APEC hiện bao gồm 21 nền kinh tế, chiếm gần 40% dân số thế giới, 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Ra đời năm 1989, APEC đề ra mục tiêu Bogor đầy tham vọng: Tự do hóa, mở cửa đối với thương mại và đầu tư cho các thành viên sẽ được các nền kinh tế phát triển thực hiện đầy đủ vào năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển thực hiện đầy đủ vào năm 2020.
“Chất xúc tác” của các FTA
APEC cũng là chất xúc tác cho sự ra đời của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực cải cách và hội nhập khu vực của các nền kinh tế thành viên. APEC còn là vườn ươm cho những sáng kiến, ý tưởng về liên kết kinh tế gắn với phát triển.
Việc tham gia APEC đã có tác động tích cực đến tiến trình cải cách, hội nhập và phát triển của Việt Nam. Trở thành thành viên APEC năm 1998 là một dấu ấn hội nhập của Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho đàm phán gia nhập WTO. Trong số 16 FTA Việt Nam hiện tham gia (thực hiện, đã kết thúc đàm phán/ký kết, đang đàm phán), có 13 FTA là với các nền kinh tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Hiện 13 thành viên APEC là đối tác chiến lược/toàn diện của Việt Nam, trong khi con số này năm 2006 chỉ là 2.
Bức tranh hoạt động thu hút FDI, thương mại của Việt Nam có những chuyển động tích cực. Năm 2005 có 66% FDI đến Việt Nam từ các nền kinh tê thành viên APEC, năm 2015 là 78%;thương mại của Việt Nam với khu vực cũng tăng tương ứng từ 65% lên hơn 78% tổng giá trị thương mại. Đó là chưa nói tới sự phát triển du lịch, hoạt động giáo dục...
Tham gia từ năm 1998, Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực của APEC. Việc tham gia APEC đã đánh dấu bước triển khai quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh việc khẳng định vị thế, Việt Nam cũng có những đóng góp nhất định cho tiến trình APEC và quá trình liên kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia hơn 70 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư,đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….), và đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC (Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 – 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 – 2013)…. Những sáng kiến ấy phù hợp với lợi ích chung của các nền kinh tế thành viên trong APEC, gắn với những vấn đề về phát triển và quan tâm hiện nay, trong đó có thương mại, đầu tư, hội nhập.
Năm 2017 là năm thứ hai Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà APEC kể từ sau năm 2006. Đây là sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm, là trọng tâm của đối ngoại Việt Nam đến năm 2020 nhằm triển khai chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Đối mặt với nhiều thách thức và lại trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực bấp bênh, chứa đựng không ít rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng chống tự do hóa thương mại, đầu tư trỗi dậy, APEC thực sự cần một động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế APEC. Chính vì vậy, chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” rất phù hợp với yêu cầu hiện nay và do vậy, nhận được sự đồng thuận nhanh chóng và mạnh mẽ.
Để cụ thể hoá chủ đề trên, các ưu tiên của APEC 2017 đã tập trung vào 4 hướng: (i) thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (ii) tăng cường liên kết kinh tế khu vực; (iii) nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; và (iv) tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Những hướng trọng tâm này nhằm đáp ứng yêu cầu khôi phục đà tăng trưởng và liên kết kinh tế sâu rộng trong khu vực, góp phần hoàn thành các Mục tiêu Bogor.
Liên kết để “cùng thắng”
APEC 2017 là diễn đàn củng cố niềm tin của các nền kinh tế thành viêntrong giai đoạn hết sức khó khăn gắn với nhiều đòi hỏi, nhiều thách thức đặt ra cả ngắn và dài hạn. APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam, một nền kinh tế chuyển đổi, mới nổi, đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Việt Nam lại đang trong giai đoạn có tính bước ngoặt về chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cách thức phát triển, gắn bó chặt chẽ giữa cải cách bên trong với thực thi cam kết hội nhập. Việt Nam cần có tiếng nói, sự chia sẻ thích ứng về các thách thức đối với APEC, có ý nghĩa với chính Việt Nam và đóng góp đối với tiến trình liên kết kinh tế, phát triển “cùng thắng” trong khu vực.
Dấu ấn Việt Nam cũng chính là việc cùng các thành viên APEC chuyển hóa ý tưởng, nội hàm gắn với chủ đề, các ưu tiên APEC 2017 thành nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thành các Mục tiêu Bogor, chung tay bước vào xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020. Không kém phần quan trọng là việc đề xuất các sáng kiến hiện thực hóa các ưu tiên đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo.
APEC 2017 có 3 tác động tích cực đến các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, doanh nghiêp chịu ảnh hưởng rất nhiều của thể chế và chính sách. Các sự kiện, diễn đàn của APEC 2017 giúp doanh nghiệp tương tác với các nhà hoạch định chính sách. Chính tương tác này sẽ được chuyển hóa thành chính sách, chương trình, cam kết của APEC, và điều đó đem lại tác động tích cực hơn, thuận lợi hơn cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, đã trở thành cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt tiếp thị, quảng bá hình ảnh của mình (doanh nghiệp và chính con người doanh nghiệp) với rất nhiều đối tác, từ rất nhiều nền kinh tế đang là đối tác làm ăn hàng đầu với Việt Nam.
Thứ ba, APEC đã tạo cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Việt với các nhà đầu tư, kinh doanh có tầm cỡ trên thế giới và khu vực; qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia vào sân chơi khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cùng học hỏi, nâng cao tầm nhìn cũng như năng lực hợp tác, kinh doanh.
APEC 2017 đã diễn ra với gần 200 hoạt động, hội nghị khác nhau, từ cấp chuyên gia, quan chức cao cấp, đến cấp Bộ Trưởng và đỉnh cao là Hội nghị Cấp cao APEC (APEC Summit) từ 5 – 11/11/2017 tại Đà Nẵng. Trong đó, có 8 Hội nghị Bộ trưởng, cấp Bộ trưởng, tương đương Bộ trưởng liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, du lịch, an ninh, lương thực và nông nghiệp bền vững, phát triển nguồn nhân lực, phụ nữ và kinh tế. Đặc biệt hai sự kiện quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) và Hội nghị Kinh tế Việt Nam (Vietnam Business Summit) cùng diễn ra trong tuần lễ APEC Summit tại Đà Nẵng. Đây là hai hoạt động thu hút hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong khu vực và Việt Nam đến tương tác với nhau cũng như với lãnh đạo APEC.
Chính doanh nghiệp là một cộng đồng được thụ hưởng nhiều nhất trong các hoạt động đó. Theo nghĩa đó, có thế hơi quá, song rất đúng khi nói rằng APEC chính là kinh doanh và vì doanh nghiệp. Và đó cũng là một dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong APEC 2017. /.