Thực tế cho thấy sau một giai đoạn dài cạnh tranh bằng “giá thấp”, nông sản Việt Nam đã bắt đầu “hụt hơi” trong cuộc đua với các đối thủ nước ngoài vì chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã. Nỗ lực tăng năng suất dựa trên phương thức canh tác cũ đã đến giới hạn, cộng với áp lực chi phí sản xuất tăng do phụ thuộc vào nguồn vật tư nhập khẩu và quá trình đô thị hóa, buộc ngành nông nghiệp và chế biến nông sản phải chuyển hướng sang đầu tư công nghệ tiên tiến mới đạt được cả hai mục tiêu là tăng năng suất và chất lượng.
Hình: Khó khăn chính trong quá trình áp dụng KHCN ở từng khâu chế biến (% hộ sản xuất)
Nguồn: IPSARD, 2014.Mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị gia tăng
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đặt ra mục tiêu “nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu”, dựa trên quan điểm “Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”.
Như vậy nông dân và doanh nghiệp (DN) đóng vai trò chủ đạo cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chế biến. Việc liên kết DN - nông dân trong sản xuất - tiêu thụ sẽ hình thành những cụm/vùng sản xuất, chế biến nông sản ổn định, bền vững, tạo nền tảng tốt cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng thương hiệu nông sản có chất lượng của Việt Nam.
Với xu hướng tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhưng tiềm năng chưa thực sự tạo thành thế mạnh bền vững bởi giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao. Kể cả những DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều kinh nghiệm và lợi thế trong lĩnh vực này cũng chưa thực sự đầu tư bài bản cho công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản. Một số DN đầu tư công nghệ nhưng lại ở phần ngọn, tập trung vào khâu chế biến trong khi thực chất sản phẩm không đạt chất lượng ngay từ khâu đầu vào. Những vụ tôm xuất khẩu bị trả về vì nhiễm kháng sinh ngay trong quá trình nuôi ở các hộ nông dân hay các lô hàng chè xuất khẩu vượt quá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép đã gây ra thiệt hại to lớn cho không chỉ DN xuất khẩu mà ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành nông sản Việt Nam. Điều này khiến cho việc đầu tư công nghệ tiên tiến ở phần ngọn không mang lại hiệu quả bền vững, thậm chí trở thành rủi ro cho các DN khi bỏ một lượng vốn lớn vào nông nghiệp mà không được đảm bảo chắc chắn về chất lượng đầu vào.
Trong khi đó, mặc dù Chính phủ đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh áp dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng KHCN trong canh tác, thu hoạch, bảo quản, khiến chất lượng nông sản chế biến không được đảm bảo ngay từ khâu đầu vào.
Hiệu quả áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật không cao do không phù hợp với điều kiện thực tế, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn để áp dụng, thiếu cán bộ hướng dẫn và đặc biệt là rủi ro về thị trường đầu ra… Theo kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNT (IPSARD, 2014) đối với 300 hộ nông dân tại 6 tỉnh thành trên cả nước, lo ngại thiếu thị trường tiêu thụ sau khi đã bỏ ra chi phí lớn để áp dụng KHCN chính là rào cản lớn nhất với các hộ nông dân. Thiếu cán bộ thường xuyên hướng dẫn cũng là một trở ngại do lực lượng khuyến nông dù đã được đầu tư nhưng vẫn hoạt động theo cơ chế Nhà nước, không thể bám sát từng hoạt động sản xuất của nông dân.
Trong khi đó, cũng theo điều tra của IPSARD (năm 2014) tại 10 tỉnh thành trên cả nước thì các DN ngành nông nghiệp lại rất lạc quan về KHCN khi đánh giá khó khăn về KHCN chỉ là cản trở thấp cho hoạt động kinh doanh của họ, trong khi khó khăn lớn lại chính là không thể tiếp cận được đất đai, mặt bằng để sản xuất trên quy mô lớn do chưa liên kết được với nông dân.
Liên kết bền chặt - Hiệu quả tăng cao
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cả hai phía như đã phân tích ở trên, việc liên kết DN - nông dân trong sản xuất quy mô lớn, để DN trực tiếp đầu tư công nghệ cho nông dân sản xuất, theo sát, hướng dẫn họ áp dụng đầy đủ quy trình và đảm bảo đầu ra là con đường đi bền vững và hiệu quả cho chế biến nông sản.
Thực tế cho thấy gần đây, một số mô hình theo hướng trên đã thành công như chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín; mô hình DN công nghệ cao trong nông nghiệp liên kết với nông dân...
Phân tích điển hình tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa nông sản của cả nước, những năm gần đây với sự tham gia của lực lượng DN chế biến, kinh doanh, phân phối tại TP. Hồ Chí Minh, đang dần hình thành các trung tâm chế biến nông sản lớn, hàng năm cung cấp khoảng 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của Việt Nam. Các mô hình liên kết DN - nông dân tại đây cũng bắt đầu đạt được những thành tựu thuyết phục.
Ví dụ, Công ty Hùng Cá của Đồng Tháp đã ký hợp đồng liên kết với 330 hộ dân theo 2 hình thức DN đầu tư ao theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến hoặc hộ dân tự đầu tư ao nhưng phải đáp ứng các yêu cầu của DN; DN cung ứng vật tư, con giống có nguồn gốc, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật tiên tiến và tổ chức bao tiêu sản phẩm... Cái lợi của mô hình này là sản phẩm được đảm bảo sản xuất theo đúng kỹ thuật và đầu vào của công ty nên chất lượng cao hơn, còn người nông dân ngoài chi phí tiền công lao động cho công ty, còn được chia phần lợi nhuận do chuỗi giá trị đầu tư mang lại.
Một ví dụ khác là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính được Tập đoàn Việt - Úc áp dụng tại Bạc Liêu cũng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao cho cả DN và nông dân nuôi tôm nếu được nhân rộng ra ngoài quy mô DN. Mô hình công nghệ tiên tiến này kiểm soát chặt chẽ những điều kiện trong quá trình nuôi tôm, do đó hạn chế rủi ro do dịch bệnh - rủi ro lớn nhất của ngành tôm hiện nay. Nếu mô hình này được nhân rộng với sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân, Bạc Liêu có thể trở thành một vùng cung cấp tôm nguyên liệu chất lượng cao cho hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu.
Trường hợp Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) liên kết với người dân trồng lúa để áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, đảm bảo chất lượng của hạt gạo ngay từ đầu vào, công ty tổ chức sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn để tiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ giám sát quy trình chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguồn gốc do công ty cung cấp, thu hoạch, sấy miễn phí và cho gửi lưu kho miễn phí 30 ngày. Nông dân liên kết lại thành các khu vực sản xuất tập trung (cánh đồng lớn), sản xuất đúng giống lúa được đặt hàng, tuân thủ theo quy trình được hướng dẫn và kiểm tra hàng ngày sau đó bán lại thóc gạo cho AGPPS tại thời điểm mà người nông dân cho là thích hợp. Ưu điểm của mô hình này là nông dân có nguồn giống xác nhận để đưa vào sản xuất, được tập huấn và hướng dẫn áp dụng các quy trình kĩ thuật chuẩn. Về phía Công ty AGPPS, có thể kiểm soát được vùng lúa gạo nguyên liệu (độ thuần cao, chất lượng tốt), xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo của công ty.
Như vậy có thể thấy, tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận là động lực lớn nhất để DN và nông dân liên kết với nhau, từ đó tạo điều kiện cho việc áp dụng KHCN được tiến hành từ gốc tới ngọn của quá trình sản xuất, chế biến nông sản. Tuy nhiên, để những mô hình liên kết thành công, then chốt là phải đảm bảo sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm và chia sẻ lợi ích giữa DN và nông dân. DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh khả thi cao, dự báo thị trường để cân đối lượng nông sản có thể thu mua từ nông dân khi kí kết hợp đồng, tránh vượt quá khả năng dẫn đến phá hủy liên kết. Về phía mình, các HTX và nông dân cần tuân thủ các nội dung đã cam kết. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức liên kết, linh hoạt theo hoàn cảnh thực tiễn của từng ngành nông sản và địa phương.
Trước thực trạng các DN nhỏ thường chậm chân hơn trong áp dụng KHCN tiên tiến và liên kết với nông dân, cần hỗ trợ để các DN nhỏ và rất nhỏ liên kết thành hệ thống. Xây dựng những vùng nguyên liệu với cơ sở hạ tầng và tổ chức sản xuất tốt để đảm bảo khai thác hiệu quả các ứng dụng KHCN, tiến bộ kỹ thuật để có thể kiểm soát nguồn cung cả về chất lượng và số lượng. Các DN cũng cần chủ động trong việc hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đồng thời tiếp thu và cùng tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn áp dụng công nghệ từ nông dân, tránh tình trạng áp đặt, áp dụng cứng nhắc gây thiệt hại cho cả DN và nông dân.