Bài phát biểu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 - 14/5/2011)

Ngày 09 tháng 5 năm 2011, tại Hà Nội, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 - 14/5/2011) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. T
Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;


Kính thưa: Các đồng chí cán bộ lão thành qua các thời kỳ của Ngành Công Thương;

Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương, Lãnh đạo các địa phương;

Kính thưa toàn thể các đồng chí và quý vị đại biểu,


Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với đất nước ta - kỷ nguyên Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Cùng với những chuyển biến của nền kinh tế đất nước, Ngành Công Thương Việt Nam đã từng bước định hình và phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhất là từ khi Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới.

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế Quốc gia do ông Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng.

Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Năm 1958 Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Năm 1960 Bộ Công nghiệp tách thành Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Bộ Công nghiệp nặng tách thành các Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than và Tổng cục Hóa chất. Năm 1981, Bộ Điện và Than tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, đến năm 1987 lại nhập thành Bộ Năng lượng. Năm 1988, Bộ Ngoại thương hợp nhất với một bộ phận của Ủy ban hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Căm pu chia thành Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1990 Bộ Công nghiệp nặng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Mỏ và Địa chất, Tổng cục Hoá chất, Tổng cục Dầu khí, Tổng cục Điện tử và Tin học. Năm 1990 Bộ Thương nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội Thương, Bộ Vật tư và Bộ Kinh tế đối ngoại và năm 1991 đổi tên thành Bộ Thương mại và Du lịch. Đến năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch được đổi tên thành Bộ Thương mại. Năm 1995, Bộ Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng.

Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay.

Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam”. Như vậy đến nay, Ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 60 năm hình thành và phát triển.

Trải qua 60 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức và lao động Ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”..., cán bộ, công nhân viên Ngành Công Thương Việt Nam vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất; hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”, các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “Nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới dịch vụ quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng phục vụ đến từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên của Ngành đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Ngành Công Thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong hơn 25 năm đổi mới, ngành Công Thương đã nỗ nực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng.

Hiện nay toàn Ngành Công Thương đã đóng góp quan trọng trong tổng GDP cả nước, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 13,78% năm. Các thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng tới gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ trung bình đạt 17,34% mỗi năm giai đoạn 2006-2010, riêng năm 2010 tăng trưởng 26,4%. Ngành Công Thương đang cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như năng lượng, khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, thép, hoá chất, phân bón, sản phẩm cơ khí... và phục vụ tiêu dùng như dệt may, giày dép, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm. Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng được phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được mở rộng, tạo kênh lưu thông hàng hoá từ miền núi đến hải đảo, nhiều mô hình phân phối văn minh, hiện đại được triển khai phục vụ người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng luôn được quan tâm thực hiện.

Về phát triển công nghiệp, đã xây dựng và hình thành được một số ngành công nghiệp có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu khá và đang tiếp tục lớn mạnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 (theo giá cố định 1994) đạt 794,58 nghìn tỷ đồng, gấp 1,91 lần năm 2005, tăng bình quân 13,78%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010.

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng ngày càng hợp lý. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 33,87% năm 2005 xuống còn 22,15% năm 2010; khu vực ngoài nhà nước tăng từ 28,85% lên 35,88%; tương tự khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 37,28% lên 41,97%.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, nhiều dự án trong toàn ngành công nghiệp đã triển khai và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực của nhiều ngành. Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng những sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp ngày càng được nâng cao. Nhiều sản phẩm công nghiệp đã được xuất khẩu với giá trị kim ngạch cao, góp phần cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế như dệt may, da giày, sản phẩm nhựa, đồ gỗ, dây và cáp điện, thép, v.v... Thị trường xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp ngày càng được mở rộng.

Công nghiệp hỗ trợ bắt đầu hình thành và từng bước phát triển phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hoá ở một số ngành đã đạt khá cao như xe máy 85 - 90%, thiết bị điện 80 - 90%, v.v… Chất lượng chi tiết, linh phụ kiện chế tạo nâng cao dần. Xu hướng chuyên môn hóa và hợp tác hoá đã hình thành. Một số ngành công nghiệp chính chuyển dịch dần sang hướng xuất khẩu đã kích thích công nghiệp hỗ trợ phát triển theo (xuất khẩu các sản phẩm hỗ trợ chủ yếu thông qua xuất khẩu các sản phẩm lắp ráp cuối cùng).

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và có một thị trường nội địa ngày càng phát triển (hiện nay chúng ta đã xuất khẩu sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; thị trường trong nước có dân số lớn thứ 13 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khối ASEAN với tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ và thị trường bán lẻ tăng bình quân 26,6%/năm).

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; có sự ổn định về chính trị và xã hội, là những nhân tố hết sức quan trọng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp vào kinh doanh ở Việt Nam.

Về hoạt động thương mại, mặc dù trong giai đoạn này chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng qui mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu đạt mức cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội giao. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 72,19 tỷ USD, thì tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2006 - 2010 đạt 17,34%/năm, cao hơn 1,35% so với Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 đặt ra (tăng trưởng 16%/năm).

Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Nhiều mặt hàng đã được mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu như: dệt may, giày dép, thuỷ sản...; xuất hiện thêm một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng cao đang và tiếp tục là những hạt nhân quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu những năm tới đây như sản phẩm gỗ, điện tử, linh kiện máy tính, dây và cáp điện, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, v.v...

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhờ các hoạt động hợp tác kinh tế của Chính phủ và chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, vừa mở ra thị trường mới, vừa khai thác tốt hơn thị trường đang có.

Nhập khẩu đã góp phần bảo đảm cho nhu cầu máy móc, thiết bị, vật tư cho đầu tư, sản xuất trong nước cũng như để xuất khẩu, trong đó tỷ trọng hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất chiếm cao (khoảng 93%), hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 7%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã vượt kế hoạch đề ra. Tính đến năm 2010 đạt 1.561,6 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 26,6%/năm (giai đoạn 2006 - 2010) và tăng gấp trên 1,95 lần so với mục tiêu đặt ra (đạt 800 nghìn tỷ đồng).

Thương mại nội địa đã bảo đảm cung ứng kip thời, đầy đủ với giá cả khá ổn định các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng xã hội nên đã giữ cho thị trường khá ổn định; những mặt hàng chính sách cũng được cung cấp đầy đủ cho các đối tượng.

Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, chủ yếu là dịch vụ phân phối hàng hóa tăng lên nhanh chóng, tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế, trong đó có 2,5 triệu cá nhân, hộ gia đình. Ngoài ra còn có hơn 5.000 Văn phòng đại diện và 50 Chi nhánh của thương nhân nước ngoài, Tập đoàn nước ngoài tham gia kinh doanh siêu thị (Metro, Bourbon, Parkson...) tham gia dịch vụ phân phối (bán buôn, bán lẻ) và các hoạt động phụ trợ khác như nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, v.v...

Hàng hóa lưu thông ngày càng phong phú về qui cách, chủng loại và chất lượng, hình thành một thị trường thống nhất, khá ổn định và thông suốt trong cả nước nên đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu cho nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân được bảo đảm.

Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xuất hiện một số chợ đầu mối nông sản, chợ chuyên doanh đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức mua bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ ở nông thôn phát triển ngày một khang trang hơn.

Hệ thống chợ truyền thống ngày một phát triển, chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 74,9%), còn ở thành thị chiếm 25,1%.

Quản lý nhà nước về thương mại có sự đổi mới từ trung ương đến địa phương, cả về tư duy, nội dung và phương pháp quản lý, môi trường pháp lý cho lưu thông hàng hóa và hoạt động của thương nhân từng bước được hoàn thiện.

Về hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế: Trước yêu cầu của bối cảnh mới, Ngành Công Thương cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế hợp lý, tích cực chủ trì, tham gia các tổ chức quốc tế và ký kết các Hiệp định hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và thương mại. Những thành tựu quan trọng này có ý nghĩa không chỉ đối với Ngành Công Thương mà còn góp phần to lớn thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới.

Trong quá trình triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đã có nhiều chuyển biến, nhận thức như: Phân định rõ công tác quản lý nhà nước với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là tăng cường sự chỉ đạo của Bộ để nâng cao hiệu quả trong xây dựng các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và các giải pháp lớn để phát triển.

Công tác xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện; Bộ đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật quan trọng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội và hàng chục Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, phòng chống buôn lậu và gian lân thương mại, v.v...

Bộ Công Thương đã làm tốt công tác đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ gắn với công tác cổ phần hóa và tổng kết việc thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước nhằm từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Công tác cải cách hành chính đã được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc chú trọng cải cách về thể chế, Bộ đã tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, giảm quan liêu, phiền hà tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp và địa phương đồng tình ủng hộ; tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương; đồng thời xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, từng bước tiêu chuẩn hóa theo ISO gắn với hiện đại hóa công sở, v.v… giúp các đơn vị nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ được đầu tư đúng mức. Đội ngũ trí thức trong Ngành Công Thương đã lao động sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Nhiều đề tài được ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, phát huy nội lực và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được sản xuất trong nước. Nhiều tập thể và cá nhân đã giành được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Kovalepxkaia, giải thưởng Vifotec, v.v…

Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng. Bộ đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường trong Ngành.

Bộ đã chỉ đạo, quán triệt nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng đến các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ công nhân viên chức trong Bộ Công Thương.

Chỉ đạo việc lập các chương trình thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ; nhận xét, đánh giá cán bộ, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm túc trong phân cấp quản lý.

Tham gia các hoạt động xã hội từ thiện luôn được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam quan tâm chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với Công đoàn các cấp động viên cán bộ công nhân viên trong toàn ngành Công Thương nhiệt liệt hưởng ứng; cán bộ công nhân viên của các đơn vị tham gia ủng hộ các Quỹ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, chính quyền địa phương, báo chí phát động như: Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa; ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào bão lụt, sóng thần, động đất, Quỹ vì người nghèo, ủng hộ Bộ đội Trường Sa, v.v... Tổng số tiền ủng hộ cho công tác xã hội từ thiện của các đơn vị trong toàn ngành hàng năm tới hàng trăm tỷ đồng tiêu biểu như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, v.v...

Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại trước đây đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, các ngành Điện, Than, Dầu khí, Dệt May cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Than Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn cùng nhiều đơn vị và cá nhân trong ngành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý. Hôm nay, Ngành Công Thương vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng nhất.

Vinh dự và tự hào, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức trong toàn Ngành Công Thương nguyện ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của các thế hệ cán bộ Ngành Công Thương đã hy sinh quên mình vì sự nghiệm đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kính thưa các vị khách quý, các Quý vị đại biểu!

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và trên thế giới, Ngành Công Thương nước ta đang đứng trước không ít cơ hội và thách thức. Những thuận lợi cơ bản của ngành là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách cho phát triển Ngành. Bên cạnh đó, nội bộ ngành có sự đoàn kết, nhất trí, nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Chính phủ. Các doanh nghiệp và người lao động trong ngành có tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn vững, có tinh thần hăng say lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp, của ngành và đất nước. Cơ sở vật chất trong ngành từng bước được đầu tư phát triển đáng kể, nhiều chuyên ngành sản xuất đã có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như ngành năng lượng, dầu khí, v.v...

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp bởi hậu quả của suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến đời sống và việc làm của người lao động trong ngành. Nền kinh tế đất nước nói chung, Ngành Công Thương nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức mới.

Hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Nhiệm vụ rất quan trọng của Ngành Công Thương là quản lý, điều hành hoạt động của ngành và tham mưu có hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực Công Thương, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành Công Thương nêu cao tinh thần quyết tâm, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết số 02/2011/NQ-Chính phủ và Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội để nền kinh tế đất nước lấy lại đà tăng trưởng và phát triển bền vững.

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, toàn Ngành Công Thương quyết tâm phấn đấu góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một lần nữa, nhân ngày truyền thống vẻ vang này, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương và toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành Công Thương Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí lão thành của Ngành Công Thương, các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ Bộ Công Thương hoàn thành nhiệm vụ; cám ơn Lãnh đạo các doanh nghiệp và đơn vị thuộc Bộ; các cơ quan thông tấn báo chí; các vị khách quý, các vị đại biểu đã tham dự buổi lễ long trọng này.

Xin cảm ơn và chúc sức khỏe các đồng chí và toàn thể quý vị đại biểu.