APEC 2017: Nơi kết nối doanh nghiệp

Với sự có mặt tại Việt Nam của nhiều lãnh đạo quốc gia, doanh nghiệp và các hãng truyền thông hàng đầu thế giới, APEC 2017 là sự hội tụ đỉnh cao và cơ hội vàng cho các hoạt động quảng bá, cung cấp thô

Những kết quả hợp tác ấn tượng

Thành lập từ năm 1989 và hoạt động theo nguyên tắc đối thoại cởi mở, đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi, giành ưu đãi chậm hơn 10 năm và hỗ trợ rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, APEC hiện chiếm 40% dân số, gần 60% GDP và 49% giao dịch thương mại toàn cầu.

Theo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện mục tiêu Bogo” được APEC công bố năm 2016, mức độ tự do hoá thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường của APEC đã vượt xa thời điểm mục tiêu Bogo được đưa ra từ năm 1994. Cụ thể là thương mại nội khối năm 2014 đạt 18,4 nghìn tỷ USD, tăng gấp 4 lần năm 1994; thuế quan MFN trung bình trong khu vực APEC giảm từ 11% (năm 1996) xuống còn 5,5% vào năm 2014. Số lượng dòng hàng hưởng thuế suất 0% trong APEC tăng từ 27,3% vào năm 1996 lên mức 45,4% năm 2014. Số ngày thông quan hàng hóa đã giảm mạnh và lĩnh vực logistics được cải thiện nhờ cơ sở hạ tầng được nâng cấp.

Sự hợp tác nội khối ngày càng tăng về quy mô, đa dạng về hình thức và lan rộng về phạm vi, trong những khuôn khổ thể chế ngày càng chặt chẽ hơn, cả trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, ngân sách, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, xúc tiến thuơng mại, vận tải và thông tin viễn thông, nghề cá và năng lượng, cũng như trong khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển và chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố.

Trong giai đoạn 1996-2015, số lượng các FTA/RTA đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên 152, với 61 hiệp định được ký kết giữa các thành viên APEC. Ngoài ra, từ năm 2014, có 19/21 thành viên APEC đã chấp nhận Thẻ doanh nhân APEC (ABTC), cấp thị thực tự do đi lại trong thời hạn 60-90 ngày cho các là quan chức, doanh nghiệp các nước thành viên.

Trên thực tế, các chương trình hợp tác APEC về tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, gia tăng chuỗi giá trị, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ,... đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và phồn vinh của khu vực, đặc biệt là trong quản lý cải cách cơ cấu, quy chế và tiêu chuẩn hóa, hướng tới sự dịch chuyển thuận lợi và tự do con người, dịch vụ, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác.

Dấu ấn mang tên Việt Nam

Chính thức tham gia APEC từ 14/11/1998, Việt Nam đã và đang đóng góp hàng chục sáng kiến cho các lĩnh vực hợp tác khác nhau của APEC. Tiếp nối việc tổ chức thành công Năm APEC 2006 trên cả ba mặt nội dung, tổ chức và lễ tân, cũng như cả phương diện đa phương và song phương, hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch Năm APEC 2017 theo chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với tư cách nước chủ nhà.

Về tổng thể, Việt Nam luôn đồng hành cùng các nước hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Bogo vào năm 2020 và định hình tương lai hợp tác sau năm 2020, tập trung vào những mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo; thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ; phát triển con người và nâng cao năng lực thể chế, đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển; đẩy mạnh hợp tác tự nguyện, linh hoạt, đổi mới sáng tạo và hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) thực sự gắn kết cả về con người, hạ tầng cơ sở, công nghệ và thông tin, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư tại các nền kinh tế thành viên.

APEC là nguồn động lực, cơ hội kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển, bởi APEC chiếm 78% FDI, 75% kim ngạch thương mại, 79% du khách quốc tế và 80% du học sinh Việt Nam đang học tập ở các nước thành viên APEC. Hơn nữa, trong 21 nền kinh tế thành viên (kể cả Việt Nam) của APEC, có tất cả các đối tác hàng đầu, từ nước là nguồn cung cấp ODA lớn nhất (Nhật Bản); nguồn cung cấp FDI lớn nhất (Hàn Quốc); thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất (Hoa Kỳ) và cả thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (Trung Quốc)...

Cùng với quá trình tham gia APEC, các quan hệ và vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được mở rộng và củng cố. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 185 nước và quan hệ kinh tế - thương mại với trên 220 nước, vùng lãnh thổ; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; trong đó có trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, có 65 nước TPP công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ngoài WTO, Việt Nam đã ký 11 FTA, kết thúc đàm phán FTA với EU và đang đàm phán 6 FTA khác; qua đó, thiết lập quan hệ thị trường thương mại tự do với 55 quốc gia và nền kinh tế, trong đó có 15 quốc gia trong Nhóm G-20. Đặc biệt, có tới 13 thành viên APEC đang là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, trong tổng số 16 đối tác chiến lược và 11 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam trên thế giới.

Thực hiện các cam kết trong APEC và hội nhập khu vực khác cũng góp phần trực tiếp và gián tiếp cải thiện các cơ hội và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã miễn visa du lịch cho 22 nước và 48 nước đã miễn visa du lịch cho Việt Nam. Cơ chế 1 cửa quốc gia Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong khu vực ASEAN. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 đã đưa Việt Nam lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm trước và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Trước đó, tổ chức này cũng tăng hạng Việt Nam 14 bậc, lên vị trí 73/136 trong báo cáo "Môi trường thương mại toàn cầu 2016". Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2017 của Việt Nam tăng 12 bậc và tăng 29 bậc so với năm 2013. Đồng thời, Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 cũng được Liên Hợp quốc xếp hạng tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Thực tế đã, đang và sẽ ngày càng chứng tỏ, tham gia và khai thác tốt các cơ hội kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vừa là yêu cầu hàng đầu, vừa là động lực mạnh mẽ, nhằm phối hợp hài hoà cả bàn tay Nhà nước và bàn tay thị trường, sự đồng bộ của các giải pháp chính sách, sự đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho quá trình hội nhập và phát triển bền vững hơn của cộng đồng các thành viên APEC, trong đó có Việt Nam...