Bất chấp áp lực từ các nước phương Tây, OPEC+ chỉ tăng nhẹ sản lượng khai thác

Kết thúc phiên họp định kỳ hàng tháng vào ngày 5/5, liên minh OPEC+ cho biết sẽ chỉ nâng sản lượng khai thác thêm trong tháng 6/2022 thêm 432.000 thùng/ngày bất chấp việc nhiều nước phương Tây kêu gọi tăng cường sản lượng ở mức cao nhằm hạ nhiệt giá dầu thô.

Như vậy, liên minh OPEC+ tiếp tục tuân thủ kế hoạch nâng dần sản lượng khai thác được đề ra từ hồi tháng 7/2021. Liên minh OPEC+ cho biết việc Trung Quốc kéo dài phong toả tại nhiều khu vực của nước này nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 có thể khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu suy giảm. Do đó, các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ chỉ đồng ý tăng nhẹ sản lượng khai thác trong tháng 6/2022 thêm 432.000 thùng/ngày cho dù nhiều nước phương Tây kêu gọi tăng cường sản lượng ở mức cao nhằm hạ nhiệt giá dầu thô.

Liên minh OPEC+ cũng nhấn mạnh tổ chức này không chịu trách nhiệm về việc đứt gãy nguồn cung dầu thô từ Nga trong bối cảnh nhiều nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Phiên họp định kỳ của liên minh OPEC+ diễn ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất có thể cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga trong thời gian tới.

Nếu EU thông qua việc ngưng nhập khẩu dầu thô từ Nga thì dòng chảy năng lượng trên toàn cầu sẽ được định hình lại. Trong đó, dầu thô của Nga buộc phải tiêu thụ chủ yếu tại khu vực châu Á và Nga có thể phải cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác; đồng thời, EU sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia khác để giành được các nguồn cung dầu thô ngoài Nga. Giới quan sát nhận định những yếu tố này có thể sẽ đẩy giá dầu thô tiếp tục tăng cao.

giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày qua (Đồ hoạ: Oil Price)

Sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, giá dầu thô Brent trong tháng 3/2022 đã chạm 139 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi năm 2008. Trong phiên giao dịch ngày 5/5, giá dầu thô Brent giao dịch quanh mốc 110 USD/thùng.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin có tham dự phiên họp của liên minh OPEC+ cho biết đại diện các quốc gia thành viên “hoàn toàn không thảo luận bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhắm vào Nga”.

Ông Callum Macpherson, trưởng ban phân tích thị trường hàng hoá thuộc tập đoàn tài chính Investec (Nam Phi), nhận định “OPEC+ tiếp tục cho rằng vấn đề đứt gãy nguồn cung từ Nga là vấn đề của riêng các nước phương Tây và hiện không có bất kỳ vấn đề cơ bản nào về nguồn cung”.

Theo ông Callum Macpherson, trong số các quốc gia thành viên liên minh OPEC+, hiện chỉ có duy nhất Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) có đủ khả năng nâng thêm đáng kể sản lượng khai thác. “Nếu họ làm vậy thì liên minh OPEC+ sẽ tan vỡ”, ông Callum Macpherson nói.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu.

Trước đó, vào ngày 4/5, Tổng thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo đã nhấn mạnh việc tìm kiếm nguồn cung dầu nhằm thay thế nguồn cung từ Nga là điều gần như không thể khi sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga lên tới hơn 7 triệu thùng/ngày, và cảnh báo liên minh OPEC+ đã cạn kiệt phần công suất dự phòng để gia tăng mạnh sản lượng khai thác thêm.

Ông Mohammad Barkindo khẳng định thị trường biến động mạnh hiện nay là do những yếu tố nằm ngoài kiểm soát của OPEC và dựa trên những tín hiệu thị trường thì OPEC sẽ không gia tăng nguồn cung dầu cho thị trường ở giai đoạn này.

Tường Vy