6 năm thực hiện Pháp lệnh Quản lý thị trường

Ra đời từ năm 2016, Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT) được xác định là cơ sở pháp lý vững chắc của lực lượng QLTT; tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xây dựng lực lượng ngày càng chuyên nghiệp, chính quy; từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của người dân, Chính phủ.

Cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát

Pháp lệnh QLTT được Quốc hội thông qua ngày 8/3/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016. Sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT) và Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 148.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhận định, sau 6 năm triển khai, Pháp lệnh QLTT đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xây dựng lực lượng QLTT ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác QLTT. Đồng thời, từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của người dân và Chính phủ đối với lực lượng.

“Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh và dẫn chứng, kể từ khi Pháp lệnh ra đời, đặc biệt, từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, Tổng cục QLTT cũng như lực lượng QLTT cả nước đã tiến công vào những “điểm nóng”, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được. Đơn cử, vụ tổng tấn công, kiểm tra 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh, hay như vụ việc kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...

pháp lệnh Quản lý thị trường
Sau 6 năm triển khai, Pháp lệnh QLTT đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xây dựng lực lượng QLTT ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả

Đáng chú ý, trong đại dịch Covid-19, lực lượng QLTT còn thể hiện vai trò tiên phong trong trận chiến khi vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường, vừa tham gia túc trực để điều phối các mặt hàng phòng, chống dịch tới tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Không chỉ quyết liệt chỉ đạo trong lực lượng, Tổng cục QLTT cũng chủ động phối hợp các lực lượng chức năng, bộ, ngành để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường. Ở cấp địa phương, lực lượng QLTT quận, huyện đã xử lý nhiều vụ việc, địa bàn nổi cộm.

Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mà còn giúp lực lượng QLTT ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp. Đến nay, cả lực lượng chỉ còn 376 đội QLTT (giảm 45%) so với trước đây là 681 Đội QLTT.

Bước vào hội nhập, Tổng cục QLTT đã chủ động đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, coi đó là công cụ đi đầu tạo ra bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, lực lượng QLTT đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác QLTT, đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cơ sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; hệ thống hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu...

Đặc biệt, từ 1/2/2022, lực lượng QLTT cả nước đã áp dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS). Đây là bước tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, là công cụ hữu hiệu góp phần vào công tác quản lý địa bàn, dễ dàng xác định các hành vi tái phạm của các tổ chức, cá nhân mà lực lượng QLTT trong cả nước đã kiểm tra, xử lý.

Pháp lệnh Quản lý thị trường

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cũng được Tổng cục QLTT đặc biệt coi trọng khi phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành đào tạo chính quy cử nhân QLTT.

“Đây là lần đầu tiên sau 65 năm thành lập mới có trường đào tạo chuyên ngành về công tác QLTT, hướng tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết.

Củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác QLTT

Sau gần 6 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh QLTT đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, thực tế đã nảy sinh một số vấn đề, cũng như tồn tại khó khăn, vướng mắc nhất định.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục QLTT xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh QLTT. Ngày 27/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh QLTT. Nghị định này thay thế Nghị định số 148/2016/NĐ-CP và Nghị định số 78/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP.

Nghị định 33/2022/NĐ-CP bổ sung thêm thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại đối với chức danh cấp trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục nghiệp vụ QLTT; Đội trưởng Đội QLTT cấp huyện trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh; Đội QLTT liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội QLTT chuyên ngành; Đội QLTT cơ động. Quy định này nhằm gia tăng thẩm quyền và tính chủ động của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm hành chính ngày càng tinh vi hiện nay.

Ngoài ra, Nghị định 33/2022/NĐ-CP còn chỉnh lý về ngạch công chức, quản lý công chức để phù hợp với những quy định mới về cán bộ công chức hiện nay; bao gồm 4 ngạch: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; kiểm soát viên chính thị trường; kiểm soát viên thị trường và kiểm soát viên trung cấp thị trường.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ, sự ra đời của Nghị định 33/2022/NĐ-CP góp phần củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác QLTT. Đặc biệt, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, đẩy mạnh phát triển lực lượng QLTT theo hướng chính quy, chuyên nghiệp và từng bước hiện đại để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm và lấy thước đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ công chức, người lao động trong lực lượng QLTT.

Nguyên Vỵ