Giá heo hơi đang trong quá trình phục hồi
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF - sàn: HoSE) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (diễn ra ngày 10/5), thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần hơn 6.913 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 301 tỷ đồng và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần ở mức 4%.
Trong đó, hoạt động chăn nuôi được kỳ vọng sẽ đóng góp 27,7%, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ đóng góp 14,5% tổng doanh thu thuần, còn lại sẽ đến từ hoạt động kinh doanh nông sản.
Hoạt động chăn nuôi sẽ tiếp tục là lĩnh vực chính tạo ra lợi nhuận cho BaF Việt Nam năm nay với dự kiến đóng góp tới gần 64% tổng lợi nhuận sau thuế của công ty. Theo sau đó là mảng kinh doanh nông sản và mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự kiến lần lượt chiếm 15% và chiếm 21% tổng lợi nhuận sau thuế của công ty năm nay.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng Quản trị BaF Việt Nam dự báo giá heo hơi trong nước sẽ tăng lên vùng trên 60.000 – 65.000 đồng/kg vào cuối tháng 5 này.
Trong tuần này (8 – 14/5), giá heo hơi đã tiếp tục tăng lên trên toàn quốc, đạt mức cao nhất 56.000 đồng/kg tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Trương Sỹ Bá nhận định giá heo hơi trong nước đang trong quá trình hồi phục, bởi nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh và giá thấp là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, phải bỏ đàn hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh, nhưng đây lại được xem là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp phát triển, lãnh đạo BaF Việt Nam cho biết.
“Trước đây, các hộ nhỏ lẻ chiếm đến 70% chăn nuôi nhưng do dịch bệnh nên tỷ trọng này giảm. BaF Việt Nam đang tận dụng cơ hội này, lấy thêm được thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa cạnh tranh với các công ty chăn nuôi quy mô lớn. Từ hồi dịch đến nay, theo BaF Việt Nam khảo sát thì tổng đàn heo của Việt Nam đã giảm khoảng 20-25%. Chắc chắn giá sắp tới sẽ tăng”, ông Trương Sỹ Bá khẳng định.
Trong giai đoạn vừa qua, việc giá heo hơi xuống đáy đã kiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán ra ồ ạt và hạn chế việc tái đàn. Đồng thời, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phụ thuộc vào nguồn con giống, khiến giá vốn bị đẩy lên đến 53.000 – 54.000 đồng/kg. Trong khi đó, BaF Việt Nam đã thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, hạn chế tối đa được dịch bệnh nên giá vốn chỉ quanh mức 45.000 đồng/kg.
Chia sẻ về giá vốn đầu vào, ông Trương Sỹ Bá cho biết, trước quý 2/2022, giá nguyên liệu đầu vào cho hoạt động chăn nuôi tăng từ 30-40% nhưng giá nguyên liệu đã xác lập xu hướng giảm với việc giảm 25% trong 2 tháng gần đây. Dự báo, đến giữa năm 2024, giá sẽ quay về mặt bằng chung trước khi dịch bùng phát.
Đối với vấn đề dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo BaF Việt Nam nhấn mạnh hiện trên thế giới chưa có vaccine chính thức đối với dịch bệnh này. Hiện có nhiều bên dùng một số loại vaccine nhưng chưa có kiểm định rõ ràng nên BaF Việt Nam không dùng. Thay vào đó, BaF Việt Nam chú trọng nuôi bằng công nghệ sinh học, tăng sức đề kháng cho đàn heo, ông Trương Sĩ Bá nói.
Thị trường sẽ cạnh tranh khốc liệt thời gian tới
Nhận định về triển vọng thị trường thịt heo, ông Trương Sỹ Bá cho biết khi thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần thì cuộc cạnh tranh trong tương lai sẽ rất khốc liệt. Theo đó, BaF Việt Nam sẽ phải hoàn thiện chuỗi 3F (Feed-Farm-Food) khép kín, chế biến sau giết giết mổ và xây dựng chuỗi bán lẻ để đón sóng tăng giá heo trong thời gian sắp tới.
Lãnh đạo BaF Việt Nam cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ thịt nhiều nhưng do phụ phẩm nhiều và chưa có phương án xử lý hợp lý nên vẫn đối mặt nguy cơ thua lỗ. Trước đây, các doanh nghiệp này chọn phương án cấp đông phụ phẩm nhưng đang chịu sức ép cạnh tranh từ các đơn vị nước ngoài và nhiều loại phụ phẩm không thể cấp đông được.
BaF Việt Nam cho biết sẽ tính toán kỹ các phương án đầu tư phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế nhằm tối ưu hoá lợi nhuận và tiềm lực. Trong năm nay, BaF Việt Nam dự kiến sẽ triển khai 3 dự án trọng điểm khi có đủ các yếu tố, gồm dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định có công suất 200.000 tấn/năm; dự án Nhà máy giết mổ chế biến BaF Meat tại Bình Phước với công suất giết mổ 240 con/giờ; và dự án Nhà máy giết mổ chế biến BaF Meat tại Hoà Bình với công suất giết mổ 240 con/giờ.
Bên cạnh đó, BaF Việt Nam dự kiến sẽ có 7 dự án đi vào hoạt động trong năm nay, các dự án này vốn được triển khai trong năm 2022. Các dự án này sẽ giúp công ty tăng mạnh quy mô đàn heo thịt thêm 150.000 heo thịt và 25.000 heo nái.
Lãnh đạo BaF Việt Nam cho biết chiến lược kinh doanh năm nay xác định yếu tố FOOD trong chuỗi 3F là nhân tố chủ lực thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ về doanh thu mà còn về biên lợi nhuận trong chuỗi. Theo đó, công ty sẽ nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển sản phẩm thịt chế biến, giúp đa dạng hoá lựa chọn và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài kênh phân phối chính tại các cửa hàng SibaFood và BAF Meat Shop hiện nay, BaF Việt Nam sẽ tăng cường bán lẻ thịt mảnh thông qua kênh thương lái để gia tăng năng suất, tối ưu hoá sản lượng nhằm tối đa hoá lợi nhuận, cũng như lan toả thịt sạch BaF đến tay người tiêu dùng với giá bán hợp lý, chất lượng cao và chuẩn hoá.
Đồng thời, BaF Việt Nam sẽ tận dụng kinh nghiệm và thế mạnh về nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống trong việc triển khai chuỗi liên kết với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Công ty sẽ bán cám kèm con giống để tối ưu công suất nhà máy cám cũng như đưa con giống chất lượng của BaF Việt Nam ra thị trường. Dự kiến sản lượng cám bán ra thị trường năm nay sẽ đạt 80.000 tấn cùng với đó là 61.000 heo giống.