Hạch toán kinh tế được coi như phương pháp quản lý xã hội chủ nghĩa khi công nghiệp miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại năm 1954 bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng. Lúc này, vấn đề cải tiến quản lý đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chỉ đạo công nghiệp.
Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, từ tháng 10/1957, Bộ Chính trị đã thông qua chế độ quản lý “thủ trưởng phụ trách quản lý xí nghiệp dưới sự lãnh đạo tập thể của Đảng ủy, công nhân tham gia quản lý”. Sang tháng 10/1958, Bộ Chính trị chủ trương mở rộng cuộc vận động cải tiến quản lý, nhằm áp dụng đầy đủ chế độ quản lý này trong xí nghiệp quốc doanh.
Chế độ quản lý mới dựa trên nguyên tắc kết hợp lãnh đạo tập trung với mở rộng dân chủ, kết hợp công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng với kinh tế, kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, nhằm khắc phục những hạn chế của chế độ quản lý “một thủ trưởng” trước đây.
Trong tình hình mới, chế độ hạch toán kinh tế được coi như phương pháp quản lý xã hội chủ nghĩa, với những nội dung chính sau:
- Nhà nước quản lý kế hoạch toàn diện đối với xí nghiệp trên cơ sở quy định các nhiệm vụ - chỉ tiêu về sản lượng, chất lượng và mặt hàng, về tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm, về trách nhiệm tài chính của xí nghiệp với ngân sách;
- Xí nghiệp được sử dụng vốn Nhà nước giao (có vốn cố định và vốn lưu động) để tổ chức sản xuất theo kế hoạch, được ủy quyền thực hiện chế độ kế toán độc lập, được quyết định chi tiêu về sản xuất và tuyển mộ công nhân viên, được vay tiền, gửi tiền và kết toán mọi khoản vãng lai qua ngân hàng, đồng thời phải chịu trách nhiệm về lỗ lãi;
- Xí nghiệp cũng được ủy quyền tiêu thụ sản phẩm và mua nguyên vật liệu thông qua hợp đồng ký kết với các đơn vị kinh tế quốc doanh khác, trên cơ sở kế hoạch cân đối vật tư của Nhà nước, được trích tỷ lệ % lợi nhuận kế hoạch và lợi nhuận vượt kế hoạch để lập quỹ tiền thưởng xí nghiệp, nhằm cải thiện đời sống và điều kiện làm việc cho người lao động xí nghiệp.
Năm 1958, chế độ quản lý theo nguyên tắc hạch toán kinh tế đã được phổ biến và áp dụng rộng rãi trong công nghiệp. Để áp dụng chế độ hạch toán kinh tế, đòi hỏi phải kiện toàn các mặt quản lý kế hoạch sản xuất, lao động, vật tư, tiền vốn, giá thành và các chế độ thống kê, kế toán...
Trước hết, tiến hành kiểm kê đánh giá tài sản và xác định vốn các xí nghiệp (theo Quyết định số 141-TTg ngày 08/4/1957 của Thủ tướng Chính phủ) từ quý II/1957 và hoàn thành vào quý III/1959. Công tác này đã giúp Nhà nước nắm được số lượng và chất lượng, tình trạng hao mòn và xác định tỷ lệ khấu hao hợp lý đối với số vốn cố định và vốn lưu động cần thiết cho xí nghiệp.
Qua việc kiểm kê 95 xí nghiệp quốc doanh (14 xí nghiệp công nghiệp nặng và 26 xí nghiệp công nghiệp nhẹ) so với định mức, đã phát hiện sự chênh lệch đáng kể: tài sản cố định vượt 272% và tài sản lưu động vượt 94%.
Năm 1959, đã mở cuộc vận động sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vốn “tiền ít mà làm được nhiều việc tốt”, “tăng sản lượng mà không tăng vốn”. Theo báo cáo tổng kết cuộc vận động này, thì nhờ tăng tốc độ quay vòng vốn, năm 1959 đã tiết kiệm 3,5 triệu đồng và năm 1960 tiết kiệm 2,5 triệu đồng; nhờ đó, sản lượng công nghiệp năm 1960 so với năm 1959 bằng 127%, nhưng vốn lưu động định mức chỉ bằng 112%.
Ngoài ra, trong 3 năm (1957 - 1959) ở 24 xí nghiệp công nghiệp đã huy động vào sản xuất số lượng tài sản nhàn rỗi là: 21.967.921 đồng vốn cố định và 30.977.934 đồng vốn lưu động.
Một trong những cơ sở lập kế hoạch của xí nghiệp là phải xây dựng và kiện toàn các chỉ tiêu định mức kinh tế - kỹ thuật tiên tiến. Bộ Công nghiệp đã chỉ đạo công tác này từ tháng 10/1959 ở Nhà máy Bia Hà Nội, sau đó mở Hội nghị tiêu chuẩn vào tháng 4/1960, cuối năm 1960 căn bản hoàn thành cùng với việc mở rộng hạch toán đến phân xưởng.
Nhiều nhà máy đã tăng được một số chỉ tiêu năng suất và sản lượng: Nhà máy Chè Phú Thọ tăng công suất thiết bị 20%, Nhà máy Cơ khí Hòn Gai tăng công suất sửa chữa ô tô 30%, Nhà máy Ngói xi măng tăng mức sản xuất từ 270 tấn/ngày lên 370 tấn/ngày...
Ngay từ năm 1957, Nhà nước ban hành Chế độ kế toán công nghiệp và thi hành Điều lệ tạm thời về chế độ báo cáo quyết toán của xí nghiệp quốc doanh. Đến tháng 10/1958, Hội đồng Chính phủ có quyết định về việc đơn giản hóa các thể lệ kế toán bằng cách thống nhất chế độ chứng từ, biểu mẫu, cải tiến chế độ tài khoản cho phù hợp với từng ngành, sử dụng hình thức lịch nhật ký, giảm thiểu số lượng tài khoản chi tiết. Ngày 22/6/1960, Hội đồng Chính phủ lại ban hành Điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch hạch toán, thống kê giá thành và phí lưu thông, nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính.
Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan nhà nước (04/01/1960) để tăng cường liên doanh, liên kết và nâng cao trách nhiệm hợp đồng kinh tế, nhằm thúc đẩy hoàn thành kế hoạch nhà nước. Đồng thời, thành lập Hội đồng Trọng tài Kinh tế các cấp để xử lý các tranh chấp vi phạm hợp đồng.
Để phát huy vai trò tích cực phát triển sản xuất và cải thiện đời sống người lao động, Chính phủ ban hành và bổ sung chế độ trích lập quỹ tiền thưởng xí nghiệp áp dụng trong các xí nghiệp hạch toán kinh tế. Nguồn trích lập quỹ được lấy từ một phần lợi nhuận kế hoạch và lợi nhuận vượt kế hoạch hàng năm (với xí nghiệp có kế hoạch lỗ cũng được trích quỹ, nếu hoàn thành tốt kế hoạch này).
Như vậy, việc áp dụng chế độ hạch toán kinh tế và các quy chế, chính sách ban hành kèm theo trong thời kỳ 1958 - 1960 đã xác lập những nguyên tắc căn bản và nội dung chủ yếu của quản lý xã hội chủ nghĩa trong công nghiệp cũng như trong nền kinh tế nói chung: quản lý kế hoạch hóa tập trung. Chế độ quản lý này sẽ được tiếp tục hoàn thiện, củng cố trong các giai đoạn sau như là công cụ quan trọng thực hiện đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.