Đây là những thông tin thú vị, nhiều người có thể đã lãng quên mà bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 vừa được Bộ Công Thương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc (cùng với hai tập Biên niên Lịch sử Công Thương Việt Nam 2011 - 2020).
Cuốn sách mang đến nhiều thông tin quý giá, phong phú về lịch sử ngành Công Thương Việt Nam từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay.
Gạch Hưng Ký, xi măng Hải Phòng chu du các nước
Đặc biệt, chương "Vài nét về công nghiệp - thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945" mang đến rất nhiều thông tin thú vị mà chưa có nhiều nguồn sử liệu đáng tin cậy trước đây nói kỹ.
Bạch Thái Bưởi không chỉ là chủ hãng tàu nổi tiếng, ông còn là một trong hai nhà tư sản Việt (cùng với Nguyễn Văn Nhân) tham gia hoạt động khai thác than thông qua việc mua lại mỏ than của người Pháp.
Năm 1939, Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới thời kỳ này, với con số xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn.
Nhà máy xi măng đầu tiên ở Đông Dương được xây dựng ở Hải Phòng từ năm 1899. Với công suất thiết kế ban đầu đạt 30.000 tấn xi măng và vôi tôi mỗi năm, đây được xem là công trình công nghiệp quan trọng bậc nhất của người Pháp tại Đông Dương.
Với chất lượng tương đương xi măng tốt nhất của châu Âu, xi măng Hải Phòng mang thương hiệu Rồng Xanh, Rồng Đỏ được tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Madagascar… Tỉ lệ xuất khẩu đạt 50% tổng sản lượng.
Năm 1921, vị thế độc quyền sản xuất gạch nung của người Pháp bị phá vỡ khi nhà tư sản dân tộc Trần Văn Thành mua lại Hãng gạch Briqueteries et Tuileries du Tonkin của người Pháp tại Yên Viên (Hà Nội ngày nay) và đổi tên thành Hãng gạch Hưng Ký.
Tại hội chợ đấu xảo Marseille (Pháp) năm 1922, thương hiệu gạch Hưng Ký đã được tặng thưởng huân chương cho sản phẩm chất lượng cao. Với tầm nhìn sâu rộng, ông Trần Văn Thành đã cho dập chữ Hưng Ký lên những viên gạch để quảng bá thương hiệu.
Với chất lượng cao, gạch Hưng Ký là doanh nghiệp Việt duy nhất đủ sức cạnh tranh với Hãng gạch S.A.T.I.C của Pháp. Gạch, ngói Hưng Ký đã được sử dụng cho nhiều công trình kiến trúc tại Bắc Kỳ, Lào, Campuchia, Singapore…
Người Sài Gòn biết đến nước sạch đầu tiên nhưng có điện muộn
Nhà máy nước sinh hoạt quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng ở Sài Gòn năm 1878. Nhờ vậy mà lần đầu tiên người Sài Gòn biết đến nước sạch.
Đến năm 1896, người Hà Nội mới có nước sạch sử dụng khi Nhà máy nước Yên Phụ với công suất 4.000m3/ngày đêm được đưa vào vận hành.
Tính đến những năm 1910, các công trình cấp nước quy mô lớn đã hoàn thành tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế và Sài Gòn.
Một vài khu vực khác cũng có nhưng với quy mô nhỏ hơn như Chợ Lớn, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, Nam Định.
Tuy người Sài Gòn biết đến nước sạch đầu tiên nhưng Hải Phòng mới là thành phố đầu tiên tại Đông Dương được thắp sáng bằng đèn điện vào năm 1894, khi nhà máy nhiệt điện than đầu tiên ở Đông Dương công suất 750kW được hoàn thành sau hai năm xây dựng.
Một năm sau, điện phục vụ sinh hoạt mới có ở Hà Nội khi Nhà máy Đèn Bờ Hồ công suất 500kW ra đời.
Nam Kỳ mặc dù là nơi đầu tiên người Pháp chiếm đóng nhưng phải đến năm 1897 nhà máy điện đầu tiên ở đây mới đi vào vận hành với công suất 500kW. Với công suất đó cũng chỉ một phần Sài Gòn được chiếu sáng.
Đến năm 1929, Việt Nam đã có nhà máy thủy điện đầu tiên là Nhà máy điện Tà Sa được xây dựng tại Cao Bằng.
Tính đến năm 1938, điện đã có ở 26/27 thị trấn và 12 khu vực đô thị tại Bắc Kỳ. Trừ Sơn La, các tỉnh lỵ còn lại ở đây đều đã có điện tính tới thời điểm này.
Các nhà tư bản Việt không nằm ngoài công cuộc sản xuất, kinh doanh điện. Năm 1921, một nhóm các nhà tư bản người Việt do ông Cao Thiện Toàn đứng đầu đã thành lập Công ty Vô danh Điện Rạch Giá, với số vốn đăng ký 150.000 đồng Đông Dương để kinh doanh điện tại thị xã Rạch Giá (Kiên Giang).
Tính đến năm 1922, các thị xã lớn ở Nam Kỳ như Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Cần Thơ, Mỹ Tho, Sa Đéc… đều có từ một đến hai nhà máy phát điện quy mô nhỏ và vừa.
Tại Trung Kỳ, Nhà máy Đèn Huế được thành lập năm 1919 nhằm cung cấp điện cho khu vực thành phố Huế. Từ 1921-1926, các nhà máy điện công suất nhỏ lần lượt được xây dựng tại Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, và Nha Trang.
Nhà máy điện được xây dựng ở nhiều nơi, nhưng tính đến cuối những năm 1940, điện năng chủ yếu được sử dụng để phục vụ chính quyền thuộc địa, các hoạt động sản xuất của giới tư bản, đặc biệt là tư bản Pháp. Đại bộ phận dân chúng không được sử dụng cũng như hưởng những lợi ích do điện năng mang lại.
Trong tổng số 20 triệu người Việt Nam thời kỳ này chỉ có vài chục ngàn người có đăng ký sử dụng điện.
Xà bông Cô Ba - niềm tự hào của người Chợ Lớn
Năm 1928, ông Trương Văn Bền mở công ty làm xà bông từ dầu nông sản với tên gọi Trương Văn Bền và các con - dầu và xà bông Việt Nam tại Chợ Lớn.
Tên sản phẩm được đặt là xà bông Việt Nam với ý nghĩa xà bông của người Việt làm cho người Việt. Nhưng vì sản phẩm được in nổi hình người phụ nữ nên sau này người tiêu dùng quen gọi xà bông Cô Ba.
Cách quảng bá sản phẩm, làm thương hiệu của ông chủ công ty xà bông này cũng rất đặc biệt. Ông không chỉ đưa sản phẩm xà bông đến các hội chợ thương mại mà còn đưa nhãn hiệu này vào những loại hình nghệ thuật được người Việt yêu thích như vọng cổ, thơ lục bát…
Sản phẩm không chỉ thắng thế ở thị trường trong nước mà còn được bán khắp ba nước Đông Dương, cạnh tranh với xà bông nhập khẩu Marseille của Pháp.