20 năm ngành Than đi lên từ bài học thực tiễn

Trong suốt 20 năm thành lập và phát triển, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận sự cống hiến to lớn về trí tuệ, sức lực, thậm chí cả xương máu của lớp lớp thợ mỏ, cán bộ công nhân viên, người lao động và các

Tuy ở mỗi giai đoạn phát triển có những đặc điểm khác nhau, nhưng những bài học kinh nghiệm trong hai thập kỷ qua sẽ là tiền đề và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của TKV trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Bài học từ Thống nhất quản lý ngành Than

Ông Đặng Thanh Hải, thành viên HĐTV - Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Công tác thống nhất quản lý ngành Than bằng việc thành lập Tổng công ty Than Việt Nam ngày 10/10/1994 của Chính phủ đã tạo cho ngành Than một sức mạnh tổng hợp để phát triển như ngày hôm nay. Trên cơ sở đề xuất Bộ Công nghiệp giao tài nguyên cho Tổng công ty quản lý, Tổng công ty Than Việt Nam đã sắp xếp, điều chỉnh ranh giới mỏ, giảm bớt tình trạng khai thác manh mún trước đây. Điều đó được thể hiện, ngay sau khi thành lập, Tổng công ty Than Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh cơ bản dẹp được nạn khai thác than trái phép vốn hoành hành rất mạnh gây nhức nhối trên Vùng mỏ trước năm 1994. Mặc dù hoàn cảnh có nhiều thay đổi, nhưng bài học về thống nhất quản lý ngành Than từ những năm đầu của thập niên 90 đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

TKV đã xây dựng và thường xuyên đổi mới, hoàn thiện các cơ chế quản lý nội bộ phù hợp mô hình tổ chức và chiến lược phát triển của Tập đoàn kinh tế. Từ quy chế quản trị tài nguyên, quy chế cán bộ, quy chế tiền lương, quy chế quản lý vật tư, thiết bị, quy chế khoán, quản trị chi phí... đến các cơ chế quản lý như ký kết kế hoạch phối hợp kinh doanh, thiết lập và vận hành thị trường nội bộ... Thông qua đó, TKV đã thiết lập mối quan hệ kinh tế hài hòa giữa Công ty mẹ và các công ty con, đơn vị trực thuộc. Trong rất nhiều quy chế quản lý đó, có những quy chế đã được xây dựng và thường xuyên hoàn thiện trong suốt 20 năm qua và được coi là xương sống đối với sự phát triển của Tập đoàn như quy chế khoán, quản trị chi phí là một ví dụ. Quy chế này đã giúp Tập đoàn thực hiện quyền chi phối, điều hành, phối hợp kinh doanh, đảm bảo sự hoạt động thống nhất, đồng bộ trong toàn TKV; điều tiết chênh lệch địa tô giữa các đơn vị và tạo động lực, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của các công ty con thành viên nhằm khai thác tối đa mọi nguồn lực, mọi lợi thế, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tập đoàn không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Đây là nền tảng, là động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn và hiệu quả SXKD, nhất là trong khai thác than. Trong các mỏ than hầm lò, TKV đã nghiên cứu, áp dụng nhiều hệ thống khai thác mới thích hợp, nâng cao trình độ cơ giới hóa khai thác, công nghệ chống giữ lò và từng bước áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác và đào lò, áp dụng hệ thống tự động cảnh báo khí mê tan, xây dựng và phát triển các hệ thống vận tải trong và ngoài mỏ hiện đại v.v… Đặc biệt, đến nay, các công ty khai thác hầm lò đã thay thế gần như hoàn toàn gỗ chống lò bằng các loại cột chống thủy lực, giàn chống tự hành..., góp phần tăng mức độ đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường, tăng hệ số tận thu than, tăng công suất lò chợ, năng suất lao động và sản lượng khai thác. Trong khai thác than lộ thiên, đã giải quyết thành công vấn đề khai thác xuống độ sâu lớn dưới mức nước biển; sử dụng các thiết bị thủy lực, thiết bị công suất lớn như máy xúc có dung tích gàu lớn trên 5 m3, ôtô tải có tải trọng trên 50 đến 100 tấn v.v... Trong sàng tuyển, đã áp dụng nhiều công nghệ mới, giải pháp mới để nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, TKV chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và người lao động, đặc biệt là cán bộ quản lý cao cấp. Qua đó, đã tạo ra đội ngũ cán bộ, chuyên gia quản lý, có trình độ cao, tư duy năng động, dám nghĩ dám làm và đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, đang từng bước hình thành tác phong công nghiệp. Cùng với chăm lo sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động, TKV đã không ngừng đầu tư nâng cấp hệ thống các Trường đào tạo nghề, Trường bồi dưỡng cán bộ và thành lập Quỹ đào tạo phục vụ công tác học tập, bồi dưỡng trong nước và gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Đây là nhân tố có ý nghĩa quan trọng quyết định mọi thắng lợi của TKV trên suốt hành trình 20 năm qua.

Những năm qua, TKV đã thiết lập và không ngừng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế theo các phương thức song phương và đa phương, mở ra các cơ hội tiếp cận khoa học, kỹ thuật; hợp tác thương mại, đầu tư, tài chính. Thông qua con đường này, đội ngũ cán bộ, chuyên gia của TKV được đào tạo, trau dồi kỹ năng ngày càng chuyên nghiệp và đủ khả năng thích ứng với thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, TKV còn quan tâm xây dựng mối quan hệ mật thiết với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng lớn trên tinh thần phát triển hài hòa giữa SX-KD của Tập đoàn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn, tranh thủ được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời và hiệu quả của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Đồng hành với các giải pháp trên, việc tạo dựng bản sắc văn hóa TKV trên cơ sở phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần tương thân, tương ái của thợ mỏ cũng là một nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định không nhỏ trong quá trình vượt qua khó khăn, thách thức để đi đến thành công của TKV. Thương hiệu và uy tín của TKV - Vinacomin ngày càng được khẳng định.

Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thành công của chặng đường 20 năm qua. Phía trước TKV vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách với nhiều công việc cần làm. Thực tế hiện nay, tình hình kinh tế đất nước và thế giới vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều. Trong khi đó, Tập đoàn lại tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức như khai thác ngày càng xuống sâu, nguy cơ về bục nước, khí, hệ số bóc đất, cung độ vận tải, các loại thuế, phí đều tăng… áp lực về năng suất lao động, vốn đầu tư phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyển dụng và giữ chân thợ lò, an toàn bảo hộ lao động, môi trường... đều là những bài toán khó cần phải giải quyết đồng bộ.

Trước những thách thức đó, Hội đồng Thành viên TKV đã đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ hết sức cụ thể và được Chính phủ, các bộ, ban, ngành thông qua để triển khai thực hiện. Theo đó, mục tiêu phát triển trước mắt giai đoạn 2016-2020 là phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn để phát triển bền vững hơn. Các giải pháp trọng tâm được đưa ra như: Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực. Trước mắt tập trung ưu tiên đẩy mạnh các dự án khai thác mỏ than hầm lò nhằm nâng công suất khai thác. Đổi mới quản trị doanh nghiệp, áp dụng phương pháp quản trị hiện đại; luôn tạo ra và duy trì động lực phát triển; mở rộng quan hệ quốc tế; phát triển thị trường, duy trì và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Trong đó xác định nâng cao sức cạnh tranh của TKV là nhiệm vụ xuyên suốt. Không ngừng đổi mới, hoàn thiện tổ chức sản xuất; phát triển nguồn nhân lực lành nghề, thạo việc; tăng cường dân chủ, giữ vững đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động, đặc biệt là đội ngũ thợ lò v.v…