Qua 5 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch, hoạt động du lịch Hà Tây tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng:

- Đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tây đến năm 2010.

- Thu hút gần 1000 tỷ đồng của các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch và tạo thêm nhiều điểm du lịch mới, sản phẩm du lịch mới như: Sân gôn Hướng Núi – hồ Đồng Mô, cáp treo chùa Hương… các điểm du lịch Tản Đà, Thiên Sơn – Suối Ngà, Thác Đa, Đầm Long – Bằng Tạ…

- Thực hiện 13 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng làng nghề với tổng số vốn 125 tỷ đồng tại một khu du lịch trọng điểm như chùa Hương, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô, các làng nghề: Vạn Phúc, Phú Vinh, Chuyên Mỹ…

- Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch, nối tour tuyến du lịch trong và ngoài Tỉnh. Đã 3 lần tổ chức thành công Hội du lịch làng nghề truyền thống Hà Tây.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phát triển du lịch được tăng cường. Bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh tới huyện, thị xã được kiện toàn một bước; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là việc đào tạo nâng cao văn hóa du lịch cho nhân dân ở các địa phương trọng điểm về du lịch.

Về doanh thu xã hội từ du lịch, năm 2001 đạt 162,82 tỷ đồng, năm 2005 đạt 304 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 17,2%/năm. 5 năm qua, du lịch Hà Tây đã đón được 10,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu xã hội đạt 1105 tỷ đồng. Đến năm 2005, tỷ trọng du lịch chiếm khoảng 15% trong ngành dịch vụ.

Mục tiêu

- Về khách du lịch: Năm 2010 đón 4,38 triệu lượt khách, trong đó có 228.700 lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm.

- Doanh thu xã hội về du lịch: Năm 2010 đạt trên 600 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trong 5 năm là 15%/năm.

- Xây dựng 6 khu du lịch tổng hợp (gồm các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…) Có khoảng 2400 phòng khách sạn, hình thành một số khách sạn từ 3 sao trở lên tại Hà Đông và các điểm phụ cận.

- Xây dựng Trung tâm dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống Hà Tây. Đầu tư phát triển 3 làng nghề thành các điểm du lịch (Sơn Đồng, Phú Vinh, Chuyên Mỹ)

- Đẩy mạnh việc đầu tư khai thác du lịch tại 6 điểm di tích lịch sử văn hóa, lễ hội trong Tỉnh (khu di tích thắng cảnh du lịch Hương Sơn, Làng Việt cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, đền Đức Thánh Cả.

Định hướng

Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mang nét đặc trưng Hà Tây, trong đó đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và văn hóa – lễ hội, làng nghề truyền thống. Có kế hoạch kết nối các tour, tuyến du lịch của Tỉnh với các địa phương khác.

Phát triển nhanh cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch. Đến năm 2010, có được hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ đảm bảo yêu cầu phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Cơ bản hình thành trung tâm du lịch của Tỉnh là cụm Sơn Tây – Ba Vì và khu vực ven đô với 6 khu du lịch tổng hợp là: Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu – Hà Tây, khu di tích lịch sử văn hóa du lịch Đường Lâm, khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh; khu du lịch hồ Văn Sơn (sân gôn và các khu nghỉ dưỡng), khu du lịch hồ Suối Hai – núi Ba Vì, khu du lịch hồ Đồng Mô.

Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư du lịch vào Hà Tây, chủ động tiếp cận với các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới gọi vào đầu tư du lịch trên địa bàn Tỉnh.

Xây dựng nguồn nhân lực du lịch có trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong tiến trình hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2010, thu hút khoảng 4300 lao động trực tiếp trong ngành.

Bảo vệ, tôn tạo và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường du lịch, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đảm bảo phát triển bền vững.

Nguồn: Chương trình phát triển du lịch Hà Tây đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

 

  • Tags: