động sản xuất lần lượt chiếm 49% và 48% tổng doanh thu thuần hợp nhất năm 2024 của An Phát Holdings. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa của Việt Nam đã tăng trưởng 27%, đạt 6,6 tỷ USD.

Đối với dự án Nhà máy Số 8, dự án do Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh - công ty con của An Phát Holdings (chi phối 50,17% tỷ lệ biểu quyết) làm chủ đầu tư. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, sản phẩm chính là tấm sàn nhựa vật liệu xây dựng SPC và LVT (SPC chiếm chủ đạo), đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2024.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, ván sàn SPC là dòng sản phẩm mới xuất hiện trên thế giới vào khoảng năm 2015 - 2016 nhưng nhanh chóng phát triển, thay thế các loại ván sàn truyền thống nhờ có nhiều ưu thế như dễ lắp đặt, độ bền cao, giá rẻ, không thấm nước,... Sản phẩm tấm sàn nhựa vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Nhựa An Phát Xanh nói riêng và An Phát Holdings nói chung.

Xem thêm: "Lãi tăng mạnh, Nhựa Hà Nội (NHH) muốn mở rộng quy mô sản xuất hàng chục lần" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về đầu vào, bột đá vôi (CaCo3) là nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 70%) trong thành phần sản xuất sàn nhựa vật liệu xây dựng. Nhựa An Phát Xanh sẽ tận dùng nguồn nguyên liệu bột đá sẵn có từ Công ty Cổ phần An Tiến Industries (mã cổ phiếu HII). Nhựa An Phát Xanh hiện chi phối 54,85% tỷ lệ biểu quyết tại An Tiến Industries.

Ngoài ra, Nhựa An Phát Xanh có khả năng tận dụng được nguồn lực, kinh nghiệm trong sản xuất và bán hàng từ công ty cùng thuộc hệ sinh thái An Phát Holdings là An Cường Building Materials.

An Cường Building Materials cũng đang sản xuất loại ván sàn nhựa cứng tương tự với sản pẩm của Nhà máy Số 8, với công suất thiết kế đạt 3 triệu m2/năm. Nhà máy này đã hoạt động tối đa công suất và chưa có kế hoạch tăng công suất. Do đó, dưới góc độ quản trị của An Phát Holdings, Nhà máy Số 8 như là một dự án mở rộng của An Cường Building Materials.

Cũng tại Đại hội tới đây, An Phát Holdings dự kiến trình cổ đông xem xét kế hoạch không chia cổ tức năm 2024 cũng như trích lập các quỹ nhằm giữ lại toàn bộ lợi nhuận luỹ kế sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Duy Quang